Chủ Nhật, 12/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu băn khoăn về xử lý nợ xấu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu băn khoăn về xử lý nợ xấu

Tư Hoàng

Đại biểu băn khoăn về xử lý nợ xấu
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh TL Saigon Times.

(TBKTSG Online) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cố gắng thuyết phục Quốc hội về nỗ lực xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng tại phiên họp chiều 30-5, song không ít đại biểu còn băn khoăn.

Mở đầu phần phát biểu theo chỉ định của chủ tọa, ông Bình khẳng định hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp.

Ông nói: “Sau gần một năm thực hiện, từ tháng 4/2012 đến hiện nay, tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp đã lên tới 284 ngàn tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ”.

Tuy nhiên, ông Bình không giải thích với các đại biểu Quốc hội từ “cơ cấu lại” mà ông sử dụng như trên cần được hiểu như thế nào.

Ông cho biết thêm, tổng số nợ xấu được xử lý từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro là khoảng 70 ngàn tỉ đồng năm 2012, và khoảng 7,5 ngàn tỉ trong 4 tháng đầu năm 2013.

Ông cam kết hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục trích lập dự phòng được 68 ngàn tỉ đồng để xử lý nợ xấu từ nay đến hết năm.

Bên cạnh đó, ông Bình cho biết, dự kiến Công ty Quản lý tài sản quốc gia vừa được thành lập sẽ xử lý được từ 40-70 ngàn tỉ đồng trong năm 2013.

Ông Bình nói về quyết tâm của ngành mình: “Với những nỗ lực của chính hệ thống ngân hàng, chúng ta đã tháo gỡ được một phần rất lớn của nợ xấu, kiềm chế được tốc độ gia tăng của nợ xấu trong thời gian qua,…”

Nợ xấu được xác định là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay, song thông tin về tình trạng này luôn mờ mịt.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm ngoái lại chỉ còn 7,8%, căn cứ vào kết quả của cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ này đến cuối tháng 3 vừa rồi lại giảm xuống còn 4,51%, theo Chính phủ căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho biết, tỷ lệ nợ xấu năm 2012 tăng 64% so với năm 2011. Tuy nhiên, ủy ban không làm rõ con số này.

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng hợp lại toàn bộ số liệu mâu thuẫn về nợ xấu.
Ông nói, cuối năm 2012 Thống đốc cho rằng, nợ xấu khoảng 10%, trong khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 8,6%.

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này là 7,8%, thấp hơn nhiều so với số liệu là 11,8% của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra cùng thời điểm.

Ông Hiến cũng phê phán quyết định lùi áp dụng thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước thêm một năm nữa.

Ông nhắc lại lời thống đốc từng nói " áp dụng Thông tư 02 là để nhận diện đúng hơn về con số thực, bản chất nợ xấu", và bình luận: “Vấn đề ở đây nếu áp dụng Thông tư 02 thì nợ xấu hiện tại của một ngân hàng có thể chỉ từ 3-4% sẽ tăng lên 10-15% hoặc hơn nữa như ý kiến của các chuyên gia kinh tế đã phân tích”.

Ông Hiến nói: “Như vậy, con số thực bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều những gì đã công bố”.

Theo đánh giá của đoàn giám sát của IMF theo Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) khi đến khảo sát ở Việt Nam gần đây, mức thấp nhất của tỷ lệ nợ xấu là 12,5%. Đoàn còn cho rằng, con số này còn có thể “cao hơn nhiều”.

Báo cáo nhận xét, các ngân hàng thương mại nhà nước tỷ lệ nợ xấu cao hơn các ngân hàng cố phần, và nợ xấu có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đoàn FSAP ước tính rằng hệ thống ngân hàng cần được bổ sung một lượng vốn tương đương với 2% GDP để tăng tỷ lệ an toàn vốn lên mức tối thiểu theo quy định, và có thể cần tăng mức bổ sung vốn thêm 5,5% GDP nữa để xử lý các cú sốc đối với khu vực ngân hàng.

Tuy nhiên, FSAP cho rằng, các con số này có mức độ không chắc chắn cao do “những bất cập về số liệu tài chính”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới