Công ty chứng khoán loay hoay tìm lối đi
Không còn nhiều nhà đầu tư mặn mà với chứng khoán khiến các công ty chứng khoán đang gặp khó khăn - Ảnh: LÊ TOÀN |
(TBKTSG Online) - Sự tụt dốc của thị trường chứng khoán từ tháng 10-2007 đã khiến nhiều công ty chứng khoán lâm vào khó khăn, nhất là những công ty mới thành lập. Họ đang loay hoay tìm lối đi để có thể tồn tại trong thị trường hiện nay.
Kinh doanh gặp khó
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng vẫn có thể chống chọi lại trong thời điểm hiện nay của thị trường vì hoạt động đa dạng với nhiều nghiệp vụ, tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì hoạt động của các công ty mới gần như bế tắc.
Khi thị trường chứng khoán còn trong giai đoạn hoàng kim thì tự doanh được xem là mảng hứa hẹn nhiều lợi nhuận nhất cho các công ty chứng khoán và nhiều công ty mở ra chỉ để thực hiện nghiệp vụ này. Tuy nhiên, mảng hoạt động này không còn đem lại lợi nhuận cho các công ty trong thời gian gần đây, vì tất cả các cổ phiếu lớn nhỏ, làm ăn có hiệu quả hay không có hiệu quả, có nhiều tin tốt hay không có tin tốt, đều rớt giá mỗi ngày, đặc biệt từ đầu năm 2008 tới nay, gần như mỗi ngày các cổ phiếu mất thêm 5%.
Mảng hoạt động thứ hai được kỳ vọng là môi giới với hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia hơn. Tuy nhiên, số tài khoản thì tăng không đáng kể mà giá trị giao dịch hàng ngày qua sàn thì giảm mạnh, chỉ duy trì ở mức khoảng 700-800 tỉ ở cả hai sàn TPHCM và Hà Nội.
Thêm vào đó, đa số các công ty đều hạ mức phí giao dịch xuống hoặc miễn phí giao dịch hai tháng đầu cho các tài khoản mới nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng. Nhưng, với tình hình thì trường hiện nay, không nhiều nhà đầu tư mặn mà với việc mua bán chứng khoán mỗi ngày.
" Hiện nay cả nước có 360.000 tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng khoảng 50% số này hiện đang được quản lý bởi 5 công ty chứng khoán lớn và lâu năm trên thị trường. Hơn 90 công ty khác chia nhau 50% số tài khoản còn lại " |
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VinaGolobal, một thành viên mới của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM với hai nghiệp vụ môi giới và tự doanh, ông Nguyễn Tuấn Minh cũng thừa nhận công ty sẽ gặp phải khó khăn trong tình hình thị trường hiện nay. Ông Minh cho biết chi phí cho một công ty chứng khoán hoạt động khoảng 500 triệu đồng một tháng, với mức phí giao dịch 0,2% thì một tháng công ty phải có giao dịch là 100 tỉ đồng, tức một ngày phải có giao dịch ít nhất là năm đến sáu tỉ đồng. Thế nhưng, với số đó thì công ty chỉ mới trang trải được chi phí, chưa nói đến việc thu lợi nhuận.
Mảng hoạt động thứ ba của các công ty chứng khoán là tư vấn cổ phần hóa hay phát hành thêm cho các công ty cổ phần cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Thị trường đang trong chiều hướng đi xuống, chỉ có các doanh nghiệp chẳng đặng đừng, quá cần vốn không thể vay ngân hàng mới tính đến chuyện phát hành thêm hay cổ phần hóa trong thời gian này.
Giám đốc một công ty chứng khoán cho biết mảng tư vấn thực chất chẳng đem lại lợi nhuận nhiều, vì đối với một hợp đồng tư vấn cổ phần hóa cho một công ty cỡ vừa, từ định giá tài sản cho tới khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu ra công chúng thì công ty chứng khoán chỉ thu được khoảng từ 150-250 triệu đồng. Một hợp đồng như vậy kéo dài từ hai đến ba tháng và không chắc doanh nghiệp sẽ thanh toán luôn một lần. “Tư vấn cho doanh nghiệp chỉ để tạo mối quan hệ và giữ chân khách mà thôi”, vị giám đốc này nói.
Giám đốc một quỹ đầu tư, có vốn trong một công ty chứng khoán cho biết, trước đây dịch vụ tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp là một công cụ để các công ty chứng khoán được mua cổ phiếu ban đầu của doanh nghiệp với giá ưu đãi và sau này thị trường lên có thể kiếm lời. Nhưng trong tình hình hiện nay thì khó lòng các công ty chứng khoán có thể kiếm lời qua hình thức này.
Mới đây, Công ty cổ phần REE đã chính thức thông báo tới cổ đông sẽ hủy bỏ kế hoạch thành lập công ty chứng khoán của mình, kế hoạch mà REE đã thai nghén một năm trước. Điều này cho thấy công ty chứng khoán không còn là một kênh sinh lợi hấp dẫn.
Phát triển công nghệ và chất lượng dịch vụ
Chất lượng dịch vụ đang là một trong những hướng được các công ty chứng khoán chú trọng phát triển để thu hút nhà đầu tư - Ảnh: LÊ TOÀN |
Các công ty chứng khoán mới đều cho biết sẽ tập trung phát triển công nghệ và các dịch vụ, tiện ích để có thể thu hút nhiều khách hàng đến với mình hơn.
Công ty chứng khoán Đại Việt, một công ty đã hoạt động gần hai năm, đang trong thời gian tuyển và đào tạo 700 nhân viên môi giới và các trưởng phòng môi giới trên cả nước. Đội ngũ này sẽ giúp công ty trong công tác tìm kiếm và tư vấn một cách chuyên nghiệp cho khách hàng trong đầu tư chứng khoán.
Ông Nguyễn Tuấn Minh của Công ty chứng khoán VinaGlobal Securities cũng cho biết để có thể tồn tại và phát triển lâu dài, các công ty chứng khoán cần phải chú trọng đến phát triển đội ngũ tư vấn đầu tư, tạo được cảm giác an tâm, tin tưởng khi tư vấn chiến lược đầu tư cho các khách hàng. Ông Minh khẳng định, đào tạo nhân viên là một chiến lược phát triển quan trọng của công ty.
Tạo mọi thuận tiện cho khách hàng trong việc đầu tư thông qua kỹ thuật hiện đại cũng là một hướng đi đang được các công ty chứng khoán mới nhằm vào.
Công ty chứng khoán Gia Quyền (EPS) vừa kết nối thành công với ngân hàng Đông Á, không chỉ cho phép nhà đầu tư đặt lệnh trực tiếp qua mạng Internet mà còn cho ứng trước tiền bán chứng khoán trong ngày thông qua Internet.
Đối với những người thường xuyên mua bán trên thị trường thì đây là một dịch vụ vô cùng hấp dẫn, vì bình thường phải sau ba ngày thực hiện giao dịch tiền mới được chuyển về tài khoản của nhà đầu tư trong khi nếu được ứng tiền trong ngày nhà đầu tư có thể thực hiện ngay giao dịch mua có lợi cho mình.
EPS đã đầu tư khá lớn cho công nghệ và khẳng định đây sẽ là hướng đi riêng của công ty. Hiện EPS đã đầu tư mua máy chủ của IBM và có riêng một đội ngũ chuyên viên công nghệ thông tin xây dựng những chương trình tiện ích cho khách hàng của mình.
Khuynh hướng sáp nhập
Vào đầu năm 2008, trong một buổi gặp gỡ báo chí, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM nói rằng, một thị trường chứng khoán còn nhỏ như thị trường Việt Nam nhưng có quá nhiều định chế trung gian là công ty chứng khoán, thực sự không phải là điều tốt.
Tuy nhiên, theo quy luật, những công ty nào không thể đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng cao của khách hàng thì sẽ dần đào thải mình ra khỏi thị trường. “Hiện đã bắt đầu có những công ty chứng khoán đang tự rao bán hoặc kêu gọi các công ty khác sáp nhập”, ông Sinh nói.
Ông Thomas Ngô, Giám đốc danh mục đầu tư của Indochina Capital: Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ cần khoảng 1/4 số lượng công ty chứng khoán hiện nay (gần 100 công ty) là đủ. Những thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới chỉ có dưới 15 công ty chứng khoán hoạt động. |
Mới đây, ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Morgan Stanley đã chính thức mua lại gần 49% cổ phần của Công ty chứng khoán Hướng Việt để thành lập liên doanh Morgan Stanley Hướng Việt. Sau khi có sự góp vốn của đối tác nước ngoài, Hướng Việt đã tăng vốn từ 20 tỉ lên đến 100 tỉ đồng và có tiếng hơn trên thị trường.
Công ty chứng khoán Âu Lạc Việt Nam cũng vừa được Ủy ban chứng khoán chấp thuận cho phép công ty bán 4,9 triệu cổ phần, tương đương với 49% vốn điều lệ cho Công ty Technology CX. Sau khi bán cổ phần, Âu Lạc đã tăng vốn từ 50 tỉ lên 100 tỉ đồng.
Ông Minh, Tổng giám đốc công ty chứng khoán VinaGlobal, cũng cho biết nhiều tổ chức nước ngoài đang đặt vấn đề mua cổ phần của công ty, nhưng công ty vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn đối tác có tiềm lực cả về tài chính và công nghệ để có thể hỗ trợ công ty lâu dài.
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, các công ty chứng khoán nước ngoài được phép thành lập liên doanh với phần vốn góp đến 49% để cung cấp dịch vụ chứng khoán ngay thời điểm Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này.
Sau 5 năm kể từ gia nhập (dự kiến vào năm 2012), phía Việt Nam sẽ cho phép các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh, hoặc công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Điều này có nghĩa các tổ chức nước ngoài muốn giành phần trước tại thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là lập liên doanh với các đối tác Việt Nam.
THỦY TRIỀU