(KTSG Online) - Quyết định đảo ngược đột ngột chính sách zero Covid khiến số ca nhiễm ở các nhóm công nhân ở Trung Quốc tăng vọt, với một số nhà máy ghi nhận có đến 90% công nhân nhiễm bệnh. Tình trạng công nhân nghỉ ốm hàng loạt do Covid-19 đã đặt các chủ nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thách thức mới trước thềm Tết Nguyên đán: thiếu số lao động cần thiết để sản xuất và giao các đơn hàng đúng hạn.
- Trung Quốc ước tính có gần 250 triệu người nhiễm Covid-19 trong 20 ngày
- Covid-19 phủ bóng đen lên kinh tế Trung Quốc
Sau ba năm gián đoạn kinh tế do chính sách zero Covid nghiêm ngặt, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đón nhận một thực tế mới đáng mừng trong tháng 12: hầu như tất cả các hạn chế liên quan đến đại dịch đều được dỡ bỏ.
Nhưng trước khi có thể tận dụng lợi thế nhờ sự xoay trục chính sách này, các chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết họ cần phải ổn định lại chuỗi cung ứng sau một thời gian dài hoạt động bị đảo lộn. Đồng thời, họ phải chống chọi để vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 đang tấn công qua lực lượng lao động của họ.
“Mọi người gần như ốm bệnh cùng một lúc”, Hong Binbin, Giám đốc Công ty sản xuất đồ chơi Shenzhen Jiaoyang Industrial, có trụ sở ở Thâm Quyến, nói. Ông cho hay đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi đầu tháng 12 khiến 90% công nhân của ông phải nghỉ việc trong vòng trong hai tuần. Tình trạng thiếu lao động buộc ông phải dời ngày giao đơn hàng đồ chơi cho một khách hàng Hàn Quốc sang tháng 1-2023, thay vì ngày 25-12 như kế hoạch ban đầu.
Hong Binbin, người đã nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 12, cho biết ông cảm thấy bất lực và thất vọng vì đã thiếu cảnh báo và hướng dẫn sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch. Giờ đây, ông lo ngại khách hàng có thể trì hoãn đặt các đơn hàng mới do lo ngại làn sóng tái nhiễm Covid-19 ở thành phố Thâm Quyến.
Kể từ khi Trung Quốc rút lại các biện pháp hạn chế lớn cuối cùng liên quan đến Covid-19 vào 7-12, đại dịch đã nhanh chóng lan rộng khắp đất nước. Các doanh nghiệp Trung Quốc thừa nhận họ vẫn chưa sẵn sàng cho việc kết thúc đột ngột các hoạt động xét nghiệm trên diện rộng, cách ly hàng loạt và phong tỏa các thành phố, cũng như tình trạng thiếu lao động xảy ra sau khi một lượng lớn công nhân bị ốm.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc công bố hôm 31-12 cho thấy hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong tháng 12 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020, khi Covid-19 lần đầu tiên lây lan trên toàn quốc. Các nhà kinh tế nhận định những khó khăn này có thể lan rộng khắp các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Stephen Roach, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale (Mỹ) và là cựu Chủ tịch phụ trách thị trường châu Á của Ngân hàng Morgan Stanley, nói: “Thế giới được kết nối thông qua các chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm. Bất kỳ ‘đường gấp khúc’ nào trong các chuỗi đó đều có thể gây cản trở hoạt động sản xuất toàn cầu và nền kinh tế thế giới”.
Có khả năng đường cong lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc sẽ chạm đỉnh trong tháng 1 này, thời điểm mà hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này giúp nhiều doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở Trung Quốc bớt lo lắng hơn vì họ tin rằng rằng tình trạng bình thường có thể xuất hiện vào đầu tháng 2.
“Tôi nghĩ làn sóng lây nhiễm lên đỉnh điểm trong tháng 1 sẽ có ích hơn là có hại. Chúng tôi có cơ hội thực sự để trở lại hoạt động sản xuất bình thường sau Tết Nguyên đán”, Andreas Nagel, Giám đốc thương mại của Công ty Stulz, nhà sản xuất các thiết bị kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ, có trụ sở tại Thượng Hải, nói. Stulz đã gặp khó khăn lớn do hàng loạt công nhân nghỉ ốm trong đợt lây nhiễm Covid-19 tháng 12.
Các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ đúng lúc nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất bị đình trệ. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm so với một năm trước đó, với tốc độ giảm mạnh nhất trong hơn hai năm.
Philip Richardson, Tổng giám đốc Công ty Trueanalog Strictly OEM, nhà sản xuất thiết bị âm thanh, có trụ sở ở Quảng Châu, cho biết công ty ông đang đối mặt với khó khăn kép: tình trạng gián đoạn do Covid-19 gây ra và sự suy thoái nghiêm trọng trong chu kỳ kinh doanh. Cả hai vấn đề này đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng.
Richardson, người đã kinh doanh ở Trung Quốc hơn hai thập niên, ghi nhận hiện nay các khách hàng nước ngoài nhìn chung vẫn còn dư thừa hàng tồn kho. Vì Trung Quốc đã từ bỏ biện pháp xét nghiệm hàng loạt nên rất khó để theo dõi sự tiến triển của đại dịch.
Nhưng các chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết đại dịch đã nhanh chóng lan rộng khắp miền bắc Trung Quốc vào đầu tháng 12 trước khi chuyển sang tấn công Thượng Hải và miền nam Trung Quốc. Các bệnh viện chật kín bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi, trong khi hầu hết người trong độ tuổi lao động có thể bình phục sau một tuần nhiễm bệnh.
Tại thành phố Trịnh Châu, Covid-19 đã lây lan tương đối nhanh ở lực lượng công nhân khổng lồ của tổ hợp nhà máy của Foxconn Technology Group, nhà sản xuất gia công iPhone lớn nhất của Apple. Dù vậy, các nhà phân tích và các nhà cung cấp tin rằng hoạt động sản xuất đang bắt đầu bắt kịp nhu cầu đối với các mẫu iPhone 14 Pro đắt tiền hơn.
Trong khi đó, do bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19, nhiều nhà máy khác ở Trung Quốc đã tạm dừng sản xuất theo kế hoạch trong dịp Tết Nguyên đán.
Xie Haifeng, nhân viên vận hành xe nâng của Công ty nội thất ô tô toàn cầu Yanfeng ở Thượng Hải, tiết lộ có đến một nửa nhóm làm việc của anh đã nhiễm bệnh. Anh cho biết sẽ về quê nhà ở tỉnh Giang Tô gần đó sớm hơn thường lệ để đoàn tụ gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
Yanfeng, nhà cung cấp phụ tùng cho Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác, có kế hoạch cho phép công nhân nghỉ việc 5 ngày trước kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần chính thức bắt đầu vào ngày 21-1.
Hôm 2-1, Bộ trưởng Tài chính Úc Jim Chalmers đã cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc áp đặt rủi ro lớn cho nền kinh tế Úc trong năm nay.
Ông nói: “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với Trung Quốc và chuỗi cung ứng là một trong những rủi ro chính đối với nền kinh tế của chúng ta vào năm 2023. Rất nhiều hàng hóa của chúng ta phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc và lực lượng lao động ở đây”.
Chalmers lưu ý nhiều nhà phân tích tài chính dự đoán các điều kiện ở Trung Quốc sẽ xấu hơn trước khi được cải thiện. Điều này là mối lo ngại lớn vì Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Theo WSJ, The Sydney Morning Herald