Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện tô bún bò Huế ở Saijo và những du khách tiềm năng

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mượn nước đẩy thuyền. Nhưng thông qua bún bò Huế để đưa văn hóa, ẩm thực và cụ thể hơn là đưa nông sản Việt sang thị trường Nhật Bản lại là một câu chuyện rất khác. Một hành trình đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ của các doanh nhân, hiệp hội và cả nhà nước.

Bún bò Huế xuất hiện trong thực đơn trưa các trường học ở Saijo trong tháng 4 vừa rồi. Ảnh: Ehime Shimbun

Bữa ăn học đường ở thành phố Saijo thuộc tỉnh Ehime, Nhật Bản trong tháng 4 vừa rồi có thêm món bún bò Huế. Cùng thời điểm là câu chuyện dứa Đài Loan cũng được đưa vào bữa ăn hàng ngày tại các trường trung học ở Nhật Bản. Sự hiện diện của bún bò Huế ở các trường học tại Nhật Bản là một điển hình tưởng là nhờ sự kết nghĩa giữa các thành phố nhưng thật ra không hề đơn giản.

1. Đến giờ ăn trưa, các em học sinh của 35 trường tiểu học và trung học cơ sở ở Saijo(*) được phục vụ món bún bò Huế. Thị trưởng Toshihisa Tamai nói với đài NHK rằng có khoảng 9.000 suất ăn đã được cung cấp cho học sinh trong tháng 4 vừa qua. Cách nấu món bún đặc trưng của cố đô Huế còn được phát trong các bản tin của trường, giúp học sinh hiểu rõ về Huế – nơi đã thiết lập mối quan hệ kết nghĩa với Saijo vào năm 2018.

Món ăn được mô tả gồm bún được làm từ bột gạo, kết hợp với thịt bò và nước dùng nấu theo kiểu truyền thống. Đoạn clip này được các cơ quan văn hóa của Huế thực hiện sau khi Saijo quyết định đưa bún bò Huế vào thực đơn trưa của các trường ở đây.

Một học sinh đã tả lại rằng “sợi bún mềm và ngon như sợi mì Udon, nhưng nước lèo lại có màu cam và hương vị thật sự khác biệt với các món Nhật”. Một em khác nói bún bò Huế ngon và mong muốn sẽ sớm được đi du lịch Huế.

Sau món bún của Việt Nam, các món của Áo sẽ được đưa vào thực đơn trưa của các trường ở Saijo vào tháng 5 này và các món Hoa vào tháng 9 bởi Saijo cũng kết nghĩa với các thị trấn ở hai nước này.

Đầu bếp nấu bún bò Huế tại nhà hàng Quê Tôi ở Fukuyama. Phải mất hai năm, thực khách địa phương mới quen và chịu trả tiền để thưởng thức món ăn nhiều mùi và hương vị lạ. Ảnh: Tuấn Nam

2. Đài Loan cũng đưa được trái dứa “Golden Diamond” vào thực đơn bữa trưa và ăn vặt buổi chiều cho học sinh ở chín trường trung học của tỉnh Abaraki. Tỉnh đã chọn giống dứa “kim cương vàng” sau khi dứa Đài Loan đạt các tiêu chuẩn an toàn, ít xơ, giàu dinh dưỡng, ngon và ngọt, ăn không rát lưỡi.

Dứa trở thành khẩu phần hàng ngày của học sinh Abaraki là phần tiếp theo của câu chuyện Trung Quốc cấm nhập khẩu dứa Đài Loan hồi tháng 2-2021 với lý do “có sinh vật gây hại”. Vào thời điểm đó, dứa đang vào vụ thu hoạch ở hòn đảo này và Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ đến 90% dứa xuất khẩu của hòn đảo. Trong năm 2020, Đài Loan xuất sang đại lục hơn 41.000 tấn, trị giá gần 54 triệu đô la Mỹ.

Chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn kêu gọi, người dân và doanh nghiệp hòn đảo tiêu thụ hầu hết lượng hàng “bị bùm”. Các siêu thị Nhật Bản cũng nhanh chóng đặt hàng nhằm đáp lại những hỗ trợ tận tình của Đài Loan khi nước này gặp thảm họa kép – sóng thần gây động đất và làm rò rỉ lò phản ứng hạt nhân năm 2011.

Trái dứa Đài Loan nhanh chóng tìm con đường thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường đại lục. Sau lệnh cấm từ Trung Quốc, chính quyền đã cam kết ngân khoản 36 triệu đô la nhằm tìm kiếm các thị trường mới như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Lúc đó, theo Taiwan News, bà Thái đặt mục tiêu khiêm tốn là xuất 30.000 tấn dứa mỗi năm.

Nhưng nếu trái dứa Đài Loan không đủ thực lực thì các hệ thống siêu thị khắp Nhật Bản không nhập hàng, tỉnh Abaraki không đưa vào thực đơn học đường mỗi ngày.

3. Chắc chắn 9.000 tô bún kia sẽ tạo nên dấu ấn ẩm thực đối với các em học sinh ở Saijo – những du khách tiềm năng của Huế và Việt Nam trong tương lai. Ngoài Saijo, Huế còn có mối quan hệ “thành phố đối tác” với cố đô Kyoto. Tương tự như vậy là Hội An kết nghĩa với Nagasaki – nối dài câu chuyện nàng công chúa Ngọc Hoa kết hôn với thương nhân Araki Soutaro theo thương thuyền từ Nagasaki đến cảng biển Hội An hơn 400 năm trước. Các tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng có các mối quan hệ kết nghĩa như vậy.

Nhưng trước khi “tận dụng” hay “khai thác” các mối dây liên lạc tình cảm như vậy, doanh nhân và doanh nghiệp Việt hiểu rõ những tập tính ăn uống của người Nhật.

Đa phần người Nhật biết đến các món Việt như phở, ngoài ra còn có gỏi cuốn, bánh xèo… Nhưng để giới thiệu món bún bò Huế đến thực khách ở quận Matsunaga ở thành phố Fukuyama là hành trình dài của anh Lê Phước Tuấn Nam – một người gốc Huế lập nghiệp ở đây (**).

Để đưa món ăn mới, khá nhiều mùi và vị mới lạ với người dân địa phương, chủ nhân của chuỗi nhà hàng Quê Tôi phải kiên nhẫn nhiều năm ròng. Đầu tiên là mời khách ăn thử không lấy tiền. Kế đến là mở ti vi, chạy hình ảnh của món ăn và trồng cả cây sả tươi trong nhà hàng để khách dễ hình dung và cảm nhận mùi thơm và vị món ăn.

Ban đầu, nhà hàng dành hai ngày cuối tuần chỉ để giới thiệu món bún bò Huế. Quê Tôi chính thức mở cửa từ tháng 3-2020 khi có đầu bếp từ Việt Nam sang. Khi đó, dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành tại Nhật Bản. Nhà hàng bèn giới thiệu món ăn giúp cách tăng cường hệ miễn dịch, hồi phục sức khỏe qua các loại gia vị có dược tính như sả, hành tím, hạt tiêu và gừng trong nước dùng.

Các loại rau thơm theo mùa cũng được Quê Tôi khéo léo “tiếp thị”. Với khách Đông Nam Á gần gũi với ẩm thực Việt Nam thì “thoải mái”, còn khách Nhật hay các nước khác thì cân nhắc hơn. Gần bốn năm, hai nhà hàng Quê Tôi ở Fukuyama có đông khách Nhật, cả khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Bún bò Huế và cơm trắng với thịt kho được khách ưng nhất.

Ông Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Tokyo, cũng từng kể chuyện nhân viên sứ quán lái xe đưa 500 tô phở từ Tokyo đến Hokkaido để giới thiệu với người dân địa phương năm 2018. Năm sau, Hokkaido có nhà hàng Việt đầu tiên và rồi hình thành một cụm nhiều nhà hàng Việt.

4. Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) thành lập năm 2017 với tham vọng “biến Việt Nam trở thành nhà bếp của thế giới”. Nhiều hiệp hội nghề bếp và nhà hàng khác cũng hình thành với những mục tiêu to lớn và hoành tráng như vậy…

Nhưng trước khi trở thành nhà bếp của thế giới, hãy trở thành một phần trong “tô bún sợi trắng nước lèo màu cam” trong bữa ăn trưa của các em học sinh ở Saijo. Quỹ phát triển du lịch hay các nguồn lực tài chính và nhân sự khác hãy đưa đầu bếp Việt sang các nơi cần thay vì vung tiền chạy quảng cáo trên các kênh truyền hình giờ không hiệu quả nữa.

Mà ở một phạm vi quốc gia, chúng ta có lẽ nên đi học ở người Thái trong việc chuẩn hóa, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhà hàng Thai Select trên thế giới. Chương trình này do Bộ Thương mại Thái Lan quản lý với sự hỗ trợ của ngành du lịch và ngoại giao Thái Lan. Các nhà hàng đạt chuẩn 3-4 sao Thai Select ở các nước phải tuân thủ cách bày trí truyền thống, chuẩn vị Thái và sử dụng nguyên vật liệu từ Thái Lan.

Sau 10 năm thực hiện, đến nay đã có hơn 1.300 nhà hàng Thai Select trên khắp thế giới. Đây là kênh hiệu quả để giới thiệu văn hóa, ẩm thực và cả xuất khẩu nông sản Thái Lan khắp thế giới.

(*) (**) Bài viết sử dụng có sử dụng tư liệu và hình ảnh của Fuji News Network và Báo Thừa Thiên Huế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới