Thứ Bảy, 11/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu

Hoàng Xuân Phương

Tương lai bấp bênh của các đồng bằng châu thổ trước tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBVTSG) – Ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành chủ đề chính của một số hội nghị quốc gia và quốc tế được tổ chức trong tháng Ba vừa qua tại các thành phố lớn trên cả nước. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định rằng không thể ứng phó hữu hiệu với vấn đề biến đổi khí hậu nếu không sử dụng công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT – TT) đang đóng vai trò tích cực trong các giải pháp quản lý rủi ro, đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn toàn cầu Telecom World do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức vào tháng 10-2009 ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon nhấn mạnh rằng CNTT – TT đóng một vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, CNTT – TT chính là vũ khí lợi hại trong trận chiến chống lại sự biến đổi khí hậu, đóng vai trò mấu chốt trong việc làm giảm khí thải nhà kính và là chìa khóa để tối ưu hóa các giải pháp ứng phó của các ngành ở các vùng khác nhau trên thế giới.

Câu chuyện thế giới

Cách đây nhiều năm, sau cuộc hội nghị của Liên hiệp quốc bàn về “tác động tích cực của CNTT – TT trên môi trường và biến đổi khí hậu”, tháng 12-2007, ITU đã công bố bản báo cáo số ba, trong đó nhận định bốn mối ảnh hưởng của ngành công nghệ này lên sự biến đổi khí hậu.

Trước hết, bản thân CNTT – TT là một nguồn phát thải, đóng góp đến 2,5% lượng khí thải nhà kính làm trái đất nóng lên. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu qua việc sử dụng điện năng và chế tạo sản phẩm CNTT. Tuy nhiên, CNTT – TT lại là phương tiện không thể thiếu để tính toán và thẩm định tình hình biến đổi khí hậu thông qua việc phân tích giải mã hình ảnh và xử lý số liệu quan trắc từ khắp nơi trên thế giới.

Đây còn là công cụ tích cực trong việc giảm nhẹ hậu quả của thiên tai cho từng vùng cụ thể, từng loại thiên tai cụ thể, như hệ thống cảnh báo sớm sóng thần đang được lắp đặt nơi những vùng trọng điểm động đất và sóng thần. Nhưng quan trọng nhất là CNTT – TT hiện nay được tích hợp trong mỗi một chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, ở quy mô toàn cầu, quốc gia, từng vùng hay từng dự án sản xuất.

Khác với sự chuyển biến chậm chạp của nhiều ngành kỹ nghệ khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, CNTT – TT cho dù trực tiếp, gián tiếp hay tích hợp đều đem đến hiệu quả cắt giảm khí thải nhanh chóng.

Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết lượng điện dùng cho việc sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm CNTT – TT tại các nước phát triển chiếm từ 5% đến 10% và trung bình mỗi người sử dụng 20 sản phẩm từ điện thoại di động đến máy tính, ti-vi hay đầu DVD.

Cuộc điều tra của UNEP cũng cho thấy điện năng sử dụng cho chế độ chờ (stand-by) của các sản phẩm này hiện nay đã lên đến 50%, như vậy với thói quen tắt nguồn các thiết bị thay vì để chờ chúng ta giảm bớt được 1% trong số 2,5% lượng phát thải nhà kính của ngành công nghệ này.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến cắt giảm 50 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm kể từ năm nay qua ba hành động cụ thể. Thứ nhất, tổ chức hội họp trực tuyến thay vì đi lại. Cứ bớt đi 1% nhu cầu đi lại thì thay bằng khoảng 50 triệu cuộc gọi audio-video và làm giảm một triệu tấn CO2.

Kế tiếp, thực hiện một số công việc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại nhà, nhờ đó giảm nhu cầu di chuyển bằng xe buýt.

Người ta ước tính ở châu Âu, cứ một triệu nhân viên thực hiện những công việc của doanh nghiệp ở nhà thì mỗi năm giúp làm giảm một triệu tấn khí thải CO2, và ở Mỹ nếu con số này là 3,9 triệu nhân viên thì giúp làm giảm đến 10-14 triệu tấn khí thải.

Hành động thứ ba là chính quyền tạo cơ sở pháp lý để phi vật thể hóa các văn bản, nghĩa là ứng dụng các công cụ truyền tin điện tử thay cho các trang giấy và sự đi lại trong việc giao dịch thương mại, nộp thuế và cả các thông báo hay thư tín.

Hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiệt hại cho mùa màng và đời sống người dân vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhận thức được tầm tác động hữu hiệu và nhanh chóng của CNTT – TT lên tình trạng biến đổi khí hậu của toàn thế giới, từ tháng 2-2007, EU đã đề nghị thiết lập Khuôn khổ Buôn bán khí thải (ETS) dựa trên phương châm phối hợp giữa sức kéo thị trường (market pull) với sức đẩy công nghệ (technology push).

Theo đó các nước đã đạt đến nền công nghệ kỹ thuật cao sẵn sàng chuyển giao công nghệ mới theo yêu cầu của các nước khác và các ngành kinh tế hướng đến mục tiêu giảm thải như sử dụng năng lượng có hiệu quả, sản xuất năng lượng tái tạo, thay thế nhiên liệu dầu mỏ…

EU cũng tập trung vào việc hợp tác với các nước nghèo triển khai Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

Trước tình trạng biến đổi khí hậu mỗi ngày một nhanh và nặng nề hơn, kéo theo đó thảm họa thiên tai ngày một lớn, chính phủ nhiều nước đã đề ra các quy chuẩn bắt buộc áp dụng trong các ngành nghề.

Cụ thể, tại Úc, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin học được khuyến cáo giảm mức tiêu thụ điện năng bằng việc ảo hóa phần mềm qua việc khai thác công nghệ đám mây, sử dụng SaaS (phần mềm như dịch vụ) và ASPs (các công cụ được cung cấp dưới dạng ứng dụng), lắp đặt mạng máy thay vì hoạt động riêng lẻ…

Và câu chuyện tại Việt Nam

Tháng 12-2008 Việt Nam đã công bố Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, chương trình bắt buộc tích hợp các vấn đề về biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Cuộc hội nghị quốc tế “Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ ngày 22 đến 25-3 vừa qua đã tập trung thảo luận về các vấn đề mang tính cấp bách do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là các giải pháp quản lý rủi ro, đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước gần 100 nhà khoa học đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Việt Nam là một trong các nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang trở thành mối thách thức lớn nhất mang tính toàn cầu mà chúng ta và các thế hệ mai sau phải đối mặt.

Với quyết tâm hành động cùng cộng đồng quốc tế ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, Chính phủ và người dân Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp: ngoài việc xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, còn tập trung xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao cho Việt Nam đến năm 2100, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và nhiều dự án giảm nhẹ phát thải nhà kính khác.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, khu vực chịu nhiều nhất các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu như một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và khởi động việc thành lập Diễn đàn Đông Á về biến đổi khí hậu.

Nằm trong nỗ lực chung này, CNTT – TT đóng vai trò có hiệu quả trong việc tích hợp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu qua bốn nội dung chính.

Cụ thể, làm giảm nhẹ tác động xấu thông qua việc tổ chức nền kinh tế thấp carbon và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng; nhanh chóng áp dụng công nghệ mới thích hợp trong sản xuất, lưu thông và tiêu dùng; quản lý tốt rác thải theo hướng tăng cường tái chế hoặc chuyển hóa thành nhiên liệu hay điện năng. CNTT – TT còn hỗ trợ các mục tiêu thích nghi với khí hậu biến đổi và thời tiết cực đoan, nhất là đối với sức khỏe con người và việc chăn nuôi, trồng trọt.

Hướng dẫn cộng đồng những kỹ năng thích nghi cũng là một mục tiêu quan trọng, bao gồm việc chọn lọc và xây dựng thói quen tốt trong cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại để giảm khí thải và tiêu hao năng lượng.

Ở một nội dung khác, CNTT – TT đang trở thành công cụ hữu hiệu cho các kế hoạch phòng ngừa thảm họa giảm nhẹ thiên tai, thông qua việc phân tích dữ liệu, xử lý ảnh vệ tinh và tham gia vào việc tổ chức ứng cứu mỗi khi cần thiết.

Cuối cùng, CNTT – TT phải là phương tiện hữu hiệu trong việc phổ biến nhận thức về biến đổi khí hậu và các hậu quả tai hại của nó, được gây nên cho dù bởi nguyên nhân gián tiếp như một hiện tượng tự nhiên, hay trực tiếp bởi chính con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới