Chuyện làng quê nuôi tôm
Nguyễn Hữu Thiện
(TBKTSG) - “Trên đất giồng mình trồng khoai lang. Trên đất giồng mình trồng dưa gang...”, câu hát trong bài vọng cổ chưa xưa lắm, vẫn vang vọng trong đầu khi đến vùng đất giồng Thạnh Phú (Bến Tre) này...
Một ao tôm trên đất giồng. Ảnh: Nguyễn Hữu Thiện |
Tàn một giấc mơ
Hai năm nay ở làng quê đất giồng ven biển này rộ lên phong trào đào ao nuôi tôm trên giồng cát. Cuối năm ngoái đến nơi đây không khí phong trào nuôi tôm còn đang hừng hực, nhà nhà đào ao, người người đào ao.
Cả một vùng giồng cát ven biển do sóng biển xa xưa tạo nên lúc cái đồng bằng này hình thành, đã bị đào bới tung lên, ao nọ sát ao kia, ao nào cũng có lưới bao quanh. Nằm ngoài vùng quy hoạch, không được phép nuôi, chính quyền địa phương cảnh báo thế nào, ngăn cản thế nào, ao tôm vẫn ào ào xuất hiện.
Đầu tháng 11 năm nay trở lại, không khí chùng xuống, nhiều ao bỏ trống, sa quạt không còn quay, chủ ao ngồi rầu rầu trong nhà uống trà, nhìn ao trống không, nhìn trời đất bâng quơ. Giấc mơ đổi đời đã không thành.
Mà mơ đổi đời cũng phải thôi, chớ với một hai công đất giồng trồng dưa hấu, củ sắn, đậu phộng, mỗi năm thu hoạch cũng chỉ có lời vài ba triệu đồng thì trong suốt cuộc đời, hay đúng hơn là suốt phần còn lại của cuộc đời một người nông dân cũng chỉ kiếm được tối đa năm ba chục triệu. Như mùa này năm nay, củ sắn héo khô ngoài giồng, giá một đến vài ngàn đồng một kí lô, không đủ công thu hoạch. Thôi thì bỏ cho củ sắn mặc tình khô héo. Trồng giồng, theo cách nói của người địa phương nghĩa là trồng hoa màu trên đất giồng, thì tương lai đã biết.
Lúc đầu trong xóm có ai đó đi đâu thấy người ta làm rồi về đào cái ao và thả tôm vô nuôi, trúng lớn! So với trồng giồng cả đời, nuôi tôm sao mà tiền nhanh vậy. Ngoài cái nền nhà đang ở, nhà có một ngàn mét vuông, đào hết thành cái ao, vay đầu nọ mượn đầu kia, thêm vay nóng nữa, gom được trăm rưỡi triệu đầu tư vô tôm.
Chỉ sau hai tháng, nếu trúng thì thu lại được hai trăm rưỡi triệu, ôi cả đời mơ không thấy. Trả hết nợ còn lời trăm triệu, vậy là làm tiếp vụ nữa chớ sao ngừng được. Vụ thứ hai trúng nữa, lời thêm trăm triệu nữa là hai trăm, chưa đầy một năm. Đếm tiền run tay, cái đà này chắc đổi đời nhanh.
Nhưng ông trời không đãi người nông dân cơ cực đang mơ giấc mơ đổi đời. Vụ thứ ba bắt đầu thất bại. Vậy là mất toi một trăm rưỡi triệu. Còn lại năm chục, phải làm vụ thứ tư để kiếm gỡ, ngưng sao được. Vụ thứ tư mất thêm một trăm rưỡi triệu nữa, vậy là lỗ một trăm triệu, bằng cả đời trồng giồng. Đêm trằn trọc mất ngủ. Thôi hay làm nữa? Có mấy ai đã vô sòng bạc thua mà chịu thôi đâu, phải chơi nữa để gỡ chứ sao.
Hễ trong xóm có ao tôm bệnh là tôm bệnh hàng loạt. Dòm thấy vài con tôm bệnh lờ đờ thì tôm đã chết chìm nhiều, tức là tiền vay bỏ vô giờ chìm đầy đáy ao. Mà hễ tôm bệnh thì trong một ngày phải tìm cách bắt, tôm nhỏ lớn gì cũng bắt hết đi bán vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Ao thì sâu một mét tám, khi tôm bệnh thì phải xả bớt năm tấc nước mới kéo lưới vớt vát được tôm. Mà xả đi đâu vì đất có ngàn mét đào hết rồi, đâu có đất mà làm ao lắng, xử lý mầm bệnh. Vậy là xả thẳng ra kênh rạch. Ở cạnh rừng thì xả vô rừng. Nước xả ra kênh rạch, vô rừng rồi len lỏi ra biển. Tưởng đâu êm, ai dè nước triều lên đẩy trả trở vô, nước ròng rút ra, nước lớn đẩy vô xà quần không chịu đi đâu cho khuất, rồi cũng phải lấy nước kênh rạch đó mà nuôi tiếp chớ đâu. Vậy nên mấy mùa đầu còn trúng, chớ tới mùa thứ ba tôm làm sao sống được?
Vợ chồng ba khía
Ghé nhà anh Tư có ao bỏ không, hỏi anh lúc rày có đi họp hành tổ tự quản bàn chuyện quản lý nước thải ao tôm không, anh nói chỉ có bà xã đi còn anh mắc ở nhà với cái ao tôm. Hỏi chị về có nói lại với anh họp bàn ra sao không? Anh gãi gãi đầu trả lời lí nhí không rõ là có hay không.
Anh kể là trong xóm hễ mà ai mần mướn “đứng ao” (từ địa phương, nghĩa là được thuê chịu trách nhiệm chính chăm sóc tôm) là coi như “ở tù” suốt vụ tôm hai tháng, ở miết trong chòi giữa ao để chăm sóc tôm, không được đi ra ngoài ao, sợ mang mầm bệnh về lây cho tôm. Người được thuê “đứng ao” được chủ “cung phụng” cà phê, thuốc lá đầy đủ, tới bữa có người đưa cơm vô cho ăn, được trả công ba triệu rưỡi một tháng và được chia năm phần trăm tiền lời bán tôm nữa, nên họ làm tận tâm. Đứng ao cũng ngầu lắm. Chủ nhà muốn vô chòi canh tôm phải xin phép anh đứng ao, phải thay dép mới được vô.
Chuyện kể có anh làm thuê “đứng ao tôm” suốt hai tháng, vợ tới thăm, người ngoài ao, người trong ao nhìn nhau nước mắt ròng ròng vì nhớ thương chớ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì sợ lây bệnh cho tôm. Chủ ao cũng ít đi đâu xa vì ao hàng xóm bệnh mình không dám lân la tới mà ao nhà mình bệnh thì cũng không ai dám tới.
Anh Hai xóm trên kể hồi xưa đi bộ đội bên Campuchia về không có đất. Nay hai vợ chồng già sáu mươi tuổi chỉ có cái nền nhà, sống bằng nghề bắt cua, bắt cá. Ngày nào cũng lội, kiếm năm ba chục ngàn là mừng rồi.
Anh kể tới mùa các ao đồng loạt xả nước, cả xóm hôi rình. Nước chảy ra con lạch đen như nhớt, nước chảy tới đâu cá tép nhảy dựng đứng tới đó, con gì sống nổi. Hỏi bà con trong xóm có biết chuyện nước chảy xà quần nên tôm mình bị thất không. Bà con nói biết chớ sao không, “quân ta đánh quân mình” chớ ai vô đây, mà đất nhỏ quá đào ao hết rồi làm sao xả nước. Hỏi chủ mấy ao đang bỏ trống là có lấp ao lại trồng giồng như xưa được không? Trả lời là cát đâu mà lấp vô. Ở cái xứ này, đào cái lỗ chôn cây cột bằng cây mắm khi nhổ lên đã lấp lại không đầy, nguyên cái ao “bự chà bá” cát đâu mà lấp lại?
Trời trưa nắng, ghé quán nước lụp xụp cạnh con đường đầy cát, lọt thỏm giữa các ao tôm, nghe cô chủ quán tên Thủy, năm nay 33 tuổi, rám nắng gió xứ biển xứ cát, kể chuyện. Cô kể rằng chồng đã bỏ đi theo vợ bé mấy năm nay. Một mình cô nuôi ba đứa con gái. Cô nói hàng đêm một mình đi vô rừng soi đèn bắt ba khía, bắt cua, cá kiếm vài chục ngàn nuôi con. Có đêm đi bắt ba khía bỏ vô bao, nửa đêm lội qua kênh bao nặng quá, kéo không nổi, chìm lỉm.
Thấy trước nhà có cái ao bỏ không, hỏi sao cô không nuôi tôm, cô nói đó là ao của bà già cho người ta thuê, người ta nuôi lỗ không trả đồng nào. Hỏi sao cô không thả cá, cô nói tiền đâu một triệu mua cá giống về thả, một đêm soi ba khía được vài chục hay một trăm ngàn đủ cho ba đứa nó đi học là may phước lắm rồi. Cô nói, hồi xưa đi bắt còn có cua có cá, giờ nước thải công nghiệp (ý nói ao tôm công nghiệp) ô nhiễm quá, con gì sống nổi. Với lại đông người bắt quá, bắt luôn cá trứng, ba khía trứng, bắt luôn “cua nhướng” (loại cua con nhỏ đến độ phải nhướng mắt lên mới thấy) nữa thì cái gì mà còn.
Vất vả là vậy, mà ai cũng còn giữ được nụ cười đôn hậu, chất phác, mến khách. Thấy nhà cô Bảy có cây xoài trĩu trái xanh ngon quá, xin một trái ăn muối ớt, lát sau cô gọt sẵn đâu cả chục trái có muối ớt sẵn. Dân mình sức sống mãnh liệt, con cháu những người khai phá đồng bằng này mà. Thế nào rồi cũng tìm ra cách mần giàu, dù có khi trật, khi trúng.