Thứ Ba, 23/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch Quốc hội: sửa Luật Giá phải tôn trọng quyền định đoạt về giá của các tổ chức, cá nhân

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Có ý kiến về Luật Giá (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội có ý kiến như trên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) diễn ra vào chiều 19-9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với luật hiện hành đã bổ sung về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…

Dự thảo luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho biết mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng…).

Vì vậy Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị ban soạn thảo xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cận.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng dự thảo luật chưa bảo đảm tính bao quát; một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá chưa được quy định rõ như tiêu chí cụ thể về hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập; chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá nhà nước chưa rõ ràng; công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong thẩm định giá chưa đầy đủ. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Bộ Tài Chính bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất sửa đổi luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về quản lý nhà nước về giá. Cần hạn chế việc phân công quá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, vì những điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Cho ý kiến về dự án Luật Giá sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá và dự thảo luật có nhiều điểm không khớp, chưa thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo thẩm tra rà soát kỹ lưỡng báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá. Đảm bảo những thay đổi trong dự thảo luật sẽ cải thiện, giải quyết những tồn tại đã nêu trong báo cáo tổng kết.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng sửa đổi Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Trước đây, Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ công tác này, bao gồm cả giá điện, giá thuốc, giá năng lượng, giá đất… Hiện nay, Bộ Tài chính chỉ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Còn giá cụ thể thì phân cấp cho các bộ, ban, ngành khác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá thêm việc chuẩn bị lực lượng để thực hiện công tác điều hành giá ở các bộ chuyên ngành, nhất là với những bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại đội ngũ thực hiện công tác quản lý nhà nước về giá, từ công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện… để từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ nguyên tắc là phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia thị trường. Sự can thiệp của Nhà nước phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, để tránh xâm phạm quyền lợi của các chủ thể. Việc thay đổi phân công, phân cấp, phân quyền phải thực hiện theo nguyên tắc, không tùy tiện…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới