Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng: Doanh nghiệp nỗ lực giữ ổn định chuỗi lao động sản xuất

Mai An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phần lớn tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều không xảy ra tình trạng “nhảy việc”, chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Hoạt động tại một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang nỗ lực khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế để bù đắp những thiệt hại.

Nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất chú trọng việc “giữ chân” bộ phận người lao động. Ảnh: Mai An

Từ chính sách của doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tăng cường sản xuất, đảm bảo chuỗi lao động để không xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất gây thiệt hại. Trong đó, vấn đề giữ chân người lao động là điều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29/3, phía công ty luôn tìm cách tạo động lực làm việc cho hơn 2.000 lao động tại nhà máy. Ngoài việc khích lệ tinh thần, công ty cam kết trả lương theo sản phẩm và năng lực, tối thiểu từ 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn được đài thọ ăn giữa ca, sau khi thử việc đạt yêu cầu, công nhân được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp….

“Ngoài tiền lương sản phẩm, người lao động còn được thưởng chuyên cần 800.000 đồng/tháng, thưởng nhân các ngày lễ, thưởng tháng lương thứ 13 và thưởng thi đua (theo xếp loại A, B, C hàng tháng) vào cuối năm”, ông Chính cho hay.

Các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đang trong giai đoạn tích cực mở rộng sản xuất. Từ khởi nguồn mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành tuyển dụng thêm loạt nhân sự, công nhân mới để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, thông tin trong phiên tuyển dụng đầu năm 2022 có 81 doanh nghiệp đã gửi thông báo tuyển hơn 6.300 vị trí. Theo ông Diệp, nhu cầu tìm kiếm lao động của các doanh nghiệp hiện nay là khá lớn, thời gian tới, Trung tâm vẫn thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng qua các kênh, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều lao động.

“Phía đơn vị sẽ duy trì thực hiện kết nối phiên giao dịch việc làm với các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên qua hình thức trực tuyến mỗi tháng/một lần/địa phương để người lao động các tỉnh có thêm nhiều sự lựa chọn thuận lợi hơn”, ông Diệp cho hay.

Không để xảy ra đứt gãy

Thông tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA), tính đến nay đơn vị đang quản lý 500 doanh nghiệp, với 70.000 công nhân. Trong tổng số 500 doanh nghiệp có 129 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ các báo cáo của doanh nghiệp, DHPIZA cho biết hiện vẫn chưa ghi nhận doanh nghiệp phản hồi về việc thiếu lao động sản xuất sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao là để mở rộng sản xuất chứ không phải thiếu lao động.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, cho biết các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đã thực hiện đón công nhân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu năm. Theo đó, tỷ lệ lao động quay lại làm việc theo thống kê từ doanh nghiệp đạt 98%, công tác sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19 được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng.

“Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, các doanh nghiệp hoạt động bình thường, các ca nhiễm được phát hiện hằng ngày tại các doanh nghiệp, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào phải tạm dựng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Về nhu cầu nguồn cung lao động, tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra từ đầu năm, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyển dụng lao động qua các kênh hoặc hỗ trợ từ Trung tâm giới thiệu và hỗ trợ việc làm thành phố Đà Nẵng. Hiện tại số lượng lao động tại các KCN đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì mục tiêu đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, việc giữ chân cũng như quan tâm đến các chính sách đời sống người lao động được xem là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Thực tế trong thời gian qua, nội dung trên được doanh nghiệp thực hiện tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới