Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ‘hiến kế’ cho quy hoạch 2030 của TPHCM

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng ngày 22-3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, nhằm lấy ý kiến và giải pháp từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chia sẻ về định hướng của TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp mà thành phố dự định triển khai trong thời gian tới là tập trung bốn chương trình phát triển theo quyết định 4474 của UBND thành phố ban hành ngày 31-12-2021 về kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm “3 đột phá và 1 trọng điểm”. Bên cạnh đó cũng sẽ tăng cường các nhóm giải pháp liên quan đến đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu phát triển, TPHCM đang kiến nghị với các cơ quan trung ương 11 nội dung gồm những nhóm vấn đề lớn, cấp bách, có tính chiến lược lâu dài, các vấn đề về xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án đường Vành đai 3, điều chỉnh tăng mức trần vốn đầu tư công trung hạn, Đề án phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế, cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức và nhiều nội dung cơ bản khác.

Ngoài ra, bà Mai cũng cho biết hiện nay Hội đồng Thẩm định nhà nước đã thông qua cho TPHCM thực hiện 14 nhiệm vụ để thực hiện công tác lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được kỳ vọng mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả các nguồn lực, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế.

Chia sẻ tại sự kiện, nhiều ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn được nêu lên, xoay quanh các vấn đề về lĩnh vực hạ tầng, logistics, các dự án đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, khu công nghiệp, nguồn nhân lực,…

Ở lĩnh vực hạ tầng, hầu hết các nhà đầu tư và doanh nghiệp đều thể hiện mong muốn TPHCM đầu tư nhiều hơn để giữ “xương sống” cho nền kinh tế. Chẳng hạn đại diện Khu công nghiệp Kizuna cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cả "phần cứng" và "phần mềm". Theo đó phần cứng bao gồm hệ thống hạ tầng, nhà xưởng, trong khi phần mềm gồm các ứng dụng công nghệ, dịch vụ, quản lý,... sẽ giúp chia sẻ tài nguyên dùng chung cho các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến liên quan đến những giải pháp TPHCM cần làm trong thời gian tới. Ảnh: V.D.

Trong khi đó, nhiều đại diện hãng logistics nước ngoài cho rằng TPHCM cần sớm đẩy nhanh việc phát triển các cảng quan trọng, chẳng hạn như Cát Lái hay cần đẩy nhanh nâng cấp hệ thống cảng Cần Giờ thay vì bản quy hoạch trước đây.

Bổ sung thêm, đại diện Gemadept đánh giá vấn đề của TPHCM là cần phải xây dựng quy hoạch về hệ thống hậu cần và chuỗi cung ứng. Việc quy hoạch không chỉ có phát triển cảng mà cần phải cả song song cả hệ thống hậu cần. Điều này sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho TPHCM và cũng cần hướng đến mục tiêu là tăng cường mối liên kết vùng với các địa phương khác.

Ở lĩnh vực tài chính, một số đại diện doanh nghiệp tiếp tục nêu lên sự cần thiết của việc xây dựng đô thị thông minh ở TPHCM, phát triển thị trường chứng khoán ngang tầm khu vực. Ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch Dragon Capital, đề nghị hỗ trợ chi phí kỹ thuật để nghiên cứu sâu hơn về các đề án về trung tâm tài chính quốc tế, thậm chí xây dựng thị trường hàng hóa và các cơ chế mới liên quan đến việc phát triển fintech.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, ông Phan Văn Mãi, thành phố vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, nội tại vẫn còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và giao thông. Cơ chế liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng, cơ chế hợp tác công tư còn nhiều vướng mắc, dự án hạ tầng lớn còn triển khai chậm… Do đó, thành phố rất mong nhận được sự hiến kế và giải pháp từ phía các doanh nghiệp.

“Sau hội nghị này, Uỷ ban sẽ lập các tổ công tác, tiếp tục làm việc với nhà đầu tư về các ý kiến cụ thể. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đồng hành trong quá trình triển khai xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi kết luận.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ta hay có cách nói cách làm khác thiên hạ, với kiểu quy hoạch (3L: Liên miên/Lộn xộn/ Lạ lùng) ? Sẽ không bao giờ có khái niệm “Quy hoạch 2030/ 2050” mà chỉ có “Quy hoạch bền vững”. Đây là tư duy quản lý mà các nhà hoạch định chính sách phải luôn quán triệt, nếu không muốn rơi vào bẫy “Quy hoạch trung bình”. Nghĩa là quy hoạch không phục vụ cho sự phát triển lâu dài mà chỉ lẩn quẩn vòng xoáy vô cùng tốn kém (3L : Làm/ Làm lại/ Lại làm).

  2. Tôi thường xuyên theo dõi những góp ý của các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cho chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội TPHCM nhưng chưa thấy ý tưởng nào ở tầm có thể giúp TPHCM phát triển đột phá vượt lên ngang hàng với các thành phố lớn trên thế giới cả. Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì đã có rất nhiều quốc gia triển khai ở châu Á và ngay cả Đông Nam Á cũng đã có, nhưng không phải ai cũng thành công. Và TPHCM có xây dựng trung tâm tài chính thì cũng không giúp chúng ta phát triển vượt bậc trở thành trung tâm tài chính của thế giới hay khu vực được vì phải cạnh tranh với Tokyo, Thượng Hải, Singapore, Hong Kong.
    Xây dựng liên kết vùng là cần thiết nhưng thực chất liên kết vùng TPHCM và các khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên… đã có và khá hiệu quả trong mấy chục năm qua (chẳng qua chúng ta chỉ xây dựng thêm đường sá, vài đường cao tốc hoặc mở rộng đường mà thôi. Mà thực tế các đường kết nối này ít khi kẹt xe mà chủ yếu kẹt trong nội thành TPHCM). Hệ thống logistics cũng vậy, hệ thống này sẽ từng bước phát triển theo sự phát triển của nền kinh tế, và thực ra nên để tư nhân đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, tất cả những đầu tư trong các lĩnh vực này là cần thiết cho sự phát triển của thành phố, nhưng chúng ta đừng kỳ vọng là thành phố tập trung đầu tư vào các lĩnh vực này thì sẽ phát triển vượt bậc sánh ngang hàng với các thành phố lớn đang dẫn đầu khu vực như Thượng Hải hay Singapore. Chúng ta phát triển sau thì càng cần những ý tưởng đột phá, chiến lược đột phá và phải kiên trì thực hiện theo đúng định hướng để có thể có bước nhảy vọt vượt lên cạnh tranh hiệu quả được với các thành phố lớn trong khu vực.
    Thực ra, qua hai năm dịch Covid vừa rồi chúng ta có cơ hội nhìn thấy rõ nhiều vấn đề của thế giới, khu vực và cả chính mình. Chúng ta đã thấy cả thế giới rối loạn vì chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào Trung Quốc (chủ yếu là do chi phí rất thấp), chúng ta cũng thấy thế giới đã biết rõ rủi ro này và quyết tâm của nhiều nhà sản xuất cho chiến lược đa dạng hoá trung tâm sản xuất (Trung Quốc +1 hay Ấn Độ +1 hay là chuyển một phần sản xuất về chính quốc. Thực ra rất nhiều tập đoàn sản xuất trên thế giới có đầu tư tại Trung Quốc đã ý thức được và từng bước thực hiện chính sách Trung Quốc +1 trong gần một thập niên qua, chỉ là quá trình chuyển dịch hơi chậm). Chúng ta cũng thấy được lợi thế của Trung Quốc và Việt Nam nơi mà hệ thống chính quyền đã phản ứng rất nhanh nhạy và hiệu quả đối với các tình hình thay đổi do dịch bênh lan truyền. Nên nếu chúng ta bình tĩnh xem xét kỹ lại tình hình biến động của hai thập niên qua và đặc biệt hai năm Covid qua thì chúng ta đang có một cơ hội vàng để thay đổi vị thế của quốc gia và dĩ nhiên TPHCM là một đầu tàu kinh tế càng phải nắm bắt cơ hội này, đó chính là trở thành Trung tâm sản xuất của thế giới với công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường (khác với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm mà Trung Quốc chấp nhận trong nhiều thập niên qua).
    Nếu chọn chiến lược này, chúng ta phải tạo ra những chính sách đột phá để thu hút các tập đoàn sản xuất của thế giới đến Việt Nam bằng cách tạo ra một môi trường mà đảm bảo tốt nhất sự thành công cho họ: chính sách minh bạch, công bằng, ổn định; quỹ đất khu công nghiệp giá rẻ (Nhà nước phải tham gia kiếm soát giá đất và chi phí cho thuê bằng cách duy trì quỹ đất cho phát triển công nghiệp trong 1-2 thập niên tới); xây dựng hệ thống giao thông, logistics, cảng biển,.. đáp ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh; có chiến lược và liên tục phát triển lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển cao này; có chính sách thu hút nhân tài thế giới đến làm việc và sinh sống tại Việt Nam; xây dựng nền hành chính công hiệu quả áp dụng công nghệ trong tất cả mọi giao dịch.
    Chúng ta không cần miễn thuế hay ưu đãi thuế doanh nghiệp cho họ vì các nhà đầu tư muốn doanh nghiệp họ làm ăn hiệu quả tạo ra nhiều lợi nhuận chứ nếu không có lợi nhuận thì ưu đãi thuế cũng không có ý nghĩa. Làm được như thế thì Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên, TPHCM cũng bứt phá vượt lên ngang hàng với Singapore, Tokyo hay Thượng Hải được.
    Nguyễn Vĩnh Thành
    Cựu chuyên gia chiến lược toàn cầu tập đoàn Cargill Hoa Kỳ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới