Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến TikTok gây chấn động mối quan hệ Mỹ-Trung

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà lập pháp Mỹ chất vấn gay gắt mối quan hệ của TikTok với nhà nước Trung Quốc, trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố phản đối bất kỳ động thái nào của Nhà Trắng cưỡng ép các chủ sở hữu Trung Quốc bán cổ phần ở TikTok.

Giám đốc điều hành của TikTok Shou Zi Chew tại phiên điều trần ở Ủy ban Thương mại và năng lượng thuộc hạ viện Mỹ (HECC) hôm 23-3. Ảnh: Zuma Press

TikTok bị chất vấn về mối quan hệ với Bắc Kinh

Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc bị giáng một đòn khác khi các nhà lập pháp tại phiên điều trần ở Ủy ban Thương mại và năng lượng thuộc hạ viện Mỹ (HECC) chỉ trích Giám đốc điều hành của TikTok Shou Zi Chew về mối quan hệ của ứng dụng chia sẻ video ngắn này với chính phủ Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng về thương mại, vấn đề Đài Loan, công nghệ và cạnh tranh địa chính trị.

Tại phiên điều trần ở HECC, diễn ra hôm 23-3 và kéo dài hơn năm giờ, các nhà lập pháp cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa nhấn mạnh mối lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của Bắc Kinh đối với ứng dụng TikTok.

“Cách tiếp cận của chúng tôi chưa bao giờ loại bỏ hoặc xem nhẹ bất kỳ mối lo ngại nào của các ngài. Chúng tôi đã giải quyết chúng bằng hành động thực tế”, Shou Zi Chew nói.

Tuy nhiên, Frank Pallone, nghị sĩ đảng Dân chủ thẳng thừng phản đối những tuyên bố của ông Chew. “Tôi không tin,” Pallone nói. Trong khi đó, Chủ tịch HECC, Cathy McMorris Rodgers, thành viên đảng Cộng hòa, kêu gọi cấm ứng dụng thuộc sở hữu của hãng công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh.

Mở đầu phiên điều trần, bà Rodgers yêu cầu ông Chew tuyên bố “chắc chắn 100%” rằng chính phủ Trung Quốc không thể sử dụng TikTok hoặc ByteDance để giám sát người Mỹ hoặc thao túng nội dung mà người Mỹ xem.

Ông Chew trả lời rằng công ty đã cam kết bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ khỏi “tất cả các truy cập nước ngoài không mong muốn” và sẽ giữ cho nội dung “không bị bất kỳ chính phủ nào thao túng”.

“Nếu ông không thể nói chắc chắn 100%, tôi sẽ coi đó là 'không'. Tôi không tin vào khẳng định của ông rằng ByteDance và TikTok không lệ thuộc chính phủ Trung Quốc”, bà Rodgers đáp trả.

Sự hoài nghi của lưỡng đảng tại Mỹ càng làm lu mờ tương lai của TikTok, một nền tảng hiện có 150 triệu người Mỹ sử dụng.

Trước sự  chất vấn của hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Crenshaw, ông Chew nói rằng theo kế hoạch tăng cường bảo mật, dữ liệu của TikTok sẽ được lưu trữ ở Mỹ và đặt dưới sự giám sát của một công ty Mỹ.

Hạ nghị sĩ Bob Latta cho biết TikTok đã được tòa án tuyên miễn trách pháp lý từ cái cái chết của một bé gái 10 tuổi tham gia thử thách nín thở trên TikTok. Ông đặt câu hỏi vì sao TikTok được luật liên bang bỏ qua khi ứng dụng này phát tán “nội dung nguy hiểm và đe dọa tính mạng đối với trẻ em”.

Ông Chew giải thích nền tảng TikTok đã thực hiện một số bước chủ động để bảo vệ trẻ em tốt hơn. Chẳng hạn, các tài khoản đăng ký cho thanh thiếu niên dưới 16 tuổi được đặt ở chế độ riêng tư theo mặc định và họ cũng không thể gửi tin nhắn trực tiếp. Nội dung của họ không đủ điều kiện để đề xuất trong tab “Dành cho bạn” (For You) của TikTok. Ông cho biết việc xử lý nội dung độ lại là một thách thức chung của toàn lĩnh vực truyền thông xã hội.

Trung Quốc phản đối Mỹ ép bán TikTok

Vài giờ trước phiên điều trần, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting tuyên bố Trung Quốc  “kiên quyết phản đối” yêu cầu gần đây của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng các chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok phải bán cổ phần của họ nếu không ứng dụng này có thể bị cấm tại Mỹ.

“Phớt lờ lợi ích của các sản phẩm và dịch vụ mà chỉ dựa trên danh tính của các nhà đầu tư nước ngoài để buộc bán TikTok sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, khi họ đầu tư vào Mỹ”, bà Shu Jueting nói khi hỏi về khả năng Mỹ buộc các chủ sở hữu Trung Quốc bán cổ phần của họ ở TikTok.

Các nhà lập pháp Mỹ chỉ ra tuyên bố đó như một bằng chứng cho thấy TikTok lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Những lo ngại về bảo mật dữ liệu người dùng của TikTok khiến ứng dụng này trở thành tâm điểm căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới khi họ vẫn đang tranh cãi về các vấn đề chính sách thương mại, gián điệp và phát triển công nghệ. Washington đã tăng cường trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, còn Bắc Kinh đã triển khai các quy định pháp lý và các chiến thuật khác nhằm gây sức ép đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Kết quả là hai bên đã thiết lập các danh sách đen thương mại nhắm vào các doanh nghiệp của nhau bao gồm hai hãng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE Corp., cũng như các nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin Raytheon Technologies.

Lindsay Gorman, thành viên cấp cao về các công nghệ mới nổi tại Liên minh Bảo đảm dân chủ tại Quỹ Marshall của Đức, đồng thời là cựu cố vấn Nhà Trắng, nhận định: “Cuộc chiến liên quan đến TikTok là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của một kỷ nguyên. Thời kỳ mà quan hệ kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển mà không cần cân nhắc về địa chính trị đã qua rồi”.

Những lo ngại của Mỹ đối với TikTok một phần xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc ngày càng can thiệp nhiều hơn vào các hoạt động kinh doanh. Dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thông qua các luật và quy định để đảm bảo quyền truy cập vào dữ liệu mà doanh nghiệp thu thập, đồng thời mở rộng nỗ lực tác động đến quy trình quản trị và ra quyết định của doanh nghiệp.

Trung Quốc cũng đã chặn các nền tảng trực tuyến và truyền thông xã hội của Mỹ gồm Google của Alphabet và Facebook của Meta Platforms.

Một quỹ được cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc đầu tư đang nắm giữ 1% cổ phần ở một công ty con cốt lõi Bytedance. Tỷ lệ nắm giữ này được gọi là “cổ phần vàng”, mang lại cho cơ quan quản lý một ghế hội đồng quản trị, có quyền biểu quyết và ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh của công ty con này.

Một số dự luật đang được xem xét tại quốc hội Mỹ sẽ cấm TikTok, chẳng hạ cấm các công ty Mỹ kinh doanh với ứng dụng này, hoặc cho phép chính phủ cấm hoặc hạn chế các ứng dụng có quan hệ với các chính phủ nước ngoài thù địch.

Một lệnh cấm thực sự đối với TikTok sẽ đối mặt những rào cản pháp lý. Hai thẩm phán liên bang đã bác bỏ những nỗ lực như vậy của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới