Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dạy trẻ thành người song ngữ

Vỹ Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mùa hè đang gõ cửa chúng ta. Đối với học sinh không phải thi cuối cấp, nhất là các em tiểu học, mùa hè nên chủ yếu dành cho vui chơi và các hoạt động ngoại khóa, như âm nhạc, hội họa, hay hoạt động thể chất. Tuy nhiên, hẳn nhiều phụ huynh sẽ không quên việc học cho con em, trong đó có học ngoại ngữ.

Bài viết dưới đây đưa ra vài cách cha mẹ có thể giúp trẻ cùng lúc nói hai thứ tiếng ngay khi chúng bập bẹ những lời đầu tiên.

Ngôn ngữ mới sẽ là cánh cửa mở rộng dành cho cả trẻ em lẫn người lớn. Đa số các nhà giáo dục đồng ý rằng học một thứ tiếng ngay từ nhỏ là thời điểm lý tưởng. Trong khi não người không thể hoạt động như bọt biển trong việc tiếp thu ngôn ngữ và người ta khó có thể nắm vững một ngôn ngữ chỉ qua một đêm, lũ trẻ thường học ngôn ngữ thứ hai tốt hơn người lớn và chúng bắt chước phát âm không thua gì người bản ngữ.

Dù bạn có muốn chia sẻ ngôn ngữ mẹ đẻ, giúp trẻ tăng cường nhận thức hay muốn chúng chuẩn bị cho việc học trong tương lai, bạn cũng sẽ phải tạo cho chúng nhiều cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ đó và luyện nói trong các tình huống có thật.

Có hai loại chiến lược thường được cha mẹ thực hiện. Thứ nhất là “mỗi người một ngôn ngữ”, theo đó cha và mẹ chỉ nói một thứ tiếng với con (ví dụ, cha nói tiếng Anh, mẹ nói tiếng Việt). Thứ hai là “ở nhà dùng ngôn ngữ phụ”, nghĩa là ngôn ngữ phụ (ngôn ngữ mẹ đẻ của phụ huynh) được dùng ở nhà và trẻ học ngôn ngữ chính ở trường lẫn cộng đồng em đang sinh sống. Một số gia đình sử dụng cả hai chiến lược để dạy trẻ thích nghi với hai ngôn ngữ cùng lúc. Cha mẹ cũng có thể dành thời gian để học ngôn ngữ thứ hai cùng với con cái.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh ở nhà, phụ huynh cần phải có kế hoạch kỹ lưỡng, phải đủ nỗ lực và kiên trì vì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng khi không đạt được tiến bộ mong muốn.

Gabrielle Kotkov, một nhà giáo dục Montessori có bằng TESOL (dạy tiếng Anh cho người nói ngôn ngữ khác), đồng thời là nhà tư vấn việc học ngôn ngữ cho gia đình và trường học, khuyến khích các gia đình giữ kiên nhẫn và đưa ra mục tiêu kỳ vọng gắn với thực tế.

Kotkov nói như sau: “Đó là một quá trình. Nói chung, phải mất từ năm đến tám năm mới có thể thành thạo một ngôn ngữ”. Ngay cả khi chúng ta nói ngôn ngữ đó một cách lưu loát, vẫn cần luyện tập để giữ được khả năng sử dụng ngôn ngữ đó.

Nhà tư vấn Kotkov nói thêm phụ huynh cần tránh quan điểm cầu toàn. Nhiều phụ huynh tự gây áp lực bản thân với suy nghĩ “nếu không thể trở thành song ngữ, thì việc học ngôn ngữ là không đáng”.

Trẻ em có thể xây dựng được mối quan hệ có ý nghĩa với người khác dù ngôn ngữ của các em có thể không lưu loát lắm. Chỉ cần ý thức được rằng có nhiều ngôn ngữ người ta dùng để giao tiếp là đủ giúp trẻ có khả năng hiểu được.

Sau đây là vài phương pháp thực hiện:

Thực hiện linh động và sử dụng phương pháp hiệu quả nhất

Elizabeth Silva Diaz, giảng viên khoa giáo dục của Trường Bank Street College và là cựu giáo viên chuyên giáo dục song ngữ đặc biệt, kể câu chuyện như sau.

Được sinh ra ở Colombia (Nam Mỹ), Diaz dạy con trai thành người song ngữ để thằng bé có thể giao tiếp với ông bà và bà con nói tiếng Tây Ban Nha của mình.

Khi con trai của bà chào đời, gia đình bà quyết định áp dụng phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”, theo đó cha mẹ nói ngôn ngữ khác nhau với con. Tuy nhiên, họ phát hiện ngay đây không phải là phong cách giao tiếp thích hợp với gia đình mình.

Diaz nói: “Tôi phát hiện rằng khi bắt đầu nói tiếng Anh với chồng, tôi lại quên nói tiếng Tây Ban Nha với con mình. Do đó, thay vì vậy, chúng tôi sử dụng phương pháp tình huống và ngữ cảnh trong phát triển song ngữ cho con”. Bà cũng giải thích gia đình mình đang sử dụng cả tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Anh. Hiện tại, con trai bà đang học mẫu giáo song ngữ và sử dụng ngôn ngữ một cách luân phiên.

Theo Diaz, học ngôn ngữ đòi hỏi người học linh động và thay đổi cách dùng dựa trên ngữ cảnh.

Đừng lo song ngữ làm cản trở quá trình học tập của con

Theo Grace Bernales, nhà nghiên cứu bệnh giao tiếp ngôn ngữ ở bang California, phụ huynh thường hỏi bà rằng liệu sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ hay nhiều hơn có dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói hay không.

Bernales cho rằng đây chính là một trong những định kiến sai lầm phổ biến nhất. Dạy trẻ học nhiều hơn một ngôn ngữ không gây chậm nói, bà khẳng định.

Ban đầu, trẻ thường có khuynh hướng dễ trộn lẫn các ngôn ngữ khi giao tiếp.

Theo Bernales, trẻ học cách trở thành song ngữ hay đa ngữ có thể dùng từ sai hay kết hợp câu sử dụng hai ngôn ngữ cùng lúc. Việc này xảy ra do các ngôn ngữ gây ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng điều đó không đáng lo.

Trong nhiều thế hệ trước đây, các gia đình nhập cư vào Mỹ thường được khuyên không nên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ở nhà vì sợ gây ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh của trẻ tại trường. Tuy nhiên, điều này không đúng. Trẻ chuyển kiến thức trong một ngôn ngữ qua một ngôn ngữ khác và có khả năng học được nhiều ngôn ngữ cùng lúc.

Silva Diaz nhấn mạnh trộn lẫn ngôn ngữ là hiện tượng tự nhiên trong quá trình học. Học ngôn ngữ không phải là một quy trình thêm ngôn ngữ thứ hai vào ngôn ngữ mẹ đẻ. Thay vào đó, đây là một quá trình hòa lẫn trong đó các ngôn ngữ gây ảnh hưởng và tương tác với nhau.

Cũng không cần phải sửa lỗi ngay khi con cái nói sai. Đây là quá trình tự nhiên khi học ngôn ngữ. Nếu đứa con nói: “I go-ed to the park” (Tôi đến công viên), phụ huynh không nhất thiết phải sửa thành “went”. Con cái bạn sẽ nghe cách dùng chữ “went” đúng khi bạn nói và trẻ sẽ tự giải quyết động từ bất quy tắc không cần sự can thiệp từ bên ngoài.

Tạo điều kiện để con em luyện nói

Diaz khuyên phụ huynh nên tạo cơ hội cho con cái tiếp xúc trực tiếp với nhiều ngôn ngữ trong các tình huống có ý nghĩa và có thật.

Đi du lịch là một cách tạo điều kiện như vậy cho trẻ. Diaz cho rằng tiếp xúc với ngôn ngữ trong bối cảnh có thật có thể giúp tăng cường đáng kể sự quan tâm của trẻ đến ngôn ngữ và giúp chúng hiểu ngôn ngữ tốt hơn.

Bên cạnh đó, Kotkov khuyên nên dùng phương pháp tiếp cận ngoại ngữ ít rủi ro: sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thân mật như khi đi tắm hoặc cài giờ trong 10 phút để nói ngôn ngữ đó. Dần dần, chúng ta có thể tăng thời gian lên nửa giờ. Học sinh tiểu học thường hứng thú với cấu trúc và thời gian của việc học ngôn ngữ theo cách này.

Diaz nhắc nhở các bậc phụ huynh cứ để trẻ song ngữ điều hướng việc sử dụng ngôn ngữ dựa theo môi trường ngôn ngữ và người mà chúng tương tác. Bắt các em trả lời bằng một ngôn ngữ nhất định sẽ làm gián đoạn quy trình học ngôn ngữ tự nhiên. Nói chung, chúng ta không nên buộc trẻ sử dụng một ngôn ngữ với một số người hoặc một số tình huống nhất định.

Khuyến khích trẻ xem truyền hình, phim và đọc sách bằng hai ngôn ngữ

Theo Diaz, xem chương trình truyền hình hay đọc sách mình thích bằng ngôn ngữ ít phổ biến (ngôn ngữ mẹ đẻ của phụ huynh) có thể khiến việc học ngoại ngữ trở nên thích thú và quan trọng hơn.

Sách cũng có thể được sử dụng theo cách thích hợp cho việc phát triển của đứa trẻ.

Bernales khuyên các bậc phụ huynh không nên đọc toàn bộ cuốn sách cho đứa trẻ nếu em đã không còn hứng thú ngay từ đầu. Thay vì thế, hãy làm cho cuốn sách sống động hơn bằng cách thêm tiếng động vào xe cộ và động vật. Cho trẻ tưởng tượng mình đang ăn một món ngon cũng như viết từ về đồ vật bằng cả hai ngôn ngữ.

Nếu trẻ có thể đọc và viết, đánh số thứ tự đồ vật xung quanh căn nhà thường làm các em cảm thấy đây là hoạt động vui nhộn.

Bà Kotkov cho biết: “Đứa con có thể thấy cha mẹ mình dùng ngôn ngữ ít phổ biến (ngôn ngữ mẹ đẻ của phụ huynh), trong khi em ấy dùng ngôn ngữ phổ biến (ngôn ngữ ở trường). Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể quan sát cách cha mẹ sử dụng ngôn ngữ”.

Cần nhớ học ngôn ngữ là một quá trình phải trải qua suốt cuộc đời.

Song ngữ tồn tại liên tục và mỗi cá nhân có thể thành thạo về ngôn ngữ một cách khác nhau, Diaz giải thích.

Theo lẽ tự nhiên, một ngôn ngữ sẽ trở nên chủ đạo tại một số thời điểm hoặc một số ngữ cảnh nhất định và sẽ có lúc con bạn hiểu được ngôn ngữ ít phổ biến (ngôn ngữ của cha mẹ) nhưng vẫn giao tiếp với cha mẹ bằng ngôn ngữ thông dụng (dùng tại trường học).

Bên cạnh việc thay đổi kế hoạch học ngôn ngữ nếu hướng đi chưa đúng, Kotkov khuyên phụ huynh không nên nản lòng khi mọi thứ diễn ra chưa như ý muốn.

—————-

(Nguồn tham khảo: Huffpost.com)

1 BÌNH LUẬN

  1. Sinh ngữ chứ không phải song ngữ. Bất kỳ ngôn ngữ, hoặc ngoại ngữ nào cũng vậy, phải gắn với cuộc đời thực. Sinh động và thực tiễn, là hai tiêu chí quan trọng nhất để học sinh có khả năng thực hành ngôn ngữ một cách lưu loát trong tương lai. Cách dạy dỗ ngoại ngữ lâu nay của ta như học vẹt, học tủ, học không hành… Bởi vậy, kết quả nhìn chung quá hạn chế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới