(KTSG Online) – Các thị trường mới nổi trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi đang tận dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) thương mại để vượt qua những thách thức về hậu cần. Nỗ lực đó tạo ra cuộc cách mạng trong chuỗi cung ứng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là khâu giao hàng chặng cuối.
UAV thương mại sẽ sớm vượt UAV quân sự
Dù UAV thường được sử dụng trong mục đích quân sự nhưng việc sử dụng phương tiện này cho mục đích thương mại đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều công ty thương mại điện tử và hậu cần tiếp cận UAV để giao hàng hiệu quả hơn.
Hãng nghiên cứu GlobalData dự đoán, UAV thương mại sẽ thay thế UAV quân sự để đóng góp doanh thu lớn nhất cho thị trường UAV vào năm 2025.
Theo báo cáo hồi 2-2023 của hãng tư vấn thị trường KBV Research, thị trường UAV thương mại trên thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 34,5% trong 5 năm tới và dự kiến sẽ đạt giá trị 167 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường phát triển nhanh nhất, một phần nhờ vào ngành công nghiệp UAV mạnh mẽ của Trung Quốc và nỗ lực của Ấn Độ để trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về sản xuất UAV. Bắc Mỹ là thị trường UAV thương mại lớn nhất vào năm 2021 nhưng đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong việc thiết lập mạng lưới UAV toàn diện liên quan đến an toàn, hiệu quả và quy định quản lý.
Ra mắt vào năm 2013, Prime Air, dịch vụ giao hàng bằng UAV của tập đoàn bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon đã chính thức hoạt động Mỹ vào cuối năm 2022 dù ở quy mô còn hạn chế. Dịch vụ này đặt mục tiêu giao một gói hàng nặng 5 pound (2,3 kg) trở xuống cho khách hàng vòng chưa đầy 30 phút.
Tuy nhiên, Prime Air tiếp tục đối mặt với những trở ngại, bao gồm các quy định của Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA). Hiện tại, đã xuất hiện những lo ngại về an toàn sau một số vụ tai nạn rơi UAV nghiêm trọng của Prime Air. Gần đây, Amazon đã sa thải hàng loạt nhân sự ở bộ phận này.
Wings, công ty giao hàng bằng UAV của Alphabet đang hoạt động tại Phần Lan, Úc và Mỹ. Hồi tháng 3, Wings thông báo đang thử nghiệm giao hàng bằng UAV cho những người dùng được chọn của DoorDash, dịch vụ giao hàng thực phẩm và sản phẩm ở Úc.
Bất chấp việc triển khai ban đầu gặp nhiều khó khăn ở một số thị trường, triển vọng UAV thương mại vẫn rất hấp dẫn.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), giao hàng bằng UAV có thể giúp giảm bớt tắc nghẽn giao thông bằng cách giảm số lượng phương tiện trên đường, đặc biệt là khi dân số đô thị tăng lên trên toàn cầu.
Được sử dụng để giao hàng hóa y tế và thương mại điện tử, các mẫu UAV nhỏ, chạy bằng pin hứa hẹn đóng góp quan trọng trong nỗ lực của toàn cầu nhằm khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tải.
Theo báo cáo của hãng kiểm toán PwC, việc sử dụng UAV thương mại ở Anh đã tiết kiệm ròng 22 tỉ bảng Anh và giảm lượng khí thải carbon ước tính khoảng 2,4 triệu tấn trong giai đoạn 2018-2022.
Châu Phi trở thành thị trường trọng điểm
Với việc giao hàng bằng UAV đang trên đường trở thành hiện thực ở các thị trường như Mỹ và Úc, giới đầu tư và các công ty tư nhân đang nhận thấy tiềm năng to lớn ở các thị trường mới nổi. Đặc biệt là ở những khu vực thiếu cơ sở hạ tầng quan trọng và có các cộng đồng nằm xa nhau, khiến các giải pháp hậu cần thông thường không thực hiện. Khu vực châu Phi cận Sahara đã trở thành thị trường trọng điểm cho các công ty giao hàng bằng UAV.
Sau khi đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm mối lo ngại về chuỗi cung ứng y tế toàn cầu, hoạt động vận chuyển vật tư y tế ở chặng cuối, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, đang được các công ty UAV nhắm đến.
Được thành lập vào năm 2014, Zipline, có trụ sở tại Mỹ, bắt đầu thử nghiệm vận chuyển máu và các vật liệu y tế thiết yếu khác bằng UAV ở Rwanda vào năm 2016. Trong đại dịch, công ty đã giúp triển khai vaccine ở Ghana. Là công ty hàng và hậu cần tức thời lớn nhất thế giới, Zipline hiện chủ yếu hoạt động tại bảy thị trường, gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Nhật Bản, Kenya, Nigeria, Rwanda và Mỹ.
Hồi tháng 5-2022, Continental Drones của Ghana ký thỏa thuận hợp tác với Wingcopter của Đức để triển khai 12.000 UAV trên tất cả 49 thị trường châu Phi cận Sahara trong 5 năm tới. Nỗ lực này nhằm vận chuyển theo yêu cầu các mặt hàng thiết yếu, thuốc men, vaccine và vật tư phòng thí nghiệm. Wingcopter đang có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực giao thực phẩm.
Nhà sản xuất UAV của Đức cũng đã hợp tác với Công ty UAV LATAM của Mỹ Latinh để triển khai các đội UAV vận chuyển cả hàng hóa thương mại và nhân đạo đến các cộng đồng xa xôi ở dãy núi Andes ở Peru.
Khi hoạt động thương mại điện tử ở các thị trường mới nổi được hưởng lợi từ việc phổ cập thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện, các đội UAV cung cấp một lựa chọn khả thi để phân phối sản phẩm thương mại.
Tháng 9 năm ngoái, Jumia, nền tảng thương mại điện tử toàn châu Phi, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Zipline để giao sản phẩm theo yêu cầu tại 11 thị trường châu Phi.
Vào cuối năm 2022, Công ty Astral Aerial, có trụ sở ở Kenya, công bố kế hoạch thuê UAV của Swoop Aero (Úc) để giao hàng hóa tại quốc gia Đông Phi này. Trước đó, công ty cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với Wingcopter và Drone Delivery Canada
Trong khi đó, Công ty dịch vụ vận chuyển hàng không Bristow (Mỹ) đã ký thỏa thuận với Elroy Air, nhà sản xuất máy bay UAV của Mỹ để mua 100 UAV chở hàng cỡ lớn và triển khai ở Tây Phi. Loại UAV có thể chở theo 140-230 kg trong khoảng cách 480 km và không yêu cầu cơ sở hạ tầng sân bay để hạ cán. Điều này khiến chúng trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho máy bay thông thường được sử dụng trong các hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Theo Oxford Business Group