Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Czech tham gia 12 dự án điện gió

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Czech tham gia 12 dự án điện gió

Ông David Jozefy, Giám đốc Công ty KV VENTI của Cộng Hòa Séc nói về những dự án điện gió sắp được triển khai tại Việt Nam – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Ông David Jozefy, Giám đốc Công ty KV VENTI của Czech cho biết từ giữa năm tới, doanh nghiệp này sẽ tham gia vào việc xây dựng 12 dự án nhà máy điện gió tại Việt Nam.

Trao đổi với Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 6 khai mạc sáng 3-12, ông Jozefy cho biết KV VENTI sẽ chịu trách nhiệm lắp đặt tua bin gió, trạm điện và chuyển giao công nghệ vận hành cho 12 dự án điện gió trên cả nước. Hiện tất cả 12 dự điện gió nói trên đã được cấp phép đầu tư, trong đó 60% là nhà đầu tư trong nước, tổng sản lượng điện của các dự án khoảng 1.000 MW.

Doanh nhân này nói rằng qua khảo sát, công ty ông nhận thấy Việt Nam có tổng trữ lượng năng lượng gió rất lớn, gấp 15 lần so với trữ lượng của Czech, nhưng tiếc là thời gian qua Việt Nam vẫn còn bỏ phí nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió rất dồi dào này.

Theo khảo sát đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực với tổng công suất  điện gió ước đạt trên 53.000 MW, gấp 200 lần so với một nhà máy thủy điện trung bình của Việt Nam.

Ông Jozefy cũng đề cập đến việc phát triển hàng loạt các dự án điện gió trên sẽ góp phần bảo vệ môi trường, ngoài ra, các dự án này càng cần thiết hơn khi nguồn nhiên liệu như than, dầu đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt.  

Ông David cho ví dụ dự án điện gió được triển khai tại đảo Phú Quốc và vịnh Hạ Long có công suất mỗi dự án khoảng 15 MW, một dự án điện gió sẽ lắp đặt nhiều tua bin gió. Mỗi một tua bin gió (có công suất từ 2-3 MW) cần chi phí khoảng 4 triệu đô la Mỹ, thời gian xây lắp khoảng một năm và thời gian vận hành sẽ kéo dài trong khoảng 25 năm.

Theo ông, có thể vì lý do chi phí đầu tư cho một nhà máy điện gió khá cao mà nguồn điện lại phụ thuộc hoàn toàn vào sức gió, chưa kể giá bán điện tại Việt Nam còn thấp nên các nhà đầu tư và chính quyền địa phương tại Việt Nam lâu nay thường tỏ ra e ngại, ít quan tâm khi nhắc đến những dự án chuyển gió thành điện. Nhưng nếu so với các nguồn năng lượng gây ô nhiễm như nhiệt điện hay thủy điện, thì điện gió mang lợi ích về môi trường, chưa kể tiết kiệm được rất nhiều nhiều diện tích đất xây dựng.

Hơn thế, Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3 ngàn km nên rất thuận lợi cho việc phát triển nguồn điện năng từ sức gió.

Ông Jozefy đã đến Việt Nam từ ba năm nay, nhằm tìm hiểu về địa lý, môi trường và sức gió để nghiên cứu triển khai các dự án điện gió. Đến nay, KV VENTI đã trở thành đối tác của chủ đầu tư 12 dự án chuẩn bị triển khai và đang tiếp tục tìm kiếm đối tác mới. Công ty KV VENTI dự kiến sẽ thành lập công ty con tại Hà Nội vào đầu năm tới để thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác xúc tiến các dự án điện gió.

Theo các chuyên gia về năng lượng tái tạo, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với nạn thiếu hụt điện và phải nhập khẩu điện với giá gấp 2-3 lần giá sản xuất trong nước thì việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh học là xu hướng cần thiết, an toàn trong tương lai.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới