Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ ra nghị quyết về phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Chính phủ chỉ đạo đầu tư phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất, xây dựng phương án điều hành logistics phục vụ tốt hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 163/NQ-CP về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), một trung tâm logistics quan trọng của miền Trung. Ảnh: Nhân Tâm

Theo nghị quyết  này, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trong vào việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỉ đô la năm 2021 và hơn 700 tỉ đô la trong năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế địa-kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại.

Vì vậy, Chính phủ thống nhất chỉ đạo phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics.

Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các hợp phần giao thông vận tải trong quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics, phù hợp với các trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Phát triển sàn giao dịch vận tải hàng hóa gắn với thương mại điện tử, hướng tới phát triển logistics xanh.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới