Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyển biến trên thị trường dịch vụ triển lãm hội chợ hậu đại dịch

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau 2 năm bị "đóng băng" do dịch bệnh, SECC - trung tâm triển lãm và hội nghị lớn của TPHCM và cả nước, trong hơn 2 tháng qua tuần nào cũng diễn ra các sự kiện với lượng khách tham quan và doanh nghiệp tìm cơ hội giao thương đưa nơi đây nhộn nhịp trở lại.

KTSG Online phỏng vấn bà Thượng Mỹ An, Tổng giám đốc SECC, địa điểm được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến khi tham gia các cuộc triển lãm quốc tế hay các sự kiện lớn ở Việt Nam, về tình hình ngành này cũng như sự tham gia của nhà triển lãm, doanh nghiệp hậu Covid-19 và triển vọng của ngành triển lãm.

Một triển lãm chuyên ngành diễn ra tại SECC vào tuần vừa qua thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Lê Hoàng

KTSG Online: Bà có thể chia sẻ về tình hình cho thuê tại SECC hiện nay và so với thời điểm trước dịch Covid-19 như thế nào?

Bà Thượng Mỹ An: Từ đầu năm nay, tình hình tổ chức triển lãm và sự kiện vẫn chưa thể diễn ra như mong đợi vì nhiều lý do, như: các chính sách mở cửa, xuất nhập cảnh của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn chưa được linh hoạt. Nhiều bất ổn chính trị - xã hội cũng diễn ra khắp nơi trên thế giới, các biện pháp phòng chống dịch vẫn còn được thắt chặt, tâm lý người dân còn e dè, chưa cởi mở, thời gian chuẩn bị tổ chức sự kiện không kịp sau khi nhà nước gỡ bỏ các quy định về tụ tập đông người…

Tuy nhiên, từ thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 đến nay, tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, các chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để kích thích, thúc đẩy phát triển kinh tế giúp các hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ từng bước khôi phục. Nhờ vậy, việc tổ chức triển lãm và sự kiện tại SECC cũng đã có những tín hiệu tích cực. Số lượng các triển lãm và sự kiện tổ chức tại SECC đã dần tăng lên, phủ các tuần của tháng nhưng mật độ và quy mô vẫn chưa thể bằng so với thời điểm trước dịch.

KTSG Online: Cụ thể, việc cho thuê tại mỗi sự kiện triển lãm và hội chợ hiện nay như thế nào, thưa bà?

Bà Thượng Mỹ An: Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan nhưng theo ghi nhận thực tế thì các triển lãm thuê mặt bằng tổ chức tại SECC đã giảm quy mô còn một nửa. Đáng chú ý, với những triển lãm mà nhà trưng bày chủ yếu đến từ Trung Quốc thì diện tích còn bị thu hẹp xuống chỉ còn 1/3 diện tích so với trước đây.

KTSG Online: Với khách thuê diện tích nhỏ vậy, SECC có giải pháp gì để đạt hiệu quả kinh doanh vì thời điểm trước đây, có đơn vị đã thuê toàn bộ mặt bằng?

Bà Thượng Mỹ An: SECC đang thực hiện giải pháp dịch chuyển cơ cấu sản phẩm. Cụ thể là từ năm 2019 trở về trước thì các sự kiện triển lãm chuyên ngành chiếm 80% còn lại là các sự kiện khác như: giải trí, thời trang, âm nhạc… chiếm 20%. Tuy nhiên, hiện tại các con số này đã thay đổi: các triển lãm chỉ còn 70% và thay vào đó là các sự kiện vui chơi giải trí, các hoạt động khác đã tăng lên là 30%.

Tùy tình hình thực tế và nhu cầu của ngành hội chợ - triển lãm, cơ cấu sản phẩm sẽ điều chỉnh cho phù hợp hơn để nhằm khai thác tối đa các nhà triển lãm đã được đầu tư.

KTSG Online: Từ ngày đưa vào hoạt động giai đoạn 2, có nhà tổ chức sự kiện nào đăng ký thuê hết diện tích cả 2 giai đoạn tại SECC không?

Bà Thượng Mỹ An: Một vài sự kiện đã đăng ký giữ chỗ cả 2 nhà triển lãm A và B (bao gồm cả diện tích giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của SECC). Tuy nhiên, tình hình thực tế có thể tăng hoặc giảm diện tích tùy diễn biến dịch bệnh và điều kiện kinh tế, không thể khẳng định hoặc chắn chắn được.

Những sự kiện triển lãm quy mô lớn như triển lãm ngành công nghiệp ô tô được kỳ vọng sẽ sớm diễn ra trở lại trong thời gian tới. Ảnh minh họa: TL

KTSG Online: Theo bà, do dịch bệnh việc doanh nghiệp chuyển qua tham gia sự kiện triển lãm dưới hình thức trực tuyến có ảnh hưởng đến lượng khách tham gia các sự kiện hội chợ triển lãm trực tiếp hiện nay?

Bà Thượng Mỹ An: Lý giải cho việc này thì có thể kể đến việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản do thời gian dịch bệnh kéo dài, không đủ nguồn lực để vượt qua. Và việc doanh nghiệp chuyển qua tham gia các sự kiện trực tuyến có tăng nhưng theo tôi là không đáng kể.

Tôi cho rằng khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt thì việc doanh nghiệp đến tham quan và trải nghiệm thực tế vẫn là công cụ tốt và có hiệu quả nhất định trong việc xúc tiến thương mại, giao thương kết nối thành công.

KTSG Online: Bà đánh giá việc tổ chức hội chợ - triển lãm cho năm 2023 và những năm tới như thế nào?

Bà Thượng Mỹ An: Trên thực tế hiện nay, những sự kiện thường niên vẫn tiếp tục giữ chỗ và thậm chí có 1-2 sự kiện mới. Hy vọng, khi điều kiện kinh tế ổn định, tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt, ngành hội chợ - triển lãm sẽ có những kết quả đáng kể, tín hiệu tốt cho việc xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế trong năm 2023 và những năm tới.

Ngày 26-4-2022, Saigontourist Group và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động Nhà triển lãm B thuộc Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) sau hơn 2 năm xây dựng, góp phần đón đầu xu hướng du lịch MICE phát triển mạnh sau dịch.Nhà triển lãm B có tổng diện tích xây dựng hơn 33.000m2, tổng đầu tư hơn 900 tỉ đồng, nối tiếp Nhà triển lãm A hiện có, tạo nên một không gian sự kiện 18.000m2, tương đương 1.000 gian hàng tiêu chuẩn, thiết kế 3 cộng 1 gồm: tầng phục vụ triển lãm, hội nghị, nhà hàng văn phòng, kèm theo đó là cơ sở vật chất, tiện ích, các không gian chức năng mới…Tại buổi khai trương Nhà triển lãm B khi đó, SECC dự kiến tổng doanh thu khai thác đồng bộ Nhà triển lãm A và Nhà triển lãm B kỳ vọng sẽ đạt trên 500 tỉ đồng/năm, đồng thời phục vụ hàng triệu khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị) đến TPHCM cũng như Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới