Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nào an toàn trong đại dịch?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trước tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, hoạt động cầm chừng ngày càng tăng, việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư sao cho an toàn và có cơ hội vượt qua đại dịch có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất.

Dĩ nhiên, cũng cần phải đánh giá giá cổ phiếu hiện nay của doanh nghiệp có còn hấp dẫn hay không, đã phản ánh hết những yếu tố nội tại chưa.

Đầu tiên, để có thể vượt qua đại dịch lần này, đòi hỏi doanh nghiệp chẳng những có tiềm lực tài chính tốt, khả năng huy động và tiếp cận các nguồn vốn khác nhau, mà còn phải luôn duy trì được lượng tiền mặt cao, năng lực quản trị dòng tiền tốt. Bởi vì với tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, doanh thu suy giảm trong khi vẫn phải duy trì các chi phí vận hành, nhân sự, nếu dòng tiền liên tục âm sẽ đẩy doanh nghiệp vào chỗ mất thanh khoản.

Nhóm bất động sản khu công nghiệp có thể hưởng lợi khi giá thuê sẽ tiếp tục tăng. Ảnh: H.P

Việc sở hữu lượng tiền mặt lớn không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp trước những bất định của nền kinh tế hiện nay, mà còn mang lại cơ hội cho họ có thể lựa chọn, xem xét các phương án thâu tóm và sáp nhập, đầu tư đón đầu nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Dù vậy, bài toán trước mắt vẫn là phải duy trì được dòng tiền mạnh khỏe để giữ vững thanh khoản. Tích cực thu hồi các khoản phải thu, tăng nợ phải trả để chiếm dụng vốn, xử lý nhanh hàng tồn kho, điều đình giãn, hoãn nợ với ngân hàng, đối tác là sách lược quan trọng trong lúc này.

Thế giới Di động (MWG) dù cũng nằm trong nhóm đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn hiện nay, nhưng mới đây công ty này đã quyết định hạ tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ 10% xuống 5% để tăng bộ đệm dự phòng thanh khoản.

Hiện nay trên sàn chứng khoán, nhóm doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp thường có khoản doanh thu chưa thực hiện từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng.

Trên sàn chứng khoán hiện nay, số lượng doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí là hàng chục ngàn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là không nhiều.

Có thể kể đến như VIC, ACV, HPG, GAS, VNM, FPT, SAB, PLX,.. Trong số này có những doanh nghiệp do mô hình kinh doanh bán lẻ nên dòng tiền luân chuyển liên tục, cũng như có doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực thiết yếu như thực phẩm,… nên dù dịch bệnh nhưng vẫn có thể hưởng lợi.

Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tám tháng của Tổng cục Thống kê mới đây, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng, chống dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2021 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,82% so với tháng 8-2020. Do đó, có thể thấy dịch bệnh tuy tác động xấu đến ngành này nhưng cũng có ngành khác vô tình hưởng lợi, và đó chính là nhóm đối tượng thứ hai mà nhà đầu tư có thể xem xét sở hữu cổ phiếu.

Thứ ba là nhóm các doanh nghiệp có phần doanh thu chưa thực hiện lớn và hiện đang ghi nhận dần theo số phân hàng năm. Những doanh nghiệp này sẽ giữ được lợi nhuận ổn định, không bị ảnh hưởng quá xấu trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Về cơ bản, doanh thu chưa thực hiện là một trường hợp đặc biệt của doanh thu, đặc biệt ở chỗ số tiền doanh nghiệp đã thực nhận trước và doanh thu có liên quan nhiều kỳ kế toán trong tương lai nên doanh nghiệp sẽ ghi nhận dần qua từng năm.

Doanh thu chưa thực hiện phải thỏa mãn hai nguyên tắc cơ bản để ghi nhận doanh thu là : (i) Đã giao hàng (đã cung ứng dịch vụ) cho người mua; (ii) và người mua chấp nhận thanh toán. Vì vậy, cần tránh nhầm lẫn giữa doanh thu chưa thực hiện và khách hàng trả trước, với sự khác biệt chính là đã giao hàng (cung ứng dịch vụ) cho người mua hay chưa.

Hiện nay trên sàn chứng khoán, nhóm doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp (KCN) thường có khoản doanh thu chưa thực hiện từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng, và chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản. Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR); Tổng Công ty Viglacera (VGC); Công ty cổ phần (CTCP) Cao su Phước Hòa (PHR); CTCP Cao su Đồng Phú (DPR); CTCP Sonadezi Long Thành (SZL); CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D); …

Cũng cần nhắc lại rằng giai đoạn năm 2018 nhóm doanh nghiệp bất động sản KCN đã thu hút dòng tiền mạnh mẽ dựa trên tiêu chí đánh giá doanh thu chưa thực hiện này. Ngoài ra, với triển vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục đổ vào Việt Nam trong những năm tới khi dịch bệnh được kiểm soát, nhóm bất động sản KCN có thể hưởng lợi khi giá thuê sẽ tiếp tục tăng.

Theo số liệu từ Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam quí 2-2021 của Jones Lang LaSalle Incorporated (JLL), các KCN phía Bắc vẫn duy trì tỷ lệ lấp đầy trung bình ở mức 75%, trong khi đó tỷ lệ này tại các KCN phía Nam là 85%. Số liệu này cho thấy tỷ lệ lấp đầy tại các KCN hiện vẫn đang ở mức ổn định dù phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Không chỉ tỷ lệ lấp đầy không sụt giảm, giá thuê đất KCN tại phía Nam vẫn tiếp tục tăng trong quí vừa qua và lập đỉnh giá trung bình mới với 113 đô la Mỹ/mét vuông/chu kỳ thuê.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lưu ý: Doanh thu chưa thực hiện (Dự thu) phải kèm theo tiêu chí thời gian có hiệu lực, chỉ có giá trị ghi nhận sổ sách trong thời gian nhất định, tối đa là 12 tháng, tùy theo ngành nghề. Nếu quá thời gian đó, buộc phải thoái thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới