Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp 4.0 nên bắt đầu từ hiểu cho đúng khái niệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp 4.0 nên bắt đầu từ hiểu cho đúng khái niệm

Hiệu Minh

(TBKTSG) – Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đến năm 2030, nhằm chủ động và tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Nhưng làm thế nào để có thể tận dụng có hiệu quả các cơ hội thì không dễ.

Chiến lược công nghiệp 4.0, ưu tiên thể chế và động lực của khu vực tư nhân

Đến giờ không ai biết công nghiệp 1.0 bắt đầu ngày nào và công nghiệp 3.0 kết thúc tháng nào. Mỗi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật không có điểm bắt đầu cũng như không có điểm dừng. Việc đưa ra một chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 cũng nên dựa vào điểm không dừng này.

Giữa thế kỷ 20, do hiểu lơ mơ về “công nghiệp hóa hiện đại hóa”, từ cuối những năm 1950 Trung Quốc đã khởi động kế hoạch “Đại nhảy vọt” mà trong đó hàng chục triệu nông dân được huy động vào sản xuất gang thép theo kiểu sân vườn.

Chính quyền khuyến khích xây dựng lò nung thép loại nhỏ tại mỗi xã, dùng nguyên liệu như sắt vụn, nồi niêu, xoong, chảo, và các thứ vật dụng kim loại đủ loại cho lò nung để đạt được mục tiêu sau 15 năm Trung Quốc sẽ có sản lượng thép vượt qua nước Anh. Đó là một trong những thảm họa tầm thế giới khi không hiểu rõ khái niệm thế nào là công nghiệp hóa một đất nước.

Ở đầu thế kỷ 21 này cũng vậy. Tôi có cô cháu theo nghề khắc đá mỹ nghệ luôn mơ dùng công nghệ mới. Cháu sắm dàn máy vài trăm triệu có máy tính điều khiển, tự động khắc các hoa văn trên đá. Hàng bán đã chạy rồi nhưng cháu vẫn nhờ tôi giúp mua cho loại 4.0. Hỏi cháu biết 4.0 là gì không. Không ạ, nhưng nghe đài báo nói nhiều, đâm sốt ruột. Chắc cô cháu muốn “Đại nhảy vọt” như Trung Quốc thời nào vì tên công ty của cháu là “Đồng Tiến” chả liên quan gì đến hợp tác win-win, cùng nhau đi lên, mà chỉ là giấc mơ… tiền đống.

Đối với công nghiệp 4.0 cũng vậy. Một khi không hiểu hết khái niệm sẽ rơi vào lập kế hoạch 5-10 năm với những mỹ từ, những con số ấn tượng, kể cả phần trăm tăng trưởng kinh tế (GDP) cao vút, không khác so với việc Trung Quốc muốn qua mặt Anh quốc trong sản xuất thép bằng những lò nung “cấp xã”.

Thời nay không có thảm họa dẫn đến chết đói như “Đại nhảy vọt”, nhưng nguy cơ kinh tế sụp đổ vì đầu tư nhầm công nghệ là có thật.

Công nghiệp 4.0 liên quan đến tổ hợp một số sáng tạo đột phá trong công nghệ số hiện đã chín muồi đưa vào ứng dụng như robot, trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến thông minh, tính toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu và phân tích dữ liệu, in 3D, công nghệ sinh học, vật lý, rồi điện thoại thông minh với những ứng dụng chia sẻ, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Các công nghệ đột phá này tưởng như không liên quan tới nhau, nhưng một khi được liên kết với nhau bỗng trở thành một công cụ có sức mạnh vượt trội. Chỉ cần một điện thoại thông minh với ứng dụng tìm xe kiểu Grab đã làm ra hàng chục triệu đô la mỗi ngày cho một công ty do khả năng tương tác, kết nối, chia sẻ, thanh toán, vô cùng thuận tiện cho người dùng.

Báo chí, hội nghị, các nhà hoạch định chính sách nói nhiều về công nghiệp 4.0, nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa những điều mình nói và viết. Sợ nhất là việc lên kế hoạch công nghiệp 4.0 cho công ty, cho một địa phương hay một quốc gia nhưng những người thiết kế ra nó và đưa ra quyết định thực hiện thì vẫn hiểu mù mờ.

Về một kế hoạch quốc gia công nghiệp 4.0 thì quá lớn cho cô cháu của tôi đọc và làm theo. Nhưng vài bước nhỏ cho một công ty thay đổi cho kịp 4.0 thì tôi có thể giúp cháu.

Khả năng số của công ty là quan trọng số 1 vì công nghiệp 4.0 liên quan đến số. Trong thực tế, sự chuyển đổi số có tác động sâu sắc cho công ty, ảnh hưởng đến chiến lược, tài năng, mô hình kinh doanh, và thậm chí cả cách công ty được tổ chức trong ngữ cảnh công nghiệp 4.0.

Nếu chỉ khắc đá mỹ nghệ, sự chuyển đổi số là rất nhỏ, nhưng khi có lượng khách hàng lớn thì việc tìm kiếm người mua và quảng cáo có chủ đích vào nhóm người có nhu cầu buộc phải biết xử lý dữ liệu, phân tích và đưa ra chiến lược sản xuất. Chưa kể do cạnh tranh, việc tìm thợ giỏi có nghề 4.0 cũng là một yếu tố quan trọng.

Công ty Deloite thăm dò các công ty lớn cho kết quả thú vị về nghịch lý. 94% người được hỏi đều thấy rõ chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của công ty, nhưng chỉ có 64% nhìn thấy khả năng lợi nhuận mới do chuyển đổi số mang lại.

Thấy quan trọng, nhưng không biết quan trọng như thế nào nên lúng túng khi lập chiến lược cho công nghiệp 4.0 mới trong khi vẫn phải vận hành con tàu cũ. Nghịch lý khác về chuỗi cung ứng giữa những dịch vụ đang vận hành và dịch vụ số mới kiểu công nghiệp 4.0, hay tìm người có kỹ năng mới trong khi phải giữ người giỏi cũ, cũng là một rào cản khác.

1. Đặt ra chiến lược 4.0 ngay từ đầu. Tự đánh giá khả năng số, mình đang ở đâu và sẽ tới đâu rồi đặt ra mục tiêu xóa khoảng cách đó. Ưu tiên những gì quan trọng với công ty và phù hợp với chiến lược chung;

2. Thử nghiệm và thử nghiệm. Cần có dự án thử nghiệm để đảm bảo thành công, thất bại là mẹ thành công. Có thành công trong thử nghiệm thì mới dễ thuyết phục lãnh đạo và đầu tư. Giai đoạn này đòi hỏi phải hợp tác với các chuyên gia bên ngoài, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi;

3. Xác định những kiến thức và kỹ năng cần cho 4.0. Dựa vào thử nghiệm sẽ biết được công ty cần kỹ năng nào để đạt mục đích.

4. Xử lý dữ liệu là chìa khóa cho công nghiệp 4.0. Một trong 10 nghề hấp dẫn và nhiều tiền nhất thế giới là các chuyên gia xử lý số liệu. Định áp dụng 4.0 mà không biết dữ liệu là gì sẽ như bắt nông dân luyện thép ở sân vườn.

5. Biến giấc mơ thành hiện thực. Có kỹ năng, có kiến thức, biết xử lý dữ liệu, thử nghiệm thật chắc, được lãnh đạo ủng hộ, quản lý và truyền thông về sự thay đổi, thì thành công có thể trong tầm tay.

Từ cách mạng công nghiệp 1.0 là đầu máy hơi nước, giúp thay đổi cách sản xuất từ thủ công thành nhà máy công nghiệp, rồi 2.0 là phát minh ra điện một lần nữa lại thay đổi kiểu nhà máy dùng điện, kết hợp điện với máy có thêm máy tính điều khiển và thế giới có 3.0. Giờ là 4.0 nhắm vào những cải tiến thông minh mang tính đột phá của AI, IoT, sinh học và vật lý cũng chỉ một mục đích là giúp nhà máy, xí nghiệp, văn phòng thông minh hơn.

Vì phạm trù công nghiệp 4.0 quá lớn nên không phải cái gì quốc gia cũng cần tới phiên bản 4.0 hay chuẩn bị tất cả các mũi nhọn kiểu “mũi” nào cũng muốn nhọn nhưng lại chẳng đi đến đâu. Khi đề ra chiến lược tổng thể, cần biết quốc gia đó đang ở đâu về số, điểm mạnh, điểm yếu, và định tạo hành lang cho phát triển như thế nào, như công nghệ, hạ tầng, con người, môi trường pháp lý.

Công nghiệp 4.0 là một hành trình nhiều thập kỷ, không phải là chuyến đi ngắn 5 năm hay 10 năm như chương trình chính phủ điện tử. Việc đặt ra vài mục tiêu cũng tốt, nhưng tốt hơn hãy coi công nghiệp 4.0 là hành trình không có đích đến thì sẽ đạt được nhiều kết quả hơn, vì mỗi cuộc cách mạng khoa học không có điểm bắt đầu cũng như điểm dừng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới