Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chạy đua mua dầu từ Trung Đông do nguồn cung của Nga bất ổn

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới đang gấp rút chốt các thỏa thuận mua dầu thô từ các nước Trung Đông cho năm 2023 vì họ lo lắng tác động của các lệnh trừng phạt sắp tới của phương Tây sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Các công ty lọc dầu và kinh doanh hàng hóa năng lượng ở châu Âu và châu Á đang gấp rút tìm mua các lô hàng dầu thô từ Trung Đông do lo ngại nguồn cung từ Nga sẽ suy giảm trong năm 2023. Ảnh: Reuters

Trong vòng chưa đầy một tháng nữa, hầu như tất cả các công ty ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị cấm mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất của EU nhằm gây sức ép với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt này sẽ chỉ thực sự trở nên rõ ràng khi có hiệu lực. Tuy nhiên, đã có nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu dầu mỏ của Nga, một trong những nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ giảm.

Viễn cảnh nguồn cung bất ổn đó đã khiến ít nhất 9 công ty kinh doanh hàng hóa năng lượng và lọc dầu ở châu Á và châu Âu tìm cách duy trì hoặc tăng lượng dầu mà họ nhận được từ Trung Đông dựa vào các hợp đồng có thời hạn. Các lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á cho biết yêu cầu của họ đã được đáp ứng. Nhưng với việc Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu khác trong khu vực quyết định cắt giảm sản lượng, chứng tỏ không có điều gì đảm bảo rằng mọi khách hàng đều sẽ may mắn như vậy.

“Hầu hết các công ty lọc dầu ở châu Á, bao gồm cả công ty của chúng tôi, đang cố gắng duy trì lượng dầu thô nhận được từ Trung Đông và một số công ty khác, thậm chí có thể mua tăng thêm một chút. Nếu các nước châu Âu bắt đầu tăng mua dầu thô từ Trung Đông, tình hình cạnh tranh hơn trên thị trường giao ngay sẽ gay gắt hơn”, Lin Keh-Yen, người phát ngôn của Tập đoàn Hóa dầu Formosa của Đài Loan, cho biết qua điện thoại.

Các lô hàng dầu thô giao ngay từ Mỹ, Biển Bắc ở châu Âu và thậm chí từ vùng Vịnh Ba Tư ở Trung Đông có thể sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt do sắp tới thị trường thiếu vắng nhiều thùng dầu của Nga.

Với việc dòng chảy dầu của Nga đang suy giảm, châu Âu dần bám sát châu Á để trở thành điểm đến hàng đầu cho các thùng dầu của Mỹ. Đồng thời, khách hàng châu Âu cũng săn lùng quyết liệt hơn đối với các lô hàng dầu thô từ Biển Bắc và Kazakhstan, khiến các công ty lọc dầu châu Á, đặc biệt là những công ty né mua dầu của Nga, ngày càng có ít lựa chọn hơn.

Không phải mọi thứ đều tạo ra cảm giác cấp bách cho các công ty lọc dầu. Triển vọng nhu cầu dầu nhìn chung vẫn ảm đạm do rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái và các đợt phong tỏa kiểm soát covid-19 dai dẳng ở Trung Quốc.

Ngoài lệnh cấm vận dầu Nga, EU dự kiến cấm các công ty trong khu vực cung cấp dịch vụ bảo hiểm, môi giới và vận chuyển ở bất kỳ đâu trên thế giới đối với các lô hàng dầu của Nga, trừ khi chúng được mua theo mức giá giới hạn do phương Tây đặt ra. Nhóm bảy quốc gia công nghiệp G7 vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về mức trần giá dầu Nga và điều này đang gây thêm bất ổn.

Dầu thô trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 20% trong năm nay mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai chương trình bán 180 triệu thùng từ kho dữ trự chiến lược quốc gia. Giá dầu chuẩn quốc tế Brent đang áp sát mức 100 đô la Mỹ/ thùng, phản ánh rủi ro về nguồn cung sau khi liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.

Sau các cuộc đàm phán gấp rút, ít nhất 5 công ty lọc dầu và kinh doanh hàng hóa năng lượng ở châu Á đã đạt được thỏa thuận duy trì hoặc tăng mua dầu thô từ Trung Đông trong năm 2023. Ở châu Âu, 4 công ty lọc dầu cũng đạt được các thỏa thuận tương tự nhưng họ lưu ý rằng kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tình trạng sẵn có của nguồn cung dầu ở Trung Đông.

Các nguồn tin thị trường cho biết Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hàn Quốc đã bán nguồn cung có kỳ hạn đối với dầu thô Murban của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong năm tới cho một công ty kinh doanh hàng hóa năng lượng ở châu Âu thông qua một cuộc bán đấu giá. Mức giá bán này cao hơn 20 cent trên mỗi thùng so với giá dầu chính thức trên thị trường.

Theo Lin Keh-Yen, người phát ngôn của Tập đoàn Hóa dầu Formosa, dù có những hạn chế về sản lượng dầu tổng thể, có thể tăng thêm từ Trung Đông, một số sản lượng bổ sung có thể đến từ UAE và một khu vực lãnh thổ trung lập nằm giữa biên giới của Kuwait và Saudi Arabia. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu của vùng Vịnh Ba Tư có thể không có thêm nhiều dầu để cung cấp, đặc biệt là khi một số nhà máy lọc dầu mới khai trương ở các nước Trung Đông bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới