Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cung không thiếu, vấn đề là điều hành 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cung không thiếu, vấn đề là điều hành 

Ngọc Lan

Người dân mua sắm hàng ở siêu thị Co-op Mart. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Theo tính toán của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong nước từ nay đến cuối năm vẫn đảm bảo đủ nhu cầu. Vấn đề còn lại là sự điều hành của các cơ quan quản lý trước các biến động về giá và tỷ giá đang chi phối mạnh thị trường.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường thì 12 nhóm mặt hàng thiết yếu đều đảm bảo đủ nguồn cung. Cụ thể như lúa gạo: tổng nguồn cung năm 2010 gần 40 triệu tấn lúa (khoảng 30 triệu tấn gạo), tồn kho năm trước chuyển sang là 0,9 triệu tấn gạo. Nhu cầu trong nước chỉ hết 27,5 triệu tấn lúa (tương đương 20,6 triệu tấn gạo). Lượng lúa hàng hóa còn lại khoảng 12,3 triệu tấn (tức 9 triệu tấn gạo) đủ để xuất khẩu (khoảng 6,5 triệu tấn gạo) và tồn kho sang đầu năm tới.

Nguồn cung phân bón (urê) cả năm khoảng 1,85 triệu tấn (trong đó nhập khẩu 766.000 tấn) đáp ứng đủ nhu cầu. Từ đầu tháng 11, Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm ngừng xuất khẩu đến hết năm đối với một số loại phân bón quan trọng để ổn định giá trong nước. Các mặt hàng khác như đường, xăng dầu cũng cân đối được.

Cả thực tế lẫn dự kiến cung cầu đều trong tầm kiểm soát, vấn đề là nguồn cung sẽ ở mức giá nào và vai trò bình ổn giá phải ra sao?

Nếu xét từ nguyên nhân chủ quan thì do giá cả hàng hóa thế giới tăng, còn chủ quan thì diễn biến thị trường tiền tệ, vàng, đô la trong nước phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng hóa. Trong khi danh mục hàng hóa cần thiết phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất, bình ổn thị trường và cân đối xuất – nhập khẩu lại chiếm gần 82% tổng kim ngạch nhập khẩu chung.

Trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, một trong các lý do khiến các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường không dám dự trữ nhiều vì giá các mặt hàng hiện đã cao và tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ đang trong chiều hướng tăng.

Theo Hiệp hội Phân bón, lượng tồn kho vào cuối tháng 10 tại hầu hết các doanh nghiệp đều ít do giá trong nước các tháng trước thấp hơn giá thế giới (phân bón mới tăng giá từ tháng 9). Nay giá đã tăng, nhập khẩu cũng tăng mạnh hơn thì nguồn hàng đã dồi dào và giá ổn định. “Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá bán nhưng nếu giữ giá thấp thì trung gian được hưởng vì chúng tôi bán qua đại lý, người tiêu dùng không được lợi gì”, đại diện của một doanh nghiệp hóa chất nói với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại cuộc giao ban trực tuyến về bình ổn giá vào đầu tuần này (6-12).

Mặt hàng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15-11 là 36.300 tấn, trong đó hơn một nửa các doanh nghiệp đã mua và gửi tại đây. Còn hạn ngạch nhập khẩu 90.000 tấn đường đã được cấp phép nhưng hiện tại chưa nhập. Cũng phải tính cả nguồn nhập này thì cung trong nước mới đủ. Nhưng để nhập, doanh nghiệp phải cân nhắc diễn biến giá thế giới và tỷ giá.

Đơn cử như mặt hàng xăng dầu, theo tính toán của bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Petrolimex, tại cuộc họp giao ban với Bộ Công Thương hồi tháng 10, trong chín tháng đầu năm, tính cả lãi vay và chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp này thiệt hại khoảng 800 tỉ đồng do nhập xăng dầu.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu trong nước, theo phát biểu của bà Huyền tại cuộc họp ngày 6-12, dự kiến trong tháng 12 lượng xăng dầu của Dung Quất sản xuất chỉ bằng 60% của tháng 10 và tháng 11. Như vậy, nếu trong tháng 1-2011, Nhà máy Dung Quất không đảm bảo sản xuất theo kế hoạch mà phải nhập khẩu đột xuất thì khó khăn không chỉ là thiếu hàng mà nguồn ngoại tệ để nhập khẩu cũng chưa biết lấy đâu.

Chuyện can thiệp vào giá cả hàng hóa thế giới vốn là điều không thể. Hầu hết nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho trong nước cũng khó có thể chủ động được hoàn toàn do năng lực sản xuất còn yếu và phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, việc điều tiết nguồn cung hàng hóa chỉ thực sự có hiệu quả nếu tỷ giá được ổn định, thay vì dùng các biện pháp hành chính, lúc “chạy theo”can thiệp ngoại tệ cho mặt hàng này, lúc hạn chế xuất khẩu mặt hàng khác, nhiều doanh nghiệp nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới