Đà Nẵng: ứng dụng CNTT đang chững lại
Nguyên Đức
(TBVTSG) - Chính phủ điện tử, tin học hóa hành chính, xã hội hóa CNTT..., các chương trình này đã được Đà Nẵng thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong thực tế đến nay, tiến độ các dự án ở hầu hết các chương trình vẫn chậm, thậm chí đang bị chững lại ở nhiều khâu…
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết quy trình ứng dụng CNTT ở quận này đang được mở rộng với tiêu chí mọi cán bộ quản lý và thừa hành phải thành thạo tin học, xử lý công việc qua thư điện tử (e-mail). Gần hai năm qua, kinh phí dành cho việc đầu tư hệ thống mạng cục bộ, đưa xuống các phường, liên kết với chính quyền thành phố đã được đích thân ông đôn đốc. Đến nay, Ngũ Hành Sơn đã kết nối đồng bộ các bước thủ tục hành chính, quy trình xử lý giấy tờ, nhất là ở lĩnh vực nhà đất, đã được “tin học hóa” khá hữu hiệu.
Tuy nhiên, ông Thơ thừa nhận rằng nhiều cán bộ vẫn chưa tích cực với định hướng này. Một bộ phận cán bộ còn nặng tính “bàn giấy”, chưa thích ứng với khái niệm “văn bản trên mạng”, trao đổi qua e-mail như một phần cấu trúc công việc hằng ngày. Đặc biệt, hệ thống phần cứng, máy tính và nhiều thiết bị hỗ trợ kết nối Internet được trang bị trong thời gian triển khai Đề án 112 đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn cho việc triển khai tiếp theo.
Năm nay, Đà Nẵng chủ trương giảm thiểu mua sắm tài sản công để hạn chế lạm phát, mà các loại máy tính, thiết bị công nghệ, điện tử là phần chủ yếu trong hoạch định tiết giảm đó. Điều này làm cho việc triển khai các quy trình ứng dụng để mở ra các tương tác CNTT giữa người dân và chính quyền nơi đây vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.
Điều đáng nói là không phải cơ quan hành chính nào cũng có được sự nhìn nhận rõ nét như Ngũ Hành Sơn, một quận vùng ven của Đà Nẵng. Tại nhiều sở ngành chủ lực của địa phương, mức độ tin học hóa ở cán bộ thừa hành vẫn chưa cao.
Một vị lãnh đạo Sở Địa chính bày tỏ, nhiều khâu quản lý về hồ sơ đã đưa vào máy tính nhiều năm qua, đến nay vẫn bị trục trặc do cán bộ không chủ động tham gia. “Lỗi phần cứng”, “lỗi kết nối” đang là các lý do phổ biến khi một cán bộ quản lý hay thừa hành bị trễ nãi tiến độ công việc.
Đặc biệt Đà Nẵng đang khá gian nan với bài toán “hậu 112”. Mặc dù qua báo cáo của các cơ quan chức năng, hoạt động đầu tư hạ tầng phần cứng, triển khai các phần mềm dùng chung của chương trình 112 tại đây là tích cực, song một giai đoạn đầu tư thiếu thực tế, chưa phù hợp với yêu cầu và chưa tạo thói quen tốt cho người sử dụng đã đưa lại một hệ quả là tạo sức ỳ cho nhiều cấp cán bộ và nhân viên hành chính; một số phần mềm dùng chung hiện vẫn đang được tiếp tục sửa chữa, chỉnh lỗi. Một số thiết bị lạc hậu như modem kết nối quay số vẫn đang tồn tại dù Đà Nẵng đã mở thêm nhiều cổng đấu nối tốc độ cao ở các ban ngành hay UBND thành phố.
Riêng dự án Phát triển CNTT-TT thành phố Đà Nẵng, là một tiểu dự án thuộc dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đến nay hoạt động vẫn còn hạn chế. Theo một cán bộ theo dõi dự án, thời gian triển khai dự án là năm năm (từ năm 2006), với tổng mức đầu tư 19,3 triệu đô-la Mỹ, vẫn đang trong quá trình vận động triển khai. Phần việc đánh giá, điều tra cơ sở dữ liệu cơ bản vẫn bị trục trặc.
Đối tượng chính tiếp cận dự án đến nay mới dừng ở cấp sở ban ngành, quận huyện. Hai nhóm đối tượng quan trọng trong hệ thống này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân vẫn chưa được thể hiện tốt ngay trong các kế hoạch hành động.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Đà Nẵng, cho biết cơ quan đầu mối triển khai dự án này khẳng định đang nỗ lực thúc đẩy thêm, nhưng tiến độ đang chậm lại vì nhiều lý do khách quan, trong đó ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế cũng là một lý do.