Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 đang lan rộng nhất tại Trung Quốc kể đợt bùng phát ở Vũ Hán

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – 19/31 tỉnh thành và vùng tự trị của Trung Quốc đã phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, phạm vi lây lan rộng nhất kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở TP. Vũ Hán vào cuối năm 2019, cho dù giới chức trách nước này đang tăng cường các biện pháp quyết liệt để dập dịch.

Lo ngại nhu cầu dầu toàn cầu vì Covid-19 tái trỗi dậy ở Trung Quốc

Trung Quốc lên kế hoạch tiêm bổ sung vaccine Covid-19 công nghệ mRNA cho người dân

Lực lượng chống dịch tiếp tế cho người dân tại một khu chung cư đang bị phong tỏa ở Bắc Kinh hôm 3-11. Ảnh: China News Service/Getty

Hôm 3-11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo đã có thêm 93 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm hàng ngày cao nhất ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này trong 3 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt lây lan lần này lên con số hơn 600. Ba địa phương mới phát hiện ca nhiễm gồm Trùng Khánh, Hà Nam và Giang Tô.

Đợt bùng phát dịch lần này bắt đầu từ ngày 16-10 khi các ca nhiễm được phát hiện trong một nhóm du khách lớn tuổi từ Thượng Hải đến tham quan các tỉnh phía Bắc. Sau đó, số ca nhiễm nhanh chóng tăng lên ở các tỉnh này, buộc giới chức trách phải triển khai các biện pháp chống dịch như xét nghiệm hàng loạt, cách ly, phong tỏa… Một số địa phương bao gồm TP. Lan Châu, tỉnh Cam Túc, nơi phát hiện vài chục ca nhiễm, bị đặt dưới lệnh phong tỏa, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Hôm qua, thủ đô Bắc Kinh phát hiện thêm 9 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên 38, một con số quá nhỏ so với tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng đây lại là số ca nhiễm cao nhất với Bắc Kinh tính từ lúc biến thể Delta xuất hiện ở Trung Quốc.

Kể từ ngày 3-11, giới chức trách đã dừng bán vé tàu đến Bắc Kinh từ 123 nhà ga ở 23 tỉnh thành có dịch. Học sinh ở 2 trường học ở Bắc Kinh bị cách ly sau khi một giáo viên nhiễm Covid-19 và 16 trường học khác phải đóng cửa vì nhân viên của họ có tiếp xúc gần với giáo viên này tại một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19.

Biến thể Delta khiến các ổ dịch bùng lên thường xuyên hơn ở Trung Quốc. Hôm 2-11, chính quyền TP. Trùng Khánh đã khởi động chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng khi giới chức cấp tốc hành động trong “24 giờ vàng” kể từ khi phát hiện ca nhiễm. Chính quyền TP. Thường Châu ở tỉnh Giang Tô cũng yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học trong 3 ngày kể từ ngày 3-11.

Hơn 30.000 người đã bị giữ lại bên trong Công viên Disneyland Thượng Hải ở TP. Thượng Hải hôm 31-10 để xét nghiệm sau khi phát hiện một ca nhiễm đã từng đến đây. Trong khi đó, hàng trăm nghìn cư dân ở TP. Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, sát biên giới với Myanmar đã bị cấm rời khỏi thành phố trong nhiều tháng.

Hôm 4-11, Cục Di trú quốc gia Trung Quốc (NIA) tiếp tục khuyến cáo người dân không xuất cảnh nếu không lý do cần thiết và khẩn cấp.

Giới chức trách Trung Quốc hiện đang chạy đua củng cố phòng tuyến chống dịch ở thủ đô khi thời điểm khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022 (tổ chức ở Bắc Kinh) chỉ còn chưa đến 100 ngày. Trung Quốc vẫn duy trì cách tiếp cận diệt trừ sạch số ca nhiễm (zero-Covid) ngay cả khi các ổ dịch bùng lên với tốc độ nhanh hơn, lây lan mạnh hơn và vô hiệu hóa nhiều biện pháp chống dịch đã thành công trước đó.

Tác động kinh tế quá lớn từ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đã khiến nhiều nước như Singapore, Úc phải từ bỏ cách tiếp cận này để chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19 bằng cách đẩy mạnh tiêm chủng vaccine.

Bên cạnh đó, hôm 2-11, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi người dân tích trữ nhu yếu phẩm cho mùa thu và mùa đông để sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát dịch trong tương lai mà có thể khiến giới chức trách áp đặt lệnh phong tỏa gắt gao hơn.

Trả lời phỏng vấn Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), ông Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, tự tin rằng Trung Quốc có thể khống chế đợt bùng phát dịch lần này trong vòng 1 tháng.

Dù toàn cầu đang chuyển sang xu hướng sống chung với SARS-CoV-2 để tránh đòn giáng kinh tế quá lớn nếu giãn cách xã hội quá nghiêm ngặt, ông Chung Nam Sơn, người đã giúp chính phủ dập tắt nhiều đợt bùng phát kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, vẫn bảo vệ cách tiếp cận “zero-Covid”. Ông cho rằng nếu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, virus SARS-CoV-2 sẽ lây lan mạnh mẽ hơn, có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc trả giá đắt hơn.

Một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 3-11, cho biết khi đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp, các chuyên gia y tế tin rằng vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc không thể từ bỏ cách tiếp cận “zero Covid-19”, vì hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra nếu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt.

Mối lo ngại lớn hiện nay là tính hiệu quả của các vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt là đối với biến thể Delta. Tính đến ngày 2-11, Trung Quốc đã triển khai tiêm 2,3 tỉ liều vaccine, trong đó có khoảng 76% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, độ bao phủ vaccine rộng lớn đó vẫn không giúp ngăn chặn biến thể Delta lây lan nhanh trên diện rộng.

Theo Bloomberg, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới