(KTSG) - Chiếc điện thoại thông minh bây giờ rất giống món bảo bối thần kỳ của Doraemon, có thể đáp ứng đa dạng các nhu cầu của con người từ mục đích nghe gọi, học tập, làm việc và giải trí. Điện thoại thông minh là một công cụ tiện ích nhưng cũng là con dao hai lưỡi vừa giúp con người tiết kiệm thời gian vừa “cuỗm” mất của họ rất nhiều thời gian.
- Nông dân có thể dùng điện thoại để tính toán phát thải khí nhà kính từ cây lúa
- Ngưng hòa mạng cho điện thoại 2G không có giấy chứng nhận hợp quy
Có một điều tự nhiên là con người rất dễ bị tác động bởi thế giới bên ngoài và thường “thiên vị” cho điều chúng ta muốn hơn là những điều đúng đắn phải làm. Như việc chúng ta thường thích ăn vặt dù biết nó không tốt cho sức khỏe, thường trì hoãn làm bài tập cho đến khi hạn chót sắp đến. Tương tự, chúng ta dùng điện thoại thông minh nhiều vì sử dụng dễ dàng trong xử lý công việc cũng như để giải trí mà vô tình bỏ qua một phần thi vị tạo nên cuộc sống.
Kể từ khi Graham Bell phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên năm 1876 đến nay, nó đã không ngừng được nâng cấp phát triển để bắt kịp xu thế của thời đại. Ngày nay, các nội dung giải trí trên điện thoại vô cùng đa dạng và hấp dẫn, các trang mạng xã hội hay nền tảng giải trí đều áp dụng thuật toán để giúp nâng cao độ phù hợp của các nội dung số theo nhu cầu cụ thể của mỗi người. Chúng ta không còn phải đích thân tìm kiếm một bộ phim phù hợp hay suy nghĩ mình nên giải trí bằng cách nào, các gợi ý của thuật toán còn “đi nhanh” hơn những gì chúng ta nghĩ. Các nội dung thú vị và gây tò mò được bày ra trước mắt khiến chúng ta không thể chối từ và rơi vào vòng xoáy bất tận của việc xem điện thoại hàng giờ liền để rồi tiêu tốn thời gian của bản thân một cách không chủ đích.
Không có gì lạ khi mỗi lần cầm điện thoại lên, chúng ta không chỉ thực hiện một hành động mà mình định làm, bất tri bất giác chúng ta sẽ “lướt” một chút từ Facebook qua Instagram rồi đến TikTok. Hành động vô thức này cứ lặp đi lặp lại qua từng ngày khiến thời gian sử dụng điện thoại của chúng ta nhiều đến bất ngờ và chúng ta chẳng còn mấy thời gian để làm những việc khác.
Chuyện “say mê” chiếc điện thoại khiến tôi nhớ đến “Trường ca Odyssey” trong thần thoại Hy Lạp có một phân đoạn kể về việc tàu của Odysseus đi lệch khỏi lộ trình và lạc đến vùng đất của “những kẻ ăn sen” (lotus eaters) - nơi mà cư dân đảo luôn trong trạng thái mộng mị, quên mất thực tại do say quả của cây sen. Khi tàu cập bến, những thủy thủ trong đoàn cũng được mời ăn sen, họ dần đắm chìm vào thế giới trên đảo, quên luôn việc phải trở về nhà và Odysseus đã phải kéo họ về lại thuyền.
Điểm tương đồng giữa điện thoại và loại quả lạ trên đảo hoang chính là việc nó khiến người ta cảm nhận được sự vui thú và quên đi thực tại cuộc sống. Nếu như các thủy thủ có thể vui vẻ khi ăn quả cây sen, quên đi nỗi lo lênh đênh trên biển thì điện thoại giúp chúng ta được thoát ly khỏi thực tại và bước vào “cuộc sống online”. Thế nhưng, bài học từ câu chuyện thần thoại này đã rõ, nếu như Odysseus không kéo các thủy thủ về tàu và buộc rời đi thì họ mãi mãi mắc kẹt tại đảo hoang, bỏ lại gia đình ở quê nhà, quên mất mục tiêu ban đầu của bản thân.
Tương tự, nếu mắc kẹt quá lâu ở thế giới online của điện thoại, chúng ta sẽ quen với việc được các thuật toán vỗ về bằng những nội dung giải trí, trở nên ngày càng xa rời khỏi ước mơ và mục đích của bản thân. Thử nghĩ mà xem, trung bình nếu mỗi ngày chúng ta xem điện thoại bốn giờ đồng hồ, thì chúng ta đã dành ra 1.460 giờ, tương đương 60 ngày - 2 tháng trong một năm, chỉ để xem điện thoại.
Sự đồ sộ của các nội dung giải trí trên điện thoại khiến cho quá trình “detox” dopamine các làn sóng nội dung trên điện thoại trở nên khó khăn hơn. Do đó, chúng ta phải tự đặt ra giới hạn cho việc sử dụng điện thoại của bản thân, luôn đặt ý thức về thời gian sử dụng điện thoại hợp lý để không bị cuốn theo. Điện thoại thông minh quả thực là một đồng đội trong nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng cũng có những cạm bẫy đáng gờm nếu chúng ta không có một ý thức sử dụng rõ ràng.