Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đơn độc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp đơn độc

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang khẩn trương hoàn thiện cuốn sách trắng nhằm trình bày thực tế nuôi cá tại Việt Nam đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm, và giữa người nuôi cá với người làm công không có chuyện bóc lột…

“Chúng tôi sẵn lòng đón mời bất kỳ ai muốn đến Việt Nam tham quan, xem xét”, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch hiệp hội, cho biết như vậy về kế hoạch của hiệp hội nhằm giúp cho Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và người tiêu dùng ở nước ngoài hiểu đúng về con cá tra và nghề nuôi cá tra tại Việt Nam, sau khi WWF đã đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ của Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản ở một số nước châu Âu.

Kế hoạch “giải độc” của VASEP nhằm “đòi lại công bằng” cho con cá tra là cần thiết, nhưng câu hỏi đặt ra là, gạt qua một bên ý đồ nào đấy của WWF nhằm buộc các nước xuất khẩu thủy sản phải chấp nhận một bộ tiêu chuẩn mới, đứng trước những chiến dịch bôi xấu sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vốn đã diễn ra lâu nay và có thể sẽ còn tiếp tục, liệu những phản ứng này của VASEP có phần nào thụ động, chậm trễ và đơn độc?

Ngành cá xuất khẩu của Việt Nam từ lâu đã trở thành một ngành xuất khẩu chủ lực, riêng năm nay dự kiến sẽ mang lại giá trị trên 1,3 tỉ đô la Mỹ. Đứng trước sự thâm nhập mạnh mẽ của sản phẩm thủy sản Việt Nam ở thị trường nhiều nước, không khó gì để hình dung trước là sẽ xuất hiện những toan tính cạnh tranh không lành mạnh từ một số ngành kinh tế ở các nước nhập khẩu.

Lẽ ra Bộ Công Thương cùng với Hiệp hội Thủy sản, với sự giúp sức của các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, đã phải nghĩ đến và phối hợp thực hiện những chiến dịch tiếp thị quy mô tương xứng với tầm quan trọng của ngành xuất khẩu này nhằm giúp cho các nhà phân phối, người tiêu dùng, giới báo chí truyền thông và công chúng rộng rãi ở các nước nhập khẩu hiểu biết đúng về con cá tra và sản phẩm thủy sản Việt Nam, từ đặc tính sinh học, giá trị dinh dưỡng đến khâu nuôi trồng đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, khâu chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp…

Ai đã từng có dịp dự những chiến dịch tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp của các nước châu Âu hay các nước phát triển khác được thực hiện tại Việt Nam đều có thể nhận thấy họ làm bài bản thế nào, với sự có mặt đông đảo của các nhà phân phối Việt Nam, giới báo chí và cả quan chức Việt Nam. Ở đó có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của doanh nghiệp xuất khẩu và tùy viên thương mại của họ ở Việt Nam. Chính khách của họ thậm chí cũng trở thành người chào hàng cho sản phẩm của nước họ. Rất tiếc, con cá tra Việt Nam nói riêng và sản phẩm thủy sản, nông nghiệp Việt Nam nói chung không có được số phận đáng mong ước đó.

Những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn lẻ loi, đơn độc, bị động trên thị trường nước ngoài. Những hoạt động xúc tiến vẫn rời rạc, lẻ tẻ, kém hiệu quả, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và bộ máy phụ trách xúc tiến thương mại của quốc gia, các đại sứ quán ở nước ngoài, dù mỗi năm Nhà nước chi không ít tiền cho các hoạt động xúc tiến.

Thực trạng đáng buồn này đến bao giờ mới thay đổi?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới