Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ giúp gia tăng năng lực cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ giúp gia tăng năng lực cho doanh nghiệp

Quế Sơn

(minh họa).

(TBVTSG) – Công nghệ là đòn bẩy giúp gia tăng năng lực và giá trị cho doanh nghiệp. Chính vì vậy trong thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm hướng “đầu tư thông minh” hơn nhằm tạo ra lối thoát khi kinh tế hồi phục.

Công ty cổ phần Dịch vụ dữ liệu trực tuyến (ODS) khởi động xây dựng trung tâm dữ liệu từ giữa năm 2008, thời điểm nền kinh tế trong nước suy thoái mạnh nhất. Ông Lê Hải Bình, Giám đốc công ty, cho biết chi phí đầu tư và duy trì hoạt động cho một trung tâm dữ liệu là rất lớn, triển khai dự án vào thời điểm đó được xem là mạo hiểm.

Tuy nhiên, ODS vẫn tự tin vì xét theo khía cạnh tích cực, suy thoái kinh tế cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp biết tận dụng thời cơ để có các kế hoạch phát triển phù hợp với thị trường Việt Nam và với chu kỳ kinh tế.

Sau năm tháng vận hành ODS DataCenter đã kín chỗ và công ty đã đầu tư mở rộng quy mô gấp hai lần. Theo ông Bình, các dịch vụ của trung tâm dữ liệu trong nước lâu nay còn khá đắt so với mặt bằng chung của khu vực.

Đó cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chọn thuê dịch vụ ở nước ngoài mặc dù có nhiều bất lợi về văn hóa, pháp lý, sự chênh lệch về múi giờ cũng như việc hỗ trợ, chăm sóc khách hàng là một khó khăn.

“Công nghệ vẫn là yếu tố đầu tư hợp lý trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Theo tôi, nếu nhà cung cấp đưa ra được các dịch vụ hợp lý với nhu cầu và chi phí của các doanh nghiệp trong nước, thì sẽ tìm được thị phần,” ông Bình nói.

Khi kinh tế suy thoái cũng chính là lúc các doanh nghiệp cần một chiến lược đầu tư thông minh hơn để vừa bảo đảm mục tiêu cắt giảm chi phí hiện tại vừa duy trì hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch tập đoàn Saigon Invest (SGI), đó là thời điểm để doanh nghiệp tìm giải pháp tối đa hóa năng lực cho toàn hệ thống, vì thế trọng tâm của giai đoạn này là đầu tư mạnh mẽ hơn cho công nghệ và nhân lực.

Ông phân tích, khi kinh tế khó khăn thì mức đầu tư sẽ giảm xuống, giảm đầu tư thì làm sao đầu ra tăng lên. Công nghệ là hạ tầng quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển có chiều sâu. Muốn làm được như thế thì phải ứng dụng CNTT, số lượng công việc có thể tăng lên trong khi số nhân lực không thay đổi, từ đó bộ máy hoạt động có hiệu quả hơn.

Công nghệ là hạ tầng quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển có chiều sâu. Muốn làm được như thế thì phải ứng dụng CNTT, số lượng công việc có thể tăng lên trong khi số nhân lực không thay đổi, từ đó bộ máy hoạt động có hiệu quả hơn.

Ông nêu ví dụ, nhiều năm nay SGI đã nâng cấp hệ thống công nghệ, theo đó các hoạt động của tập đoàn cũng được thực hiện trên mạng như họp hành trên mạng, các thông tin liên lạc đều thông qua hệ thống e-mail và tin nhắn, vừa tiết giảm việc đi lại, thời gian, chi phí vừa giải quyết được sự việc ngay tức thì. Western Bank, một đơn vị thuộc SGI với hơn 50 chi nhánh nhưng chỉ có 370 nhân viên, đó là hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

“Việc đầu tư cho công nghệ ngay trong thời điểm khó khăn vẫn là để gia tăng năng lực cho doanh nghiệp. Dù nhìn dưới góc độ nào thì điểm nhấn của việc đầu tư này là tận dụng công nghệ để giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị đầu ra,” ông Tâm chia sẻ.

Tổng công ty cổ phần Bảo Minh mới đây đã công bố giai đoạn 2 của dự án phát triển CNTT phục vụ quản lý và kinh doanh trên toàn hệ thống sau 18 tháng khảo sát, hiện thực hóa các yêu cầu về nghiệp vụ hệ thống, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và triển khai áp dụng chương trình quản lý nghiệp vụ cho các bộ phận.

Ông Trần Vĩnh Đức, Tổng giám đốc, khẳng định việc triển khai dự án phần mềm quản lý nghiệp vụ trong toàn hệ thống là bước khởi đầu cho việc đổi mới cung cách kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hóa. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc để có thể ứng dụng các quy trình nghiệp vụ tiên tiến, đòi hỏi từng người phải thay đổi phương thức làm việc đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của hệ thống tin học mới.

“Sử dụng CNTT làm đòn bẩy để thúc đẩy việc kinh doanh và xây dựng lợi thế cạnh tranh cũng là cách để xây dựng sự khác biệt cho doanh nghiệp khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn,” ông Đức nói.

Tại hội nghị thường niên dành cho đại lý của Intel khu vực châu Á – Thái Bình Dương mới đây, Intel công bố tập trung vào những sản phẩm có tính đột phá và đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng trên nền công nghệ 32nm, đồng thời phát triển thị trường mới nhằm thúc đẩy các đối tác của mình ngay trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Ông Steve Dallman, Phó chủ tịch nhóm kinh doanh và tiếp thị của Intel, nhấn mạnh rằng thường trong thời điểm suy thoái, nhiều cơ hội cho ngành công nghệ, đặc biệt các gói kích cầu của chính phủ, là những khoản chi lớn nhất được đưa ra trong lịch sử. Cùng với đó là rất nhiều hành động để kích thích kinh tế hồi phục, những khoản chi thông minh sẽ mang lại những tác động kinh tế lâu dài và ổn định nhất. Và đó là cơ hội cho cả ngành công nghệ, từ nhà cung cấp đến các đối tác kinh doanh và người dùng cuối.

Cuộc nghiên cứu của Hội đồng các giám đốc thông tin tại Mỹ cho biết các công ty vượt qua được cuộc khủng hoảng lần trước đã dành ít nhất 5% chi phí để cải tiến công nghệ. Hội đồng này đã khuyến cáo doanh nghiệp muốn thành công cần thiết kế được lộ trình CNTT với mục tiêu rõ ràng và xác định những lĩnh vực có thể cải thiện nhanh chóng.

Việc quan trọng là thiết kế các khoản chi tiêu đúng chỗ, cải thiện khâu quản lý để sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên của doanh nghiệp chứ không phải ngừng đầu tư. Theo bản nghiên cứu nói trên, “doanh nghiệp đổi mới không chỉ ở những điều kiện thuận lợi mà cả trong điều kiện khắc nghiệt thì ý chí cải tiến dễ trở thành động cơ quan trọng và quyết liệt hơn bao giờ hết”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới