Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi số ở nông thôn nhìn từ Nhật Bản

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nông thôn – nơi hình ảnh thu nhỏ, báo trước những thách thức mà tình trạng lão hóa và suy giảm dân số mang lại cho Nhật Bản – bắt đầu quá trình số hóa với máy móc nông nghiệp được tự động hóa và mở rộng mạng lưới chăm sóc y tế trực tuyến.

Máy cắt cỏ tự vận hành của Shinano Robotics giúp giảm các chi phí còn 16-17% so với trước.
Ảnh: Nikkei Asia

Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đang trên đà đạt mức thấp kỷ lục và sẽ về dưới ngưỡng 800.000 trẻ trong năm nay. Đây là nỗi ám ảnh của xứ sở mặt trời mọc, bởi với sinh suất hiện nay dân số của Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 100 triệu vào năm 2053 từ mức hơn 125 triệu hiện nay. Tuy vậy, sinh suất ngày càng giảm sẽ khiến tốc độ suy giảm dân số nhanh hơn nhiều so với dự đoán.

Tự động hóa: lấy người cao tuổi làm trung tâm

Công nghệ tự động hóa có thể được áp dụng cho máy kéo và các thiết bị nông nghiệp khác ở Nhật Bản – nơi mà dân số ngày càng già đi. Theo thống kê của chính phủ, độ tuổi trung bình của nông dân nước này là khoảng 68 và 90% trong số họ từ 65 tuổi trở lên. Đáp ứng nhu cầu của dân số cao tuổi là một thách thức.

Khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã so sánh tiền lương mà công nhân nhà máy ở Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc kiếm được với tiền lương của một thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại Nhật Bản.

 

Kết quả cho thấy: Đến năm 2032, tiền lương tại nhà máy ở tất cả các nước trên, ngoại trừ Philippines, được dự đoán sẽ bằng hơn một nửa mức lương của thực tập sinh tại Nhật Bản.

 

Khi tiền lương địa phương chạm ngưỡng 50%, JCER cho biết, người lao động có thể miễn cưỡng hoặc khó lòng quyết định đến Nhật Bản làm việc.

 

Đồng yen giảm giá mạnh đã khiến một số lao động nước ngoài bỏ đi khi các nền kinh tế châu Á khác cạnh tranh với Nhật Bản để thu hút nhân công.

Shinano Robotics, có trụ sở tại thị trấn Shinano thuộc tỉnh Nagano, là một trong những doanh nghiệp đang phát triển thử nghiệm các công nghệ mới để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động mà các cộng đồng nông thôn khắp Nhật Bản đang phải đối mặt.

Công ty đã cho thử nghiệm chiếc máy cắt cỏ hồi tháng 3 năm nay. Máy được kết nối với hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Michibiki của Nhật Bản, chỉ cần chạm nhẹ màn hình điện thoại, máy cắt cỏ bắt đầu làm việc. Máy tự di chuyển, làm công việc nặng nhọc là chuẩn bị đất canh tác trên cánh đồng cho những lao động có tuổi.

Người đứng đầu Shinano Robotics Tetsuya Akahori, nói rằng: “Đầu tiên, con người điều khiển các máy cắt cỏ trên các cánh đồng. Với chương trình đã cài sẵn, máy sẽ tìm hiểu hay thăm dò các đường dẫn đã vạch sẵn và tự vận hành trong lần làm việc thứ hai”. Ông Tetsuya Akahori dự báo nhu cầu sử dụng máy “rất cao” ở các lĩnh vực cần nhiều nhân công và cho hay sẽ cung cấp robot cắt cỏ thông qua dịch vụ cho thuê hay đăng ký sớm nhất là năm 2024.

Tại các trang trại mà Shinano đã thử nghiệm, chi phí cắt cỏ bằng máy thông thường cần khoảng 3,7 triệu yen (khoảng 27.000 đô la) một năm cho công lao động và các chi phí khác. Máy cắt cỏ tự lái dự kiến sẽ giảm giá này xuống mức thấp nhất là 600.000 yen, tức chỉ bằng 16-17%.

Y tá thăm khám cho người bệnh trên xe y tế lưu động ở thành phố Ina, Nagano. Mạng kỹ thuật sẽ kết nối với các bác sĩ chuyên khoa cách đó hàng trăm cây số. Ảnh: CNN

Hãng TIS có trụ sở tại Tokyo đang phát triển một con robot giao hàng tạp hóa cho người lớn tuổi ở những khu vực đông dân cư và đã thử nghiệm robot tại thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima.

Theo TIS, con robot được hướng dẫn bởi GPS và laser, có thể đi với tốc độ 3 ki lô mét mỗi giờ và giao hàng chặng cuối từ điểm tập kết hàng đến nhà của người mua hàng trong quãng 20 ki lô mét.

Hãng dự kiến sẽ thu phí 1.000-1.500 yen mỗi lần giao hàng tạp hóa. Ngoài robot giao hàng, trong tháng 11 vừa qua TIS cũng thử nghiệm robot thu gom rác và vận chuyển nông sản.

Các vùng nông thôn hẻo lánh của Nhật Bản cũng tiếp cận với y khoa trực tuyến (telemedicine). Hồi tháng 3-2021, Microsoft Japan đã hợp tác với hai bệnh viện ở Nagasaki để triển khai thử nghiệm thực địa đầu tiên tại Nhật Bản về dịch vụ chăm sóc từ xa cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Một trong hai bệnh viện địa phương, Bệnh viện Trung tâm Goto, nằm trên một hòn đảo xa xôi. Nhân viên ở Goto thu thập hình ảnh 3D của bàn tay bệnh nhân bằng cảm biến của Microsoft và sau đó gửi dữ liệu đến Bệnh viện Đại học Nagasaki cách đó hơn 100 ki lô mét.

Tại Việt Nam, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt đầu tháng 8-2022.

 

Chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo).

 

Chương trình gồm ba mục tiêu tập trung – phát triển chính quyền số và xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, và thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn – tạo tiền đề cho nông thôn mới thông minh 2026-2030.

Các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Nagasaki đã xem hình ảnh và đưa ra chẩn đoán. Bệnh viện Trung tâm Goto không có bác sĩ chuyên khoa viêm khớp, vì vậy cơ sở này giúp cư dân trên đảo dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc hơn.

“Tôi hy vọng rằng sau này chúng tôi sẽ nắm bắt được nét mặt và cuộc trò chuyện của bệnh nhân bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và phân tích cơn đau”, theo lời Kunihiro Ohyama, lãnh đạo ngành chăm sóc sức khỏe tại Microsoft cho biết.

Xây dựng nền tảng công nghệ số tại nông thôn

Dân số suy giảm sẽ khiến Nhật Bản phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn lao động nước ngoài. Nhưng với mức tăng lương chậm trong khi trị giá đồng yen yếu dần hiện nay thì vào đầu thập niên 2030, thị trường Nhật Bản sẽ khó thu hút được nguồn lao động từ Đông Nam Á và Trung Quốc.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 10-2021, Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết thúc đẩy tăng trưởng, đưa nông thôn Nhật Bản lên tầm phát triển mới. Sáng kiến “Quốc gia thành phố vườn kỹ thuật số” là một trụ cột chính trong chiến lược tăng trưởng của ông Kishida.

Tháng 9-2022, theo Japan News, Chính phủ đã công bố logo cho sáng kiến này: Nửa dưới của logo có hình bán cầu giống quả địa cầu với màu xanh dương và xanh lá cây. Nửa trên thể hiện các tòa nhà được bao quanh bởi núi và sông, với nông thôn được thiên nhiên bao phủ trong không gian kỹ thuật số phát triển.

“Chúng tôi muốn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để gợi lên hình ảnh của một thành phố vườn kỹ thuật số”, Bộ trưởng Bộ Tái thiết khu vực Naoki Okada phát biểu.

Thủ tướng Fumio Kishida thăm lớp ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông tại Trường trung học Matsuyama Higashi ở Ehime. Nhật Bản đã dành ngân khoản 5.700 tỉ yen để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ số. Ảnh: JapanGov

Nội các của Thủ tướng Kishida đã dành ngân khoản 5.700 tỉ yen (42,5 tỉ đô la) cho các chương trình số hóa, gồm xây dựng một “siêu xa lộ kỹ thuật số” hệ thống cáp ngầm bao bọc Nhật Bản, dành cho truyền dữ liệu tốc độ cao trong vòng ba năm, tuyển mới 250.000 chuyên viên công nghệ mỗi năm cho lực lượng IT 2,3 triệu người nhằm đẩy nhanh số hóa trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt là ở nông thôn.

Shinano Robotics được thành lập tại một thị trấn nông thôn chính vì lý do này.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể nắm bắt một cách hiệu quả những thách thức của các khu vực xa xôi hẻo lánh nếu chúng tôi thành lập một công ty ở Shinano. Công nghệ phát triển ở vùng nông thôn có thể được tái sử dụng ở thành phố lớn để giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn”, Giám đốc Akahori nói với Nikkei Asia.

Công nghệ giúp các thành phố nhỏ, thị trấn xa xôi ở Nhật Bản bắt kịp nhịp sống của các đô thị lớn. Thành phố Ina nổi tiếng ở Nagano với những lâu đài cổ kính tràn ngập hoa anh đào. Nhưng 67.000 cư dân của Ina giàu có về vẻ đẹp thiên nhiên lại thiếu khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế. Cứ ba cư dân ở đây thì có một người từ 65 tuổi trở lên, việc di chuyển đến các cơ sở y tế hạn chế của cộng đồng miền núi rải rác khá khó khăn.

Trong những tháng gần đây, những chiếc xe tải màu xanh cobalt với nhân viên y tế, thiết bị chẩn đoán và công nghệ chẩn đoán từ xa đã đi qua những ngọn đồi của Ina. Dịch vụ chăm sóc y tế này được quản trị bởi một tảng dữ liệu thông minh.

Ina đã triển khai dịch vụ giao hàng bằng drone đầu tiên dành cho những cư dân gặp khó khăn trong việc mua sắm hàng tạp hóa. Thành công này sẽ là bước chuẩn bị cho vận chuyển thuốc và thiết bị y tế nhỏ gọn bằng máy bay không người lái trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới