Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đô la tăng giá gây rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đô la tăng giá gây rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp châu Á

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Đà tăng giá của đồng đô la Mỹ đang kéo theo sự sụt giá của hàng loạt tiền tệ ở các thị trường mới nổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây cú sốc nhu cầu lớn trong nhiều ngành kinh doanh.

Tình hình này đang làm gia tăng rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp châu Á, đặc biệt ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, và có nguy cơ châm ngòi một cuộc khủng hoảng tín dụng trên diện rộng.

Đô la tăng giá gây rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp châu Á
Lợi suất trái phiếu đô la đáo hạn vào năm 2021 của Vedanta Resources, công ty khai khoáng lớn nhất Ấn Độ, tăng vọt lên mức hơn 30% sau khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's hạ bậc tín nhiệm nợ của công ty này hồi đầu tháng 3. Ảnh: Financial Express

Thị trường tín dụng đô la thắt chặt

Đồng bạc xanh mạnh lên trong những tuần gần đây do giới đầu tư và các doanh nghiệp đổ xô mua vào loại tiền tệ thanh khoản nhất thế giới này giữa lúc các thị trường tài chính khắp thế giới suy sụp trước tác động khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19. Cùng lúc đó, tiền tệ ở các thị trường mới nổi tại châu Á suy yếu, làm gia tăng rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp được định danh bằng đồng đô la ở khu vực này.

Theo dữ liệu từ Công ty phân tích thị trường tài chính Dealogic, khoảng 115 tỉ đô la trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi tại châu Á sẽ đáo hạn trong năm nay và thêm hơn 200 tỉ đô la trái phiếu nợ khác của họ sẽ đáo hạn vào năm sau.

Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số đồng đô la DXY tăng hơn 3% dù đã giảm mạnh trong tuần trước. Chỉ số DXY dùng để đo lường giá trị đồng đô la so với rổ tiền tệ gồm 6 đồng tiền khác là yen, euro, bảng Anh, đô la Canada, đồng krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ. Chỉ số này từng tăng vọt lên mức hơn 102 điểm vào ngày 19-3, tức tăng đến 15% trong vòng 15 ngày khi giới đầu tư cuống cuồng mua vào đồng bạc xanh để nương náu tài sản khi các thị trường cổ phiếu trên toàn cầu lao dốc thảm hại.

Giới phân tích nhận định sự mạnh lên của đồng đô la có thể gây khó khăn hơn cho hoạt động tái cấp tài chính (vay nợ mới để trả nợ cũ) của các doanh nghiệp ở châu Á và một số doanh nghiệp phải tìm cách thương lượng tái cấu trúc các khoản nợ của họ với các các trái chủ.

Nếu dịch bệnh Covid-19 không được khống chế sớm và thanh khoản đồng đô la tiếp tục bị thắt chặt do nhu cầu đồng bạc xanh tăng mạnh, giới phân tích dự báo các giao dịch vay nợ từ thị trường trái phiếu đô la sẽ chịu tổn thương lớn.

Jim Veneau, Giám đốc bộ phận thu nhập cố định ở châu Á của Công ty AXA Investment Managers, nói: “Vào cơn đỉnh điểm của làn sóng bán tháo trên các thị trường tài chính trong năm 2018, có 150 loại trái phiếu trong Chỉ số Tín dụng châu Á, do ngân hàng J.P. Morgan thiếp lập và theo dõi, có mức lợi suất tăng lên mức hơn 10%. Hiện nay, có đến 301 trái phiếu trong chỉ số này có lợi suất trên 10%”.

Veneau cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp châu Á đang định giá dựa trên rủi ro tái cấp vốn (không vay được nợ mới để trả nợ cũ) và rủi ro vỡ nợ và tăng cao trong tình hình hiện nay.

Các ngân hàng toàn cầu, nguồn cung cấp thanh khoản đô la chủ yếu, cũng đang củng cố vị thế nắm giữa tiền mặt đô la khi các bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) nội bộ của họ cho thấy sự suy yếu của danh mục tài sản ở thị trường châu Á mới nổi.

Cú sốc kinh tế và cơn biến động thị trường do các lệnh phong tỏa đi lại của nhiều nước trên thế giới nhằm kìm hãm đà lây lan của Covid-19 khiến giới doanh nghiệp giữ chặt đồng đô la, trong khi đó, giới đầu tư cũng ồ ạt bán tài sản ở các thị trường mới nổi và hoán đổi nguồn tiền thu về sang đồng đô la. Điều này khiến các thị trường tín dụng đô la càng thắt chặt.

Các điều kiện tín dụng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ gay go hơn vào nửa cuối năm 2020. Và cú sốc nhu cầu do các lệnh phong tỏa quốc gia sẽ khiến thị trường tín dụng ở khu vực này trở nên khó khăn chẳng kém cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, theo nhận định của hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global Ratings trong một bản báo cáo công bố hồi đầu tuần trước. Bản báo cáo nhấn mạnh: “Những doanh nghiệp vay đô la và phát hành trái phiếu đô la có hồ sơ tín dụng yếu sẽ nhận thấy các điều kiện vay ngày các khó khăn hơn”.

Nhiều ngành công nghiệp bao gồm ô tô, vật liệu xây dựng, khai khoáng, bán lẻ, hạ tầng vận tải… đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian gần đây, có đến 47 nhà phát hành trái phiếu ở châu Á bị hạ bậc tín dụng, hoặc bị đưa vào danh sách giám sát tín dụng tiêu cực hoặc bị hạ bậc triển vọng tín dụng.

Áp lực lớn cho doanh nghiệp vay nợ bằng đồng đô la

Dư nợ trái phiếu đô la của các nước châu Á đang ở mức 1.400 tỉ đô la, trong đó, hơn một nửa là từ Trung Quốc, theo dữ liệu của Dealogic. Lợi suất trái phiếu quốc tế của hai tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, Sunac China Holdings và China Evergrande Group, đang ở mức lần lượt 15% và hơn 20% do các nhà đầu tư quốc tế và các quỹ phòng hộ bán mạnh trái phiếu của họ. Điều này làm gia tăng chi phí vay nợ và tái cấp vốn của họ.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang nợ hơn 600 tỉ đô la trái phiếu được định dang bằng nhân dân tệ và các loại ngoại tệ. Giới phân tích dự báo một số công ty bất động sản Trung Quốc sẽ vỡ nợ trái phiếu và một số khác sẽ bị tái cấu trúc.

Theo dữ liệu của Bloomberg, trong hai tháng đầu năm nay, có khoảng 105 công ty bất động sản của Trung Quốc thông báo nộp đơn xin phá sản do cạn kiệt dòng tiền trong bối cảnh doanh thu suy giảm do tác động của dịch Covid-19.

Cũng trong hai tháng đầu năm, doanh thu bất động sản và số dự án bất động sản khởi công mới ở Trung Quốc suy giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp ở Indonesia và Ấn Độ cũng là tâm điểm chú ý trong cơn tăng giá của đồng bạc xanh khi đồng nội tệ của hai nước này chịu sức ép lớn. Giá đồng rupee của Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục so với đồng đô la vào tuần trước, trong khi đó, giá đồng rupiah của Indonesia trượt xuống mức thấp nhất kể từ 1998.

Lợi suất trái phiếu đô la đáo hạn vào năm 2021 của Vedanta Resources, công ty khai khoáng lớn nhất Ấn Độ, đã tăng vọt lên mức hơn 30% sau khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's hạ bậc tín nhiệm nợ của công ty này từ mức Ba3 xuống mức B1 hồi đầu tháng 3.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng trái phiếu của các doanh nghiệp Ấn Độ, khiến lợi suất trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng AAA của Tập đoàn Reliance Industries và Ngân hàng nhà nước Ấn Độ tăng đến 150 điểm cơ bản (1,5 điểm phần trăm) trong thời gian gần đây. Lợi suất trái phiếu biến động nghịch chiều với giá trái phiếu.

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp cũng hiển hiện rõ ở Indonesia, nơi nhiều công ty dựa vào nguồn doanh thu được tính bằng đồng rupiah để vay mượn đồng đô la nhằm tận dụng chi phí vay thấp. Nhưng các công ty này đang gặp áp lực lớn khi giá đồng rupiah chìm xuống đáy thấp nhất kể từ năm 1998. Gần 1/3 doanh nghiệp Indonesia (không tính các doanh nghiệp nhà nước) đang bị xếp hạng triển vọng tín dụng ở mức tiêu cực, có nghĩa là hồ sơ tín dụng của họ có thể xấu đi xảy ra trong 12 tháng tới.

Theo Ngân hàng Natixis (Pháp), tổng nợ đô la của các doanh nghiệp phi ngân hàng ở Indonesia đang ở mức hơn 60% GDP của nước này. Để củng cố đồng nội tệ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã can thiệp bằng cách bơm thanh khoản vào thị trường, trong khi đó, chính phủ Indonesia giới thiệu một chính sách cho phép ngân hàng trung ương của nước này can thiệp vào thị trường hối đoái giao ngay lẫn phái sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới