Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đắk Lắk kỳ vọng vào Festival cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đắk Lắk kỳ vọng vào Festival cà phê

Công nhân đang gấp rút hoàn thành Làng văn hóa cà phê Trung Nguyên để khai trương vào tối 11-12 – Ảnh Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Nhân sự kiện Festival cà phê sẽ khai mạc ngày 10-12, TBKTSG Online đã trao đổi nhanh với ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, xung quanh sự kiện lớn nhất của tỉnh trong năm nay.

Đây là lần thứ hai tỉnh tổ chức lễ hội cà phê, vậy theo ông, công tác tổ chức có gì khác biệt so với lần trước?

Ông Lý Thanh Tùng: Sự kiện này diện ra lần đầu vào cuối năm 2005, lúc đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm gì về việc tổ chức sự kiện lớn. Còn lễ hội lần này thì chúng tôi đã có hẳn một quy trình cụ thể, nhờ kinh nghiệm của sự kiện năm 2005 và hai lần tổ chức Tuần lễ Văn hóa cà phê ở TPHCM và Hà Nội trong năm nay.

Công tác tổ chức lần này cũng thuận lợi hơn khi các doanh nghiệp hiểu lễ hội không chỉ đơn thuần là một hội chợ, triển lãm để xúc tiến thương mại cà phê mà còn là sự kiện để doanh nghiệp quảng bá tên tuổi, thương hiệu, cùng với chính quyền tỉnh xây dựng hình ảnh văn hóa cà phê.

Thành phố Buôn Ma Thuột có 2.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ nhưng hiện tại gần như đã kín phòng.

Các doanh nghiệp cà phê đã tham gia vào lễ hội này ra sao?

Lễ hội lần này có 150 doanh nghiệp cà phê và các ngành liên quan như máy móc thiết bị, giống, phân bón… với hơn 400 gian hàng tại hội chợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tổ chức các sự kiện bên lề lễ hội này.

Đầu tiên là việc Vinacafe Biên Hòa với hình ảnh chiếc ly cà phê đạt kỷ lục thế giới được máy bay đưa lên không sẽ thu hút sự chú ý của công chúng.

Ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đắk Lắk – Ảnh: Hồng Văn

Công ty Trung Nguyên thì đưa vào hoạt động Làng văn hóa cà phê Trung Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột diện tích 2 héc ta, vốn đầu tư 35-40 tỉ đồng. Đến làng văn hóa cà phê, khách tham quan có thể biết về quy trình từ trồng, thu hái, chế biến, thưởng thức cà phê và cảm nhận những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tập đoàn Thái Hòa thì tổ chức lễ tri ân tiền nhân và rước “Linh” cà phê từ đình Lạc Giao về lễ hội, kết hợp ký kết các hợp đồng hợp tác chiến lược với các đối tác ngay trong lễ hội.

Một điểm đặc biệt khác là nhân lễ hội này, chúng tôi sẽ khai trương sàn giao dịch cà phê đầu tiên của Việt Nam vào ngày 11-12.

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp mua bán cà phê của nước ngoài cùng nhiều khách du lịch sẽ tham quan lễ hội. Đặc biệt, chủ tịch tổ chức cà phê thế giới cũng ghé thăm lễ hội, trao đổi với Hiệp hội Cà phê Việt Nam về văn hóa cà phê, tính bền vững trong phát triển cây cà phê, vấn đề kinh tế của hạt cà phê…

Vậy sự tham gia của người nông dân trong sự kiện của cây cà phê này ra sao?

Tỉnh Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hiện tại, tỉnh có 180.000 héc ta cà phê nhưng diện tích này cùng với kinh doanh xuất khẩu cà phê đã mang lại giá trị cho hạt cà phê chiếm tới 50-60% GDP của cả tỉnh, cho thấy tầm quan trọng của cây cà phê.

Xin nói thêm là một năm Đắk Lắk xuất khẩu đạt 630 triệu đô la Mỹ thì cà phê chiếm tới 85%. Do vậy, không chỉ nông dân trồng cà phê quan tâm tới lễ hội mà đây cũng là sự kiện dành cho những người nông dân nói chung và người dân cả tỉnh. Lễ hội chỉ kéo dài từ ngày 10 tới 14-12 nhưng với nông dân ở xã, huyện thì nó đã diễn ra từ vài tháng trước với hàng loạt các hoạt động chào mừng lễ hội, từ văn hóa nghệ thuật tới thể dục thể thao.

Lễ hội cà phê này cũng là cách để giúp nông dân và doanh nghiệp gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Xin cảm ơn ông!

HỒNG VĂN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới