(KTSG Online) - Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng hoạt động thu thập thông tin tình báo về địa chính trị khi họ tìm cách ứng phó các rủi ro chuỗi cung ứng do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
- Biến động địa chính trị tiếp tục ‘ám ảnh’ doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2023
- An ninh kinh tế trong chiến lược phát triển và điểm yếu của Việt Nam
Các tập đoàn trong các lĩnh vực trước đây ít bị ảnh hưởng bởi biến động địa chính trị bao gồm Suntory, Hitachi và Mitsubishi Chemical đã thuê các lãnh đạo thiết kế các vai trò công việc mới cũng như các nhóm chuyên nghiên cứu và giám sát rủi ro địa chính trị trong những tháng gần đây.
Động thái củng cố năng lực quản lý rủi ro của họ diễn ra khi các nhà đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường công bố thông tin về phản ứng và sự sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ như chiến tranh ở Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Kyohei Yabu, Giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản thường phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách họ có thể tuân thủ các quy định đang thay đổi ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông nhận định: “Rủi ro các công ty Nhật Bản bị mắc kẹt giữa hai cường quốc này đang gia tăng”.
Một báo cáo của công ty tư vấn PwC Advisory công bố hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy gần 1/3 các công ty đại chúng của Nhật Bản có doanh thu hàng năm trung bình hơn 500 tỉ yen (3,9 tỉ đô la) đã trích dẫn các rủi ro “địa chính trị” trong các báo cáo hàng năm của họ, so với 11% vào một năm trước đó.
Kazuhide Ueno, luật sư tại hãng luật TMI Associates, nói: “Các công ty Nhật Bản phản ứng chậm hơn trước các rủi ro an ninh kinh tế và địa chính trị so với các công ty Mỹ và châu Âu. Đối với các nhà đầu tư, các sáng kiến về phản ứng an ninh kinh tế của doanh nghiệp đã trở thành một tiêu chí quan trọng chẳng kém tiêu chí đầu tư ESG (đầu tư chú trọng môi trường, xã hội và quản trị) trong việc đánh giá giá trị của một công ty”.
Theo nghiên cứu của Ueno, số lượng các công ty Nhật Bản đề cập đến “an ninh kinh tế” trong các báo cáo hàng năm của họ đã tăng hơn gấp đôi lên trong năm tài chính hiện tại.
Tháng trước, tập đoàn đồ uống Suntory của Nhật Bản đã chiêu mộ Go Eguchi, một quản lý cấp cao tại Tập đoàn thương mại Mitsubish và bổ nhiệm ông vào vai trò giám đốc tình báo đầu tiên của Suntory.
Một nguồn tin cho biết Suntory, tập đoàn sở hữu thương hiệu rượu whisky bourbon Jim Beam của Mỹ, đã nhận ra sự cần thiết phải tăng cường thu thập thông tin tình báo sau khi được cảnh báo về những thách thức pháp lý của Mỹ nếu tập đoàn đặt trụ sở của một liên doanh ở một nước được coi là quá gần gũi với Trung Quốc.
Năm ngoái, Mitsubishi Chemical, tập đoàn hóa chất lớn nhất Nhật Bản, đã bổ nhiệm vị trí giám đốc chuỗi cung ứng để giám sát rủi ro trong hoạt động của các nhà máy, hậu cần, thu mua và các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Mitsubishi Chemical cho biết vị trí này cũng phụ trách giải quyết các rủi ro địa chính trị tiềm ẩn trong tương lai, chẳng hạn như Trung Quốc phát động cuộc tấn công quân sự để thu hồi Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền.
Mitsubishi Chemical đang đàm phán để mua than từ Nga khi Moscow phát động cuộc chiến toàn diện ở Ukraine vào năm ngoái. Trong vài ngày sau đó, tập đoàn này buộc phải chuyển sang đàm phán với các nhà cung cấp than của Úc. Các nhà phân tích cho biết, sự chuyển hướng của Mitsubishi Chemical nhấn mạnh sự cần thiết của các vai trò cấp cao để quản lý những rủi ro như vậy.
Mitsubishi Chemical cũng đã thành lập một nhóm chuyên trách về quản lý rủi ro. “Với tư cách là một công ty toàn cầu, một cấu trúc quản lý rủi ro như vậy luôn cần thiết, nhưng đơn giản là chúng tôi không có nó trước đây”, Mitsubishi Chemical cho biết.
Cũng trong năm ngoái, tập đoàn Hitachi đã bổ nhiệm giám đốc tài chính của mình vào vai trò giám đốc quản lý rủi ro đồng thời thành lập các nhóm chuyên trách để thảo luận về quản lý khủng hoảng và rủi ro địa chính trị khu vực.
Mặc dù không chỉ định vai trò lãnh đạo quản lý rủi ro địa chính trị, tập đoàn nước giải khát Kirin của Nhật Bản cũng đã tiến hành cuộc thảo luận nội bộ về cách thức công ty con của tập đoàn này ở Đài Loan sẽ ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn Trung Quốc phát động tấn công để thu hồi Đài Loan.
Việc các tập đoàn Nhật Bản tập trung vào các thách thức địa chính trị và an ninh kinh tế diễn ra giữa lúc chính phủ Nhật Bản nỗ lực kiểm soát rủi ro nguồn cung. Hồi tháng 5 năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua một dự dự luật về an ninh kinh tế nhằm đảm bảo sự ổn định nguồn cung của các linh kiện và vật liệu quan trọng như chip và pin trong bối cảnh rủi ro chuỗi cung ứng dâng cao.
Theo Financial Times