Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp 3G đòi rút tiền cọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp 3G đòi rút tiền cọc

Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Theo đánh giá của Bộ Thông tin Truyền thông, việc triển khai 3G (công nghệ viễn thông thế hệ 3) của các doanh nghiệp trong hơn một năm qua có thể coi là thành công và có thể về đích trước thời hạn. Vào lúc này, các doanh nghiệp triển khai 3G lại đang than khó về vốn và xin Bộ cho rút hơn 4.000 tỉ đồng tiền đặt cọc.

Có bốn giấy phép triển khai dịch vụ 3G đã được Bộ Thông tin Truyền thông cấp cho Viettel, VinaPhone, MobiFone và, liên danh giữa Hanoi Telecom và EVN Telecom) với tổng mức cam kết đầu tư trong ba năm là 42.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, trong nội dung thi tuyển, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đặt một khoản tiền cọc để trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện lộ trình đầu tư, đảm bảo chất lượng như cam kết sẽ bị phạt tương đương 3% tiền đặt cọc.

Tổng số tiền mà 4 doanh nghiệp nói trên đã đặt cọc là 8.100 tỷ đồng, trong đó Viettel đặt cọc 4.500 tỉ, MobiFone và VinaPhone 3.000 tỉ, liên danh Hanoi Telecom – EVN Telecom 600 tỉ đồng. Số tiền này được gửi tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và doanh nghiệp được hưởng lãi suất như tiền gửi ngân hàng.

Sau khi các doanh nghiệp khai trương mạng 3G như cam kết, Bộ đã kiểm tra và cho phép các mạng rút 50% tiền đặt cọc, số còn lại là hơn 4.000 tỉ đồng. Bây giờ, cả 4 doanh nghiệp nói trên đều gặp khó khăn về vốn do Chính phủ thực hiện thắt chặt tín dụng nên đã đề nghị Bộ cho phép được rút phần tiền đặt cọc còn lại.

Ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc VinaPhone, cho rằng mạng này đã hoàn thành cam kết triển khai 3G trước một năm (thời gian cam kết là 3 năm), do đó doanh nghiệp này mong Bộ cho rút số tiền đặt cọc còn lại.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó giám đốc MobiFone cho biết, theo dự kiến thì đến hết năm nay mạng di động này sẽ hoàn thành đầu tư 3G, trước thời hạn một năm nên Mobifone cũng đề nghị Bộ cho rút tiền đặt cọc trước thời hạn.

Bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom cho rằng nếu doanh nghiệp đã thực hiện được 70-80% lộ trình đầu tư mà Bộ không cho rút toàn bộ tiền đặt cọc thì cũng nên cho rút bớt một phần. Bà Châu cho rằng việc Bộ không cho rút nốt tiền đặt cọc là thiệt thòi cho doanh nghiệp khi tiền vốn thì phải đặt cọc hưởng lãi ngân hàng nhưng doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao hơn để đầu tư kinh doanh.

Ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, yêu cầu cho rút tiền đặt cọc của doanh nghiệp là chính đáng, song ông Công nhấn mạnh sở dĩ Bộ phải yêu cầu doanh nghiệp đặt cọc và sau 3 năm mới được rút toàn bộ là nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Hiện có thể tiến độ đầu tư và chất lượng của các mạng đang ổn nhưng sau 3 năm khi lượng khách thuê bao 3G của các mạng tăng thì năng lực mạng lưới của các mạng có bảo đảm được chất lượng như cam kết hay không là điều chưa xác định được.

Còn ông Sơn cho biết, Bộ sẽ xem xét và hoàn trả triền đặt cọc hợp lý theo từng thời kì, nhưng Bộ vẫn phải giữ lại tiền đặt cọc của doanh nghiệp để “nắm đằng chuôi”, nhằm đảm bảo đủ số tiền tiền phạt trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông cho biết, đến hết năm 2010 các mạng di động có hơn 30 nghìn trạm thu và phát sóng với 8 triệu thuê bao, doanh thu đạt 3.600 tỉ đồng. Dịch vụ 3G có tỷ lệ cuộc gọi thành công đạt trên 98%, tốc độ truy nhập Internet di động đạt 7,2 Mb/giây; tốc độ tăng trưởng lưu lượng 3G trung bình tháng đối với các dịch vụ dữ liệu từ hơn 5 – 34%; dịch vụ 3G của các mạng di động đã phủ sóng từ 55-94% dân số.Riêng VinaPhone, ông Hải cho biết hiện đã có hơn 8.700 trạm, phủ kín 60% diện tích và việc hoàn thành lắp đặt các trạm sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, sớm hơn một năm so với cam kết về triển khai hạ tầng.Còn MobiFone cũng đã đạt doanh thu 5.000 tỉ đồng từ 3G với việc xây dựng được 5.400 trạm thu và phát sóng, dự kiến đến cuối năm có 8.500 trạm trong khi cam kết chỉ là 7.600 trạm.Với Viettel, ông Tào Đức Thắng, Giám đốc công ty hạ tầng Viettel cho biết, hiện lượng trạm BTS của Viettel tại Hà Nội và Tp.HCM gấp 1,5 lần số trạm 2G. Cuối năm nay Viettel sẽ trở thành mạng di động có số lượng trạm 3G lớn nhất với 25.000 trạm và vượt xa chỉ tiêu mà doanh nghiệp này cam kết.Giấy phép 3G còn lại được cấp cho liên danh EVN Telecom và Vietnamobile. Theo cam kết, tới hết 2012, liên danh này sẽ phải hoàn thành 7.500 trạm, nhưng đến nay riêng EVN Telecom đã có 3.200 trạm và dự kiến đến hết quý ba tới sẽ có 6.500 trạm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới