Đi theo xu hướng thẻ thông minh
Minh Anh
(TBVTSG) - Trong khi Nhật Bản lên kế hoạch cho việc thử nghiệm hệ thống thanh toán bằng... vân tay trong năm nay thì ở Việt Nam, thẻ thanh toán thông minh với công nghệ giao tiếp không cần tiếp xúc đang trở thành một xu hướng mới.
Việc thử nghiệm hệ thống thanh toán dịch vụ bằng vân tay là một trong những biện pháp chuẩn bị cho tình trạng gia tăng đột biến lượng khách du lịch đến Nhật Bản vào năm 2020 nhân dịp Tokyo Olympics và Paralympic Games.
Theo sau những làn sóng công nghệ mới
Ở một đất nước có nền công nghệ phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản, thẻ thanh toán thông minh đã trở nên phổ biến. Và khi đó, giải pháp công nghệ vân tay sẽ giúp giảm bớt sự bất tiện cho người tiêu dùng trong việc thanh toán bằng tiền mặt hay bằng thẻ, ngoài ra các cơ quan chức năng còn có thể kiểm soát tội phạm tốt hơn. Để sử dụng dịch vụ này, khách du lịch sẽ được yêu cầu đăng ký dấu vân tay tại các địa điểm chỉ định và cần liên kết dấu vân tay với thông tin thẻ tín dụng. Sau đó, khách chỉ việc mua sắm và chi trả bằng cách đưa vân tay của mình ra máy quét. Nhật Bản hy vọng sẽ mở rộng mạng lưới thanh toán này vào năm 2020, đồng thời các tổ chức, đơn vị triển khai dự án cam kết sẽ bảo mật dữ liệu cho khách hàng.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thẻ thông minh với việc giao tiếp không cần tiếp xúc mới bắt đầu được ứng dụng trong việc thanh toán dịch vụ và mua vé, cụ thể là trong hệ thống phát hành vé vận tải công cộng.
Theo các chuyên gia công nghệ, hiện có bốn công nghệ thẻ thông minh được áp dụng phổ biến trên thế giới và đã du nhập vào Việt Nam, đó là NFC, RFID, FeliCa và Mifare. Trong số đó, NFC được nhắc đến nhiều hơn cả trong thời gian gần đây, nhất là khi công nghệ này song hành với các cuộc cho ra mắt các dòng điện thoại thông minh mới, còn công nghệ Mifare đến từ châu Âu thì gặp khá nhiều vấn đề về bảo mật trong thời gian dài dẫn đến việc tính khả thi trong việc ứng dụng là không cao. Công nghệ thẻ thông minh được Nhật Bản sử dụng gọi là FeliCa, một công nghệ riêng nhưng được phát triển trên nền của NFC.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), và Tập đoàn Sony đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa thẻ thông minh dựa trên nền tảng NFC FeliCa ở Việt Nam. Các dịch vụ ứng dụng chiếc thẻ này khá đa dạng, bao gồm tiền điện tử (Mobile E-money), thẻ định danh (Identification), quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và vé điện tử (E-ticketing). Cả Sony và Viettel cũng sẽ cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và khuyến khích việc áp dụng nền tảng này vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Viettel Telecom, bên cạnh các tính năng cơ bản như nghe và gọi điện thoại, nhắn tin hay truy cập Internet, khách hàng của Viettel đã có thể sử dụng thiết bị di động để chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản ngân hàng với dịch vụ BankPlus. Đây chỉ là một ví dụ trong hàng loạt tiện ích mà Viettel đang và sẽ cung cấp nhằm đơn giản hóa cuộc sống số của khách hàng. Và như vậy, việc đạt mục tiêu này của Viettel sẽ được tiếp sức khi hợp tác với Sony.
Ông Dũng cũng đánh giá công nghệ giao tiếp không tiếp xúc NFC FeliCa là giải pháp mới mẻ và đầy tiềm năng cho lĩnh vực thanh toán điện tử trong nước.
Nói một cách dễ hiểu: khi bạn sở hữu một chiếc điện thoại có tích hợp NFC sử dụng tài khoản BankPlus của Viettel (có liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam), bạn có thể sử dụng chiếc điện thoại ấy để mua vé tàu điện trong tương lai, hoặc để trả phí một cách nhanh chóng khi đi qua các trạm thu phí trên đường cao tốc…
Còn ông Kazuyuki Sakamoto, Giám đốc cấp cao của Sony FeliCa, cho biết hãng sẽ tận dụng kinh nghiệm từ hai thị trường Nhật Bản và Hồng Kông – những nơi mà rất nhiều dịch vụ từ giao thông vận tải đến thanh toán điện tử đã áp dụng thành công công nghệ FeliCa này.
Tương lai của thẻ thông minh
Theo kế hoạch, Viettel và Sony sẽ triển khai thử nghiệm giải pháp thẻ thông minh NFC FeliCa với các chức năng cơ bản gồm thanh toán và điểm danh, tích hợp với phần mềm quản lý trường học SMAS để đánh giá tính khả thi của giải pháp. Địa điểm thử nghiệm là hai trường học Nhân Việt và Nam Việt ở TPHCM.
Bên cạnh đó, Sony cũng lên kế hoạch áp dụng công nghệ thanh toán FeliCa vào hệ thống xe buýt ở Hà Nội sau khi triển khai ở Indonesia. Theo số liệu do các công ty công nghệ cung cấp, trên thế giới có khoảng 890 triệu chip FeliCa đang được sử dụng.
FeliCa còn được biết đến với dịch vụ thanh toán đa năng Octopus được sử dụng trong việc thanh toán phí giao thông công cộng, chi phí dịch vụ mua sắm, ăn uống tại Hồng Kông. Đặc biệt, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công công nghệ NFC vào việc thanh toán ở quy mô lớn với dịch vụ FeliCa Network của nhà mạng NTT Docomo.
Theo các chuyên gia công nghệ, thẻ FeliCa của Sony có khả năng xử lý giao dịch trong khoảng thời gian rất ngắn (khoảng một giây). Bên cạnh đó, tính bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin là những yếu tố quan trọng giúp FeliCa được đánh giá cao. RC-SA00 – thế hệ chip FeliCa mới nhất được phát triển bởi Sony – là chip không tiếp xúc đầu tiên trên thế giới với phần mềm nhúng đạt sự chứng nhận EAL6+, tiêu chuẩn quốc tế cao nhất cho các tiêu chí đánh giá an ninh thông tin trong lĩnh vực dân dụng.
Ở Việt Nam, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng được xem là một trong những mối thách thức lớn nhất đối với chiếc thẻ thông minh. Theo các chuyên gia công nghệ, để có thể thuyết phục người tiêu dùng sử dụng thẻ thông minh thì các đơn vị cung cấp dịch vụ, từ ngân hàng cho đến doanh nghiệp, ngoài việc đầu tư cho công nghệ cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để tạo nên hiệu quả và sự tiện lợi cho người sử dụng thẻ. Bên cạnh đó là việc đa dạng hóa phương thức truyền thông về tính tiện ích của thẻ thông minh. Mô hình thẻ thông minh đã trở thành một phương thức thanh toán không thể thiếu trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ tham gia vào xu hướng chung này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ly, người đồng sáng lập công ty dịch vụ thanh toán Paytek, cho rằng xu thế trả trước đang phát triển tại các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam với việc phát hành thẻ riêng của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, việc sử dụng thẻ trả trước mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng trong việc thanh toán, tương tự như việc thanh toán bằng tiền mặt khi họ không phải chịu sự phụ thuộc vào một tài khoản ngân hàng nào. Điều này đã tạo thành mô hình thanh toán mới với nét đặc trưng là nhanh, nhỏ lẻ và trả trước.
Hiện tại Payteck đã triển khai thành công thẻ định danh sử dụng công nghệ NFC dành cho trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão ở TPHCM. Ngoài chức năng định danh, chiếc thẻ thông minh này còn là một ví điện tử, trong đó cho phép học sinh thanh toán các khoản chi phí từ in ấn cho đến ăn uống trong căng-tin. Đây là một hình thức thẻ thanh toán trả trước vốn được ứng dụng khá nhiều tại các cửa hàng ăn uống hay cửa hàng tiện lợi.
Trên thực tế, Việt Nam hiện chưa có nhiều phần mềm ứng dụng hay dịch vụ thanh toán di động. Tuy nhiên, với những dự án tiên phong kể trên, và sắp tới là hệ thống bán vé tàu điện ngầm, xe buýt ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, thì lượng người sử dụng sẽ tăng lên dần theo thời gian. Sau khi các cuộc thử nghiệm hệ thống thẻ định danh trong các trường học thành công, các nhà cung cấp dịch vụ đang kỳ vọng vào việc ứng dụng rộng rãi thẻ thông minh trong các lĩnh vực y tế và tài chính, bởi đây là những lĩnh vực có yêu cầu cao về tính xác thực, định danh và tính bảo mật dữ liệu cho mỗi khách hàng.
Các công nghệ NFC, RFID
NFC (Near-Field Communications) là công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4cm, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện việc kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. NFC hoạt động ở dải băng tần 13,56MHz và tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 424Kb/giây. Do khoảng cách truyền dữ liệu khá ngắn nên giao dịch qua công nghệ NFC được xem là an toàn. Một giao dịch diễn ra trên nền tảng công nghệ NFC tuần tự theo các bước: nhận diện (Discovery), xác thực (Authentication), trao đổi (Negotiation), truyền dữ liệu (Transfer) và xác nhận từ phía nhận dữ liệu (Acknowledgment).
Trong một số tác vụ cần truyền tải những gói dữ liệu lớn, NFC kích hoạt các thiết bị kết nối khác như Bluetooth hay Wi-Fi để giúp việc trao đổi dữ liệu diễn ra nhanh hơn.
Thiết bị được trang bị NFC thường là điện thoại di động, có thể giao tiếp với các thẻ thông minh, đầu đọc thẻ hoặc thiết bị NFC tương thích khác. Ngoài ra, NFC còn được kết hợp nhiều công nghệ sử dụng trong các hệ thống công cộng như bán vé, thanh toán hóa đơn…
RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu-phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Đây là một phương pháp nhận dạng tự động dựa trên việc lưu trữ dữ liệu từ xa, sử dụng thiết bị thẻ RFID và một đầu đọc RFID.
RFID đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực bán lẻ khi được kỳ vọng thay thế hoàn toàn mã vạch hay ứng dụng trong y tế với khả năng giám sát nhằm chăm sóc người già hoặc trẻ sơ sinh… Ngoài ra công nghệ này được sử dụng nhiều trong hệ thống an ninh, ngành công nghiệp vận chuyển, tuy phần lớn các ứng dụng thường không thỏa mãn được kỳ vọng và chịu lép vế trước nhiều cuộc cách mạng công nghệ khác như mạng xã hội hay streaming…
Hiện tại RFID dường như đã bước vào kỷ nguyên thứ 2 của mình khi trở thành một phần thiết yếu của xu hướng Internet cho mọi thứ (IoT) và tạo ra cuộc cách mạng trong môi trường tương tác hiện nay.
(wikipedia.org)