Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp CNTT: “Định nghĩa về dịch vụ CNTT còn ôm đồm”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp CNTT: “Định nghĩa về dịch vụ CNTT còn ôm đồm”

Thanh Thương

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VNG góp ý tại hội thảo. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Tại hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin (CNTT) về dịch vụ CNTT diễn ra hôm nay, ngày 9-6, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo chưa cụ thể, cần xem xét lại nhiều điều khoản trước khi ban hành.

Giám đốc một doanh nghiệp CNTT cho rằng dự thảo chưa nói rõ CNTT có bao gồm truyền thông hay không. “Vì sao dự thảo không đề cập đến vấn đề này, trong khi theo Luật CNTT thì bao gồm cả truyền thông”, vị này nói. Ông cho rằng, việc phát triển Internet, điện toán đám mây… chính là một phần của truyền thông.

Về vấn đề ưu đãi, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty TMA Solutions, cho rằng việc chỉ có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước mới được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm là bất công đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cho người dân, vì đây cũng là một đối tượng cần được hưởng ưu đãi.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, không nên xem bán hàng trực tuyến, đào tạo từ xa, khám, chữa bệnh từ xa… là các loại hình dịch vụ CNTT. Ông Dũng cho rằng việc định nghĩa thế nào là dịch vụ CNTT còn “ôm đồm quá nhiều” (dự thảo có đến 9 định nghĩa), trong khi không có một định nghĩa “chuẩn xác, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng quy định về vệc cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn CNTT là không cần thiết. Hiện tại nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các tiêu chuẩn của nhiều chương trình khác, cần rất nhiều loại chứng chỉ, nếu có thêm một loại chứng chỉ nữa thì sẽ mất thời gian cho doanh nghiệp và người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ban soạn thảo và tổ biên tập sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến để tiến hành chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, các loại hình bán hàng trực tuyến, đào tạo từ xa, khám, chữa bệnh từ xa có thể sẽ xem xét lại. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho rằng, về thuế thì có luật thuế riêng quy định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này. “Hiện nay, thuế được áp dụng dựa trên các chính sách ưu đãi dành cho ngành công nghệ cao, công nghệ phần mềm…”, ông Tuyên nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới