(KTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng hôm nay, 17-1, lập kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, với con số 924 ca, trong đó có 590 ca chưa cách ly.
Ngày hôm qua, 16-1, số ca mắc là 888, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 657 ca mắc Covid-19 được thiết lập ngày 13-1.
Trước tình hình ca mắc Covid-19 tăng chưa có điểm dừng, theo ghi nhận của KTSG Online, nhiều gia đình bắt đầu tính đến chuyện trữ hàng vì lo sợ Đà Nẵng lại đóng cửa hoặc hạn chế đi lại và xác định tư tưởng không có Tết. Các tiểu thương cũng lo lắng sẽ xảy ra điệp khúc “đóng, mở” các chợ vào thời điểm này vì họ đã mua nhiều hàng hóa để bán dịp Tết. Thậm chí trên không gian mạng có nhiều ý kiến, bài viết suy đoán Đà Nẵng sẽ đóng cửa trong tuần tới.
Để trấn an dư luận, hôm nay, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng có công văn thông tin chung về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Đà Nẵng không “ngăn sông cấm chợ”, không ngăn cản, hạn chế đi lại; đảm bảo hoạt động của các siêu thị, chợ truyền thống; đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết; đảm bảo giao thông thông suốt và mọi điều kiện để người dân vui đón Tết.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng khuyến khích người dân chủ động xét nghiệm khi nghi ngờ triệu chứng và đăng ký điều trị cho F0 tại nhà; tuyên truyền người trong gia đình có ca F0 điều trị tại nhà phải tự ý thức bảo vệ đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm; hướng dẫn cho người dân biết các điều kiện để điều trị cách ly tập trung tại bệnh viện cho F0 (người già, người có bệnh nền, người có triệu chứng trở nặng…).
Về vấn đề hàng hóa cung ứng Tết, trong hôm nay ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hoạt động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại các chợ Non Nước, chợ Cẩm Lệ, chợ Cồn…
Ông Sơn đề nghị nếu trong trường hợp số ca mắc Covid-19 tăng cao, buộc phải đóng cửa chợ thì phải nghiên cứu, đề xuất phương án bố trí địa điểm tạm thời thay thế nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Ông Sơn cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ động tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất, kinh doanh; thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân.
Theo đại diện Sở Công Thương, trong thời gian trước Tết Nguyên đán người dân có nhu cầu mua sắm cao, do đó, phải duy trì, vận hành các chợ truyền thống.
Vì vậy, trước tình hình dịch phức tạp, ngành công thương phải đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch, tổ chức vận động bà con tiểu thương xét nghiệm 3 ngày/lần để phát hiện sớm F0, khoanh vùng hẹp, cách ly F1, những người âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn được bán hàng bình thường.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tổ chức các điểm bán hàng bình ổn cho người dân, trải dài trên địa bàn các quận huyện, đưa hàng đến vùng sâu, vùng xa giúp cho người dân tiếp cận với mọi loại hàng hóa, mua hàng với mức giá ổn định.
Phương châm 5 Không để thích ứng với đại dịch: Không quan tâm đến ca nhiễm mới/ Không cần xét nghiệm đại trà và tập trung cách ly / Không quay lại phong tỏa hẹp hoặc rộng/ Không hạn chế khách đến và đi/ Không bị động trước mọi tình huống.