Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để nông dân không mãi làm ‘gốc tháp’

Dương Văn Ni

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hôm rồi có đứa học trò tặng cho một chậu bông giấy ngũ sắc. Thiệt không chê vào đâu được, bông nào cũng to, màu sắc thì rực rỡ, gồm: trắng-vàng-cam-đỏ-tím, đơm kín cả chậu.

Dĩ nhiên là mọi người trong nhà đều rất quý chậu bông, ai đi ra đi vô mà thấy đất hơi khô một chút là lập tức múc nước tưới, mỗi ngày đều xịt thuốc dưỡng bông dưỡng lá. Hễ thấy gió mạnh hay nắng gắt là lập tức dời vào chỗ có bóng râm, ít gió.

Hoa giấy ngũ sắc. Ảnh: N.K

Nhưng rồi hoa nào cũng phải tàn. Khi các bông rụng gần hết, cả nhà lui cui chuẩn bị cho nó một chỗ tốt nhứt trong sân, bảo đảm ít gió, đủ nắng và đủ nước. Vài tuần sau, những chồi non mập mạp phún ra từ gốc cây sần sùi. Mọi người chăm chú theo dõi hàng ngày, đoán xem bông sẽ có màu gì?

Mấy tuần sau đó, bông nở, nhưng ai cũng chưng hửng là bông rất nhỏ và có màu rất xỉn, không giống chút nào với năm loại bông có lúc mới mang về nhà. Hóa ra, đây mới chính là bông của cây mà người ta đã tháp lên đó những giống bông khác, gọi là gốc tháp.

Kể ra câu chuyện nầy, để liên tưởng đến tình cảnh người nông dân ở ĐBSCL hiện nay. Ngoài việc làm ra của cải vật chất để nuôi sống toàn xã hội, thì người ta còn muốn “tháp” lên họ những thứ thời thượng, như công nghệ 4.0, logistics...

Nếu người nông dân có đủ những thứ này, chắc chắn họ sẽ “đẹp lung linh”. Nhưng ai cũng biết là những thứ này không thuộc về nông dân, không phải của nông dân, nó là những “cành tháp” trên cái gốc nông dân. Nếu muốn nó sống tốt và phát huy hiệu quả, thì phải dày công chăm chút mỗi ngày.

Với những gì đang có hiện nay, thì rõ ràng là chúng ta đang thiếu trầm trọng một hệ thống hỗ trợ người nông dân. Thời gian qua, nhiều chương trình dạy nghề, cho vay vốn, đầu tư thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm... cũng đã được triển khai thực hiện, nhằm mục tiêu làm cho nông dân khá giả hơn.

Nhưng những hoạt động này vẫn mang dáng dấp của các chương trình hay dự án, tức là nó có thời gian, có “hệ thống hỗ trợ” tạm thời. Vì vậy, trong thời gian thực hiện chương trình hay dự án, thì mọi tiêu chí để đánh giá đều tốt đẹp và tỏ ra có hiệu quả cao. Nhưng khi chương trình hay dự án kết thúc, thì mọi chuyện đâu lại vào đó, chẳng khác gì “chọi đá xuống ao bèo”.

Chúng ta ai cũng biết nông nghiệp hiện nay là trụ đỡ của nền kinh tế, mà chủ thể của nền nông nghiệp là người nông dân. Nếu người nông dân có nhiều tri thức hơn, khá giả hơn, tự chủ hơn, thì toàn xã hội sẽ được an toàn hơn.

Nhưng thay vì chọn cách “ghép cành” để có một chậu bông hoàn hảo, thì nên tập trung vào việc gầy ra giống tốt. Tức là nên tạo mọi điều kiện để con cái nông dân được học hành đàng hoàng, chương trình đào tạo cần “hướng nông” nhiều hơn, nhưng quan trọng nhứt là phải xây dựng các hệ thống hỗ trợ hiệu quả và liên tục.

Con cái họ có thể là thế hệ nông dân tương lai, chúng sẽ có đủ khả năng “tự cung cấp dinh dưỡng” và ra bông kết trái đẹp đẽ mà không cần “tháp” bất kỳ cái gì vào họ. Được như vậy thì nền nông nghiệp nước nhà mới mong phát triển bền vững. Nếu không, thì toàn xã hội phải tốn công chăm chút suốt đời, bởi vì nông dân chỉ làm được mỗi vai trò là “gốc tháp”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới