Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội quảng bá cà phê Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội quảng bá cà phê Việt Nam

Hồng Ngọc thực hiện

Ông Lý Thanh Tùng, Phó ban tổ chức lễ hội cà phê – Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê khai mạc vào 4 giờ chiều 10-3 và kéo dài tới 15-3, có quy mô 600 gian hàng, thu hút 160 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Đây là một phần của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3-2011, dự kiến thu hút 450.000 lượt khách trong và ngoài nước tham dự.

>>Kỷ lục Việt Nam: Phin pha cà phê khổng lồ

>>Nông dân được lợi gì khi tham gia sàn cà phê kỳ hạn?

>>Cùng nông dân trồng cà phê

>>Chi tiết các hoạt động của lễ hội

Ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Dak Lak, Phó ban tổ chức lễ hội, cho rằng đây là cơ hội lớn để quảng bá cà phê Việt Nam ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.

– TBKTSG Online: Thưa ông, lễ hội lần này gửi thông điệp gì đến những người trồng cà phê và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê?

Ông Lý Thanh Tùng: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chế biến cà phê từng vùng miền, từng quốc gia. Trong lễ hội lần này sẽ tổ chức hội chợ – triển lãm chuyên ngành cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê với quy mô lớn hơn hai lễ hội trước, thu hút 160 doanh nghiệp tham gia với hơn 600 gian hàng, trong đó có 18 công ty nước ngoài, giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chế biến cà phê đặc thù từng vùng miền, từng quốc gia.

Thông qua lễ hội, nhà tổ chức mong những người sản xuất cà phê và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê tập trung nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê mang thương hiệu Việt Nam, tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà phê ở trong nước và trên thế giới, kết nối chuỗi giá trị gia tăng của cà phê một cách bền vững nhằm quảng bá sản phẩm cà phê của Dak Lak nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới.

Qua đó, thấy được giá trị của hạt cà phê Việt Nam và thúc đẩy ngành cà phê phát triển một cách bền vững. Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được thế giới biết đến từ lâu; địa danh Buôn Ma Thuột cũng được nhiều người mặc nhiên công nhận như một thủ phủ cà phê của Việt Nam.

Hiện tỉnh có trên 184.000 héc ta trồng cà phê, sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 600 triệu đô la/năm, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 620 triệu đô la, trong đó cà phê chiếm 85% giá trị xuất khẩu của tỉnh và 40% giá trị xuất khẩu cà phê cả nước. Cà phê giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp. Đến nay sản phẩm cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục.

– Vậy làm cách nào để nâng cao vị thế cho hạt cà phê khi chúng ta chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân?

Điều đó có nghĩa phải đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo phương hướng ổn định lâu dài. Phát triển cà phê phải gắn chặt với phát triển kinh tế văn hóa – xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 – 2011 sẽ góp phần nâng cao nhận thức về cây cà phê là một loại cây có giá trị kinh tế cao, có sức hấp dẫn cho người sử dụng. Trên cơ sở đó, Dak Lak sẽ rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện và xã; đồng thời quy hoạch đầu tư nhà máy, thiết bị chế biến, hệ thống bảo quản sản phẩm…

Ngoài ra, việc tiếp tục nghiên cứu những giống cà phê có sức kháng bệnh tốt và cho năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà cũng cần được chú trọng và đẩy mạnh đầu tư hình thành những trung tâm giống và dịch vụ kỹ thuật cao để cung cấp đầy đủ giống tốt và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cho người trồng cà phê.

Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất vẫn là khuyến khích việc trồng tập trung để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tổ chức liên kết các hộ sản xuất lại với nhau (dưới hình thức tổ hợp tác), qua đó không chỉ tạo thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ mà còn giúp sản xuất, thu hái, chế biến theo một quy trình nghiêm ngặt.

Đặc biệt, lễ hội lần này, tỉnh đưa sàn giao dịch cà phê vào hoạt động giao dịch cà phê giao sau, kết nối với các thị trường giao dịch cà phê thế giới.

Để nâng cao vị thế cho cây cà phê, tỉnh đã đưa ra sáng kiến tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là dịp các doanh nghiệp, nhà chuyên môn trong và ngoài nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp… Năm 2005 là năm đầu tiên tỉnh tổ chức sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 1 và được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện lớn của hoạt động thương mại Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, năm 2007, tỉnh đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa cà phê tại Hà Nội và TPHCM. Năm 2008, tổ chức tiếp lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2 và được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện quan trọng của du lịch Việt Nam.

– Lễ hội lần thứ 3 này có gì khác biệt và nổi bật so với các lần trước thưa ông?

Lễ hội lần này có nhiều nét mới, khác biệt so với 2 lễ hội được tổ chức năm 2005 và 2008. Trước hết là khác về tầm vóc. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào tháng 3. Và đây là lần đầu tiên lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được đưa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Thứ hai là có sự phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên có trồng cà phê như Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cùng tổ chức lễ hội.

Lễ hội lần này, Ban tổ chức đã mời khoảng 150 vị khách quốc tế đến dự và tham gia hội thảo cà phê quốc tế với chủ đề “Phát triển ngành cà phê bền vững”, gần như tất cả các thành phần có liên quan tới chuỗi giá trị của hạt cà phê Việt Nam đều có tham gia, từ nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng quốc tế có liên quan.

– Xin cám ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới