Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất miễn học phí THCS, nhưng còn đó nỗi lo lạm thu

Đông Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Đây thực sự là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em trong độ tuổi đi học và vào thời điểm được cho là thích hợp khi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi sau đại dịch, tình hình giá cả leo thang… Tuy nhiên, sau niềm vui với các phụ huynh, vẫn còn nguyên đó nỗi lo lạm thu trước thềm năm học mới.

Vừa trải qua kỳ thi học kỳ căng thẳng, học sinh và nhà trường lại đối diện nỗi lo muôn thuở, lạm thu đầu năm học mới. Ảnh ĐH

Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, cả nước có 55 triệu học sinh, ngân sách cấp bù miễn học phí bình quân là 2 triệu đồng/năm học, chi 11.199,8 tỉ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỉ đồng trong giai đoạn 3, 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP)(1).

Niềm vui với phụ huynh học sinh

Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Tuy nhiên dự thảo đã vấp phải lo ngại làm tăng chi ngân sách nhà nước.

Từ đó đến nay, nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã mạnh dạn thí điểm và đạt hiệu ứng tích cực.

Vì thế, nếu đề xuất này được triển khai và cần thiết lùi lộ trình tăng học phí các cấp, đây thực sự là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em trong độ tuổi đi học.

Việc miễn giảm tuy không lớn, nhưng sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt trong thời điểm kinh tế chưa thực sự phục hồi sau đại dịch và tình hình giá cả leo thang.

Tuy nhiên, bao năm qua với các cấp học như tiểu học, THCS, mặc nhiên 40% học phí sẽ dành tạo nguồn cải cách tiền lương cho giáo viên. Trường được dùng 60% còn lại cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, các hoạt động dạy học chuyên đề, phụ đạo, trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương…(2)

Điều này đã chỉ ra vấn đề đáng quan tâm. Việc nâng cao chất lượng dạy và học có phải vẫn đang trông chờ hoàn toàn vào học phí?

Và đề xuất miễn giảm học phí có thể dẫn đến một mối lo tiềm tàng hơn, tăng các khoản “phụ thu” khác để đảm bảo vận hành nhà trường?

Nỗi lo các khoản “phụ thu”

Ngay từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm kiểm soát chặt các khoản thu trái quy định.

Tuy vậy, đến nay, dù học phí vẫn thu đủ, các khoản “phụ thu” vẫn khó kiểm soát, dù khoản 40% học phí dành cho việc cải thiện thu nhập của giáo viên giờ đã chuyển sang chi từ ngân sách.

Trong khi đó, nếu ngân sách chậm giải ngân, đời sống giáo viên sẽ khá nan giải, và lại… phụ thuộc không nhỏ vào các khoản “phụ thu”.

Cô P.T.L, giáo viên một trường THCS tại quận Gò Vấp, TPHCM, nói: “Là giáo viên chủ nhiệm gần 10 năm qua, tôi thực sự khó xử với các phụ huynh về các khoản thu đầu năm học mới”.

Thực tế, các khoản mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy học đều nằm trong hạng mục “cơ sở vật chất” nhà trường, một trong những khoản bị cấm thu thêm. Nhưng kinh phí thành phố bổ sung về trường, phải dồn cho sửa chữa bàn ghế, mua sắm trang thiết bị một số lớp khác, năm sau hoặc năm sau nữa mới đến lượt lớp cô L. phụ trách.

“Trong khi các con đang độ tuổi hiếu động, bàn ghế hư hỏng, không đúng quy chuẩn, nếu không vận động phụ huynh đóng góp sửa chữa ngay, có thể gây hại sức khỏe các con. Rồi điều hòa hỏng, rèm che nắng, nước uống, điện sử dụng cho quạt, điều hòa… trăm thứ đều chuyển cho phụ huynh. Họp phụ huynh đầu năm, được đồng thuận trên 50% đã là thành công”, cô L. cho biết.

TS Quách Thu Quế, chuyên gia tâm lý giáo dục, nói rằng bà sợ họp phụ huynh đầu năm khi nhà trường vận động ban đại diện cha mẹ học sinh, rồi ban này thuyết phục các phụ huynh tham gia đóng góp trồng thêm cây xanh, mua ghế ngồi sân trường, mua thêm ti-vi màn hình lớn, sửa máy chiếu hỏng, quần áo đồng phục, tiền photocopy tài liệu, học thêm vi tính, học thêm tiếng Anh, tiền 20-11, lễ Tết v.v…

Bằng cách này hay cách khác, dù công khai và tùy tâm phụ huynh, nhưng chốt lại, không ưng vẫn phải đóng góp vì sợ con mình bị kỳ thị.

Ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn Online, dù các nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản tiền ngoài danh sách Sở GD-ĐT công bố, song nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn có những lý do này nọ để đề nghị “đóng góp”, dẫn đến vẫn xảy ra tình trạng lạm thu.

Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM

Cần cơ chế giám sát minh bạch hơn

TS Quách Thu Quế cho rằng nhà trường và phụ huynh cần tìm ra cơ chế đóng góp phù hợp, dân chủ, minh bạch nhằm tăng thu nhập cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục mà vẫn đảm bảo xây dựng cơ sở vật chất.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện ngành giáo dục đang ngày càng có nhiều cải cách để bắt kịp xu hướng hiện đại, các trường trang bị trang thiết bị dạy học nhiều hơn để phục vụ các em nên cần phụ huynh đóng góp(3).

Tuy nhiên, ngoài các khoản thu bắt buộc, những khoản thu khác cần có sự đồng thuận của tất cả phụ huynh chứ không phải chỉ do nhà trường quyết rồi “ấn” xuống các lớp, yêu cầu giáo viên phụ trách lớp phải chịu trách nhiệm thu đủ.

Bên cạnh đó, các khoản thu cần phải có sự tính toán có giãn cách và thu thành nhiều đợt tránh thu một lần ngay đầu năm học, tạo gánh nặng chi phí lên vai phụ huynh.

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, cho rằng, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các trường có thể khó khăn hơn nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng(4).

Theo ông, để ngăn chặn lạm thu, toàn xã hội phải cùng tham gia, nhất là các bậc phụ huynh phải giám sát thu, chi, khi phát hiện ra các khoản bất hợp lý cần dũng cảm lên tiếng, báo ngay cho cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng như các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bổ sung các quy định về mức thu, kể cả các khoản tự nguyện để hạn chế tối đa tình trạng lạm thu mỗi đầu năm học mới.

Tốt nhất, đã miễn học phí cho tiểu học, THCS thì tiến tới bỏ luôn các loại “phụ phí”.

——–

Tài liệu tham khảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới