Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp liên kết chống hàng giả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp liên kết chống hàng giả

Ngọc Hùng

Doanh nghiệp liên kết chống hàng giả
Môt người dân đang chuẩn bị phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cà phê. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSg Online) – Trước tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã yêu cầu các tỉnh thành tổng kiểm tra tất cả các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã bắt tay với nhau để triển khai dự án chống hàng giả thay vì chỉ phụ thuộc vào cơ quan quản lý.

>>> Thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu của nước ngoài

>>> Thêm sức ép cho công ty thuốc bảo vệ thực vật nội

Trong công văn số 3723 Bộ NN-PTNT nêu rõ hiện trên thị trường có nhiều thuốc bảo vệ thực vật có nhãn sai quy định, thuốc kém chất lượng, thuốc lậu, thuốc giả đang được bán nhiều nơi, gây thiệt hại cho người nông dân khi mua để sử dụng trên đồng ruộng.

Vì thế, bộ yêu cầu các tỉnh thành đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lấy mẫu kiểm tra để kiểm tra chất lượng và trên cơ sở có kết quả kiểm tra sẽ có biện pháp xử phạt những doanh nghiệp có thuốc kém chất lượng, thuốc giả cũng như thu hồi những thuốc bảo vệ thực vật ghi sai nhãn…

Một số doanh nghiệp có thị phần lớn trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như Arysta LifeScience, BASF, Bayer, Dow AgroSciences, DuPont, Syngenta đã bắt tay cùng thực hiện dự án chống hàng giả. Đây là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc thành viên CropLife Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, thành viên dự án chống hàng giả của CropLife Việt Nam cho biết, mỗi năm CropLife Việt Nam dành 25- 30% ngân sách hoạt động cho dự án chống hàng giả. Tuy nhiên, ông Vinh lại từ chối cho biết số tiền cụ thể là bao nhiêu.

Theo đó, CropLife Việt Nam sẽ làm những sách hướng dẫn, đĩa CD, chương trình tập huấn cho người nông dân nhằm tăng khả năng nhận biết những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu ghi sai nhãn, kém chất lượng, sản phẩm giả, nhái thuốc bảo vệ thực vật của các công ty thành viên trên thị trường.

Trước đó, để tránh tình trạng sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả đã có doanh nghiệp FDI buộc chuyển sang tự phân phối trực tiếp đến các đại lý thay vì thông qua một doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, đây là hoạt động của những doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong nước hiện vẫn chưa có một chương trình nào tương tự để bảo vệ doanh nghiệp trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng đang bán tràn lan trên thị trường như nhận định của Bộ NN-PTNT đã nói ở trên.

Số liệu của Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) đưa ra vào tháng 5-2012 cho biết, khoảng 50% thị phần thuốc bảo vệ thực vật thuộc về 7 doanh nghiệp FDI, còn lại là của 300 doanh nghiệp trong nước.

Ngày 25-10, CropLife Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT để cùng tổ chức ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả tại 6 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tiền Giang. Mục đích là nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tránh lãng phí khi dùng quá liều lượng trên một diện tích canh tác.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới