Thứ ba, 6/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

CSC mua lại FCG Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CSC mua lại FCG Việt Nam

Ông Ngô Hùng Phương, Giám đốc điều hành FCG Việt Nam đang giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển FCG Việt Nam cho bà Morris của CSC - Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) - Ngày 6-5, tại TPHCM, tập đoàn Computer Sciences Coporation (CSC) của Mỹ đã công bố mua lại Công ty Tư vấn và Phát triển phần mềm Việt Nam (FCG Việt Nam) sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập và mua lại công ty mẹ FCG tại Mỹ vào đầu tháng 1-2008.

Theo đó, CSC đã chi khoảng 365 triệu đô la Mỹ để mua lại FCG, bao gồm cả công ty con FCG Việt Nam. Khoảng 2.500 nhân viên của FCG toàn cầu sẽ làm việc cho CSC. Trong đó gồm 1.200 chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đang làm việc tại các chi nhánh FCG ngoài Mỹ, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam sẽ chuyển sang làm việc cho CSC.

Sau khi sáp nhập, FCG Việt Nam sẽ trở thành trung tâm phát triển phần mềm của tập đoàn CSC, chuyên cung cấp các dịch vụ phát triển và bảo trì phần mềm cho khách hàng. Công ty FCG Việt Nam sẽ tiếp tuc thực hiện những chiến lược về dịch vụ tư vấn và phát triển phần mềm tại Việt Nam.

Hiện tại, trung tâm này có 600 nhân viên ngành CNTT và CSC có kế hoạch tăng nguồn nhân lực lên đến 1.000 người.

Bà Mary Jo Morris, Chủ tịch dịch vụ gia công toàn cầu của CSC phát biểu tại lễ công bố rằng việc sáp nhập này sẽ giúp CSC và FCG tăng khả năng cạnh tranh, phát triển các dịch vụ CNTT và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vì sao CSC chọn Việt Nam để thiết lập trung tâm phát triển phần mềm. Bà Morris nói rằng CSC đã thực hiện một số nghiên cứu tại nhiều quốc gia khác nhau, và Việt Nam là một lựa chọn thích hợp bởi đáp ứng được một số tiêu chí như quy mô thị trường lao động, hệ thống giáo dục, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định về mặt chính trị.

Bà Morris cho rằng thị trường CNTT, đặc biệt là gia công phần mềm (outsourcing) tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới do tính cạnh tranh cao và nhu cầu về CNTT của khối doanh nghiệp và chính phủ tăng cao. Tuy nhiên, để phát triển ngành CNTT, các công ty CNTT Việt Nam cần nâng cao tính bảo mật, an toàn thông tin và tôn trọng các cam kết về sở hữu trí tuệ.

“Thêm vào đó, Việt Nam cần phát triển chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa. Bởi vì hiện nay, nhân lực có tay nghề cho ngành CNTT đang thiếu. Vì vậy, trong tương lai, CSC sẽ thúc đẩy các hợp tác giáo dục tại Việt Nam mạnh mẽ hơn”, bà nói.

Sau khi sáp nhập, CSC sẽ đưa khách hàng của CSC đến Việt Nam, phát triển thị trường nội địa và mở rộng hoạt động sang dịch vụ mới trong ngành CNTT. Tại Việt Nam, CSC sẽ phát triển các dịch vụ CNTT phục vụ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và dịch vụ y tế.

Có trụ sở chính đặt tại El Segundo, California (Mỹ), CSC là một trong số những công ty dịch vụ CNTT hàng đầu thế giới. Trong năm tài chính vừa qua, doanh thu của CSC đạt 16,1 tỉ đô la Mỹ.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới