Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con số hay thực tế?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con số hay thực tế?

(TBKTSG) – Năm 2009 là năm theo tính toán của Chính phủ, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt mức 1.200 đô la Mỹ (tính theo giá thực tế), một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch năm năm 2006-2010. Nhưng kể cả khi dự báo này trở thành sự thật, nước ta vẫn chưa thoát khỏi nhóm những nước có thu nhập thấp, với quá nhiều nỗi lo về chất lượng cuộc sống.

Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng, việc tính toán GDP bình quân đầu người hoặc tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người hàng năm, để đo mức độ phồn thịnh của nền kinh tế, chỉ mang tính danh nghĩa do phụ thuộc vào tỷ giá. Nó có thể cho ra những con số đẹp nhưng không đi đôi với sự phát triển về chất lượng cuộc sống của người dân.

Thông thường, việc phân chia các nền kinh tế thành nhóm các nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao và thu nhập cao vẫn dựa vào hai chỉ tiêu nói trên, dù tiêu chuẩn xác định của mỗi chỉ tiêu thay đổi theo từng năm.

Tiêu chuẩn xác định nước có thu nhập thấp theo GNI bình quân đầu người (tính theo giá thực tế) là 875 đô la Mỹ (2005, 2006), 935 đô la (2007) và khoảng 1.168 đô la (2008) do đồng đô la Mỹ năm 2008 mất giá khoảng 25% so với năm 2007. Trong khi đó, GNI bình quân đầu người của Việt Nam mà Tổng cục Thống kê tính theo giá thực tế các năm nêu trên lần lượt là 626,3; 707,3; 818,3 và 1.011,4 đô la Mỹ.

Như vậy, mức chênh lệch giữa GNI bình quân đầu người của Việt Nam so với mức tiêu chuẩn của các nước có thu nhập thấp khác là âm 248,7 đô la vào năm 2005, âm 197,7 đô la năm 2006, âm 116,7 đô la (năm 2007) và 156,6 đô la (năm 2008). Khoản chênh lệch nêu trên có dấu hiệu gia tăng trở lại vào năm 2008 sau khi đã giảm vào năm 2007.

Hồi tháng 8-2008, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa đến mức suy giảm và chịu nhiều tác động như những tháng cuối năm, ông Trần Xuân Giá, người từng đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nói với TBKTSG rằng: lạm phát cao đang làm cho thước đo giá trị bị méo mó, dễ dẫn đến những đánh giá chủ quan, những đối sách không phù hợp, đặc biệt trong các số liệu thống kê, trong đó có chỉ tiêu đo bằng giá hiện hành.

Ông lấy ví dụ: năm 2005, GDP bình quân đầu người là 10,08 triệu đồng, tính theo giá thực tế và tỷ giá năm đó là 15.800 đồng/1 đô la Mỹ nên GDP đầu người năm 2005 khoảng 638 đô la. Năm 2008, GDP đầu người trên 17,3 triệu đồng, khi tỷ giá thời điểm tháng 8 khoảng 16.800 đồng/đô la Mỹ thì GDP bình quân đầu người cả năm khoảng 1.030 đô la.

Từ đây dễ ngộ nhận là ta đã đạt gần mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 (là 1.050-1.100 đô la Mỹ) mà không thấy rằng trong con số GDP bình quân đầu người năm 2008 (17,3 triệu) chứa đựng yếu tố lạm phát đến 48,5% so với năm 2005. GDP tăng đến trên 70% (17,3 so với 10,08 triệu đồng) nhưng tỷ giá chỉ tăng khoảng hơn 6% (16.800/15.800).

Với chừng ấy những khó khăn thực tế đang bắt đầu “ngấm” theo độ trễ thời gian, người ta sẽ cần nhất là cải thiện chất lượng cuộc sống, giữ và tạo thêm việc làm mới, cải thiện môi trường sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn là quan tâm đến những chỉ tiêu và con số tính toán trên danh nghĩa.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới