Cơ hội đã qua, cơ hội mới
(TBKTSG) - Cách đây 10 năm, lúc Luật Doanh nghiệp năm 2000 ra đời, đã có những nỗ lực xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Lúc đó chưa ai có kỳ vọng làm được chuyện đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng nhưng một hệ thống thông tin tích hợp như vậy là cực kỳ cần thiết.
Nó sẽ giúp mọi người chỉ cần một vài thao tác trên máy tính là có thể tra cứu chi tiết một doanh nghiệp bất kỳ, biết được số doanh nghiệp đã thành lập, các ngành nghề, xu hướng góp vốn, phân bổ địa bàn hoạt động, tìm đối tác. Quan trọng hơn, nó lẽ ra đã giải quyết được nạn đặt tên doanh nghiệp trùng nhau, phần nào hạn chế tình trạng doanh nghiệp ma...
Đáng tiếc do không có kinh phí, không xin được dự án ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không làm được điều này. Sau đó như mọi người đã biết, các tỉnh, thành phố tự làm hệ thống thông tin riêng cho địa bàn của mình, không theo một chuẩn mực chung nào hết, không thể kết nối với nhau để trao đổi thông tin hay để chuyển thông tin về một đầu mối chung toàn quốc.
Nay với Nghị định 43 vừa mới ban hành, Chính phủ đang khởi động lại nỗ lực xây dựng một “hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”, lần này ngoài chức năng làm cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp còn có chức năng cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp toàn quốc.
Nếu cơ sở dữ liệu này đã được xây dựng cách đây 10 năm, chi phí có thể thấp hơn nhiều, thông tin lúc số lượng doanh nghiệp còn ít sẽ dễ xử lý hơn. Dù sao chậm còn hơn không, trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ phải xây dựng một cơ sở dữ liệu như thế để phục vụ cho nhiều mục đích, cho nhiều đối tượng, kể cả nhà nghiên cứu.
Thiết nghĩ, nay không nên tiết kiệm chi phí mà phải gọi thầu để chọn được nhà thầu có năng lực nhất, sử dụng những phần mềm chuyên nghiệp nhất và có phương án tích hợp được thông tin đang nằm rải rác ở 63 tỉnh thành về một đầu mối thống nhất. Người xây dựng đề án phải lường hết những khó khăn từ chuyện nhỏ như chuyển đổi font chữ ở các cơ sở dữ liệu cũ đến chuyện phức tạp hơn như cập nhật thông tin chính thức của từng doanh nghiệp.
Riêng về chức năng đăng ký thành lập doanh nghiệp qua cổng thông tin, thiết nghĩ hệ thống sẽ xây dựng phải giúp những người chuẩn bị thành lập doanh nghiệp những công đoạn cụ thể như tra cứu tên để khỏi đặt trùng, tra cứu ngành nghề dựa vào hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, tải về các tài liệu cần biết như điều kiện kinh doanh, các bước cần làm, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp... Điều này hữu ích hơn nhiều so với chuyện đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng, mà theo thăm dò nhiều doanh nhân, chỉ mang tính hình thức chứ chưa thiết thực lắm.
Cơ hội cũ đã qua đi. Nay là lúc thật sự bắt tay vào việc xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Để làm sao sau này bất kỳ ai có mã số doanh nghiệp đều có thể tra cứu xem doanh nghiệp này còn tồn tại hay đã bị giải thể, vốn của nó là bao nhiêu, loại hình là gì, kinh doanh lĩnh vực nào. Nền kinh tế sẽ vận hành thông suốt hơn, nạn lừa đảo sẽ giảm bớt nếu thông tin không còn bị ngăn cách bởi rào cản địa lý.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn