Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện Hai Lúa miền Tây và chiếc máy gặt đập liên hợp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện Hai Lúa miền Tây và chiếc máy gặt đập liên hợp

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Vài năm gần đây, mức độ áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở các tỉnh ĐBSCL có một bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình này chủ yếu lại được nhập từ nước ngoài, sản phẩm nội địa lại yếu thế trên sân nhà.

Chuyên trang Nông sản xin giới thiệu bài viết dài 2 kỳ của tác giả Trung Chánh, nhằm phân tích chi tiết thị trường máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL, một điển hình của việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Kỳ 1: Hàng ngoại áp đảo hàng nội

Nông dân chuộng hãng…Kubota

Chuyện Hai Lúa miền Tây và chiếc máy gặt đập liên hợp
Nông dân rất chuộng máy gặt đập liên hợp của Nhật bởi nó có độ bền cao, dịch vụ sau bán hàng hoàn chỉnh – Ảnh: Trung Chánh

Cách đây 5-10 năm, mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa, bà con nông dân lại phải chạy vạy khắp nơi để tìm nhân công lao động, dù giá cao ngất ngưỡng. Thế nhưng hiện nay, khi kỳ thu hoạch đến, bà con chỉ cần cầm máy điện thoại alô trước một hai ngày là có ngay một chiếc máy gặt đập liên hợp (MGDLH) phục vụ tận răng.

Không chỉ MGDLH, ngay cả máy kéo, máy cộ các thứ đều được phục vụ tận tình từ A-Z với chi phí lại rẻ chỉ bằng nửa, thậm chí 1/3 với cách làm thủ công. Phải công nhận một điều, chỉ riêng khu vực ĐBSCL, cơ giới hóa khâu thu hoạch đã giúp tiết kiệm hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng năm cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động này chủ yếu được nhập (cả hàng mới hoặc đã qua sử dụng), sản phẩm nội địa ngày càng lép vế.

Ông Nguyễn Văn Đức ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy thừa nhận, dù giá mỗi chiếc MGDLH do Nhật sản xuất (hãng Kubota) có giá cao gấp 2-2,5 lần so với máy nội địa, nhưng ông vẫn chuộng do chất lượng máy cao, phụ tùng đồng bộ và dễ dàng tìm mua. Ngược lại hàng nội địa, dù chất lượng có cải thiện nhưng còn rất thấp.

Sau hơn một năm sử dụng MGDLH nội địa do một cơ sở ở Tiền Giang sản xuất (xin được giấu tên cơ sở), ông Nguyễn Văn Tư ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cũng quyết định chuyển sang sử dụng máy của hãng Kubota do Nhật sản xuất.

Lý giải nguyên nhân chọn máy Nhật, ông Tư quả quyết: “Máy Nhật bền gấp 4- 5 lần máy nội địa vì vậy tôi chuyển sang mua máy Nhật cho tiện”.

Không chỉ vậy, khi kêu chủ máy gặt lúa đa phần nông dân chọn máy Nhật để kêu vì lý do là máy Nhật cắt lúa sạch, tỉ lệ lúa theo rơm ra ngoài đất rất thấp.

Ăn nhau ở chất lượng

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao nông dân chẳng thà chấp nhận bỏ ra 450-500 triệu đồng đồng để sở hữu một chiếc MGDLH của hãng Kubota chứ không muốn bỏ ra 200-250 triệu đồng để mua một chiếc máy nội địa?

Vấn đề nằm ở chất lượng máy, chế độ bảo hành và đặc biệt hơn là phụ tùng phục vụ cho việc sửa chữa của hãng Kubota luôn sẵn sàng (trường hợp khi máy gặp sự cố). Ngược lại, MGDLH nội địa dù giá rẻ nhưng chất lượng lại thua hẳn nên nông dân không hài lòng.

Ông Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nói: “MGDLH của hãng Kubota được nông dân ưa chuộng là vì nó phù hợp với điều kiện ở Việt Nam và có một hệ thống, dịch vụ sau bán hàng hoàn chỉnh.  Ngược lại, Việt Nam chưa làm được điều này, nhưng theo tôi nghĩ việc làm này là trong tầm tay của mình”.

Ông Trần Hùng Dũng, một nông dân sử dụng MGDLH ở huyện Tân Thạnh, Long An đặt vấn đề: “Em thử nghĩ đi, giá MGDLH của hãng Kubota dù có cao, nhưng chất lượng của người ta (hãng Kubota- người viết) cũng rất cao. Còn nếu sử dụng máy nội địa thì chất lượng sẽ không bằng, nếu đang sử dụng mà cứ hư tới hư lui thì lỡ hết việc làm ăn còn gì? Tính ra còn phiền phức nữa”.

Có thể nói, hiện nay, chất lượng máy mới là yếu tố khẳng định vị thế cạnh tranh hơn là ưu thế giá rẻ như trước đây. Điều này được chứng minh, trong vài năm trở lại đây, số lượng MGDLH ngoại được nông dân sử dụng chiếm một tỉ lệ rất lớn, từ 60-70% trên tổng số hơn 10.000 MGDLH được sử dụng ở ĐBSCL.

—————————————————-

Kỳ 2: Cần có doanh nghiệp tiên phong đầu tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới