Thứ Bảy, 1/06/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Đắt như nước

Quỳnh Đan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cuộc chiến Nga – Ukraine ban đầu những tưởng sẽ kết thúc chóng vánh trong vài ngày lại đang bước vào tuần lễ cuối cùng của tháng thứ hai. Dù rất thầm lặng, nhân loại đang phải đối đầu với một cuộc chiến khác không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Đó là chiến tranh nước.

Người ta định nghĩa chiến tranh nước là các khó khăn mà con người gặp phải trước tình trạng nguồn cung cấp nước sử dụng được ngày càng khan hiếm. Vấn đề này đã vượt khỏi biên giới quốc gia và đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Trong cuộc chiến đó, Việt Nam – một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng – dĩ nhiên không thể là một ngoại lệ. Trong khi những cơn mưa đầu mùa đến sớm đã trút xuống TPHCM, ở tận sông Hồng gần hai ngàn cây số ngược về phía Bắc, những người am hiểu lại đang lo lắng về một chuyện mà mới nghe qua tưởng rằng nghịch lý: họ lo rằng sông Hồng không còn lũ!

Trong một bài báo được đăng tải đầu tháng này(1), GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói đợt lũ lớn nhất trên sông Hồng đổ về đồng bằng là vào năm 1996, nghĩa là 26 năm trước và từ đó đến nay, không thấy lũ lớn như vậy nữa!

Có lũ thì lo, mà không lũ cũng lo. Phải chăng đây là điều mâu thuẫn? Xin thưa rằng: không đâu. Lo lắng là đúng vì hiện tượng thiếu lũ đã xuất hiện ở cả hai đầu của đất nước, ở hai vựa lúa lớn nhất quốc gia. Lũ về có thể gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản. Nhưng dù sao vẫn có khả năng hạn chế đến mức thấp nhất. Lũ về cũng có nghĩa là nguồn cung cấp nước sẽ dồi dào hơn, phù sa và nguồn lợi thủy sản nhiều hơn. Ngược lại, các biện pháp hữu hiệu đối phó với hiện tượng không có lũ phần lớn nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Nước là cội nguồn của sự sống. Nhưng con người đã lạm dụng khai thác quá mức và không bảo vệ được của trời cho. Kết quả là theo một số dự báo khoa học đã được Liên Hiệp Quốc đồng tình, chỉ vào cuối thập kỷ này, năm 2030, cả nhân loại sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nước khốc liệt, hay là tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, nguyên nhân của hiện tượng này ai cũng biết là do El Nino, do sự biến đổi khí hậu. Nhưng đáng lo hơn, thượng nguồn của hai con sông lớn nhất, sông Hồng và sông Cửu Long, không nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, chúng ta không thể quản lý được các diễn biến phức tạp xảy ra với nguồn nước từ hai con sông này cũng như việc sử dụng nước của các quốc gia trên thượng nguồn(2).

Có điều, chính chúng ta cũng đang làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt nguồn nước đã được báo động từ lâu. Nạn gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa và phát triển sản xuất thiếu kiểm soát, cũng như tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi là những nguyên nhân chính.

Đặc biệt, không thể không điểm mặt một thủ phạm. Đó là cuộc chiến tranh giành nguồn nước giữa một bên là sản xuất nông nghiệp và bên kia là sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện. Cũng không thể bỏ ra ngoài thủ phạm là các dự án thủy điện được phê duyệt thiếu cân nhắc. Bài báo đã trích dẫn lời các chuyên gia cho rằng an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang bị đe dọa bởi cuộc chạy đua an ninh năng lượng(3).

Biến đổi khí hậu và chiến tranh nước thầm lặng nhưng hiện hữu. Chẳng hạn, hiện tượng đất lún dẫn đến ngập nước trên diện rộng ở các thành phố lớn rất đáng lo. Mỗi năm, đất lún thêm vài cen ti mét. Vậy thì, vài thập kỷ tới sẽ ra sao nếu biết rằng 80% diện tích Việt Nam có độ cao thấp hơn 2,5 mét so với mực nước biển(4)?

Cấp bách là vậy, nhưng xem ra các biện pháp đối phó còn rất chung chung, mơ hồ, nhất là đối với toàn xã hội và từng người dân. Để làm chậm bớt cuộc chiến này hầu có thời gian giải quyết căn cơ hơn, cần xây dựng “văn hóa sử dụng nước” cho cả xã hội. Thay vì nói “rẻ như nước”, hãy dạy cho trẻ em rằng “nước không còn rẻ” và tập được thói quen điều chỉnh vòi nước vừa đủ – tại nhà và tại nơi làm việc. Chỉ bằng ý thức này, từng người trong chúng ta có thể góp phần chống chiến tranh nước.

Không có dầu nhân loại sẽ khó phát triển, nhưng không có nước nhân loại tất yếu sẽ đi đến diệt vong.

———

(1),(2),(3) https://vtc.vn/song-hong-khong-con-lu-la-dieu-dang-mung-hay-bao-truoc-su-suy-vong-ar669122.html

(4) https://thanhnien.vn/viet-nam-truoc-hiem-hoa-nuoc-bien-dang-cao-post362097.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Dù có lúc có nơi bị khô hoặc khát. Nhưng nhìn chung có thể nói VN là đất nước có tiềm năng tự nhiên dồi dào về nước. Hạnh phúc này không dễ dàng có được. Nhưng sẽ hạnh phúc lâu dài hơn nếu ngay từ bây giờ mọi người đều biết nâng niu và gìn giữ tài nguyên vô giá này. Chiến lược đối với tài nguyên nước phải bắt đầu từ ý thức và hành vi. Ý thức chỉ được đánh thức đầy đủ khi con người thực sự cảm nhận và đối đầu với khó khăn. Hành vi chỉ thay đổi khi con người thực sự buộc phải trả giá (cái giá về mặt xã hội và cái giá kinh tế).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới