Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phải chịu khó dài hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp phải chịu khó dài hạn

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương kiêm chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đang trả lời về cấp tín dụng cho doanh nghiệp – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước phải “thắt lưng buộc bụng” và nhanh chóng có những giải pháp hiệu quả để đối phó với khó khăn trong dài hạn.

Tại buổi hội thảo “Lạm phát, các giải pháp kiềm chế lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện tại” được tổ chức tại TPHCM ngày 23-7, các chuyên gia đã đề xuất hàng loạt giải pháp để doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tự cứu mình trước khi nhận được hỗ trợ.

Các giải pháp vượt khó

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đi thẳng vào vấn đề khi nhấn mạnh các doanh nghiệp phải cơ cấu lại các mặt hàng, phải xem xét ngay các mặt hàng có lãi, các sản phẩm cần được duy trì và những mặt hàng sản xuất bị lỗ để điều chỉnh và có cách giải quyết phù hợp.

Ông kêu gọi các doanh nghiệp phải triệt để tiết kiệm trong sản xuất và kinh doanh nhằm cắt giảm chi phí đầu vào đến mức thấp nhất trong tình hình giá xăng dầu tăng cao. Các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện các dự án, kế hoạch từng phần và đưa vào sử dụng ngay những phần đã hoàn tất.

Ông cũng cảnh báo các doanh nghiệp không được rời bỏ khách hàng trong lúc này vì có những đối thủ ở nước ngoài như Trung Quốc hay Thái Lan có thể lấy mất khách hàng trong lúc doanh nghiệp đang loay hoay trước khó khăn.

Các doanh nghiệp cần thẳng thắn trao đổi về những khó khăn hiện tại của họ với khách hàng, nhà đầu tư và cả nhân viên để tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm cùng nhau vượt khó khăn.

Ông Doanh không đồng tình với ý kiến cho rằng chủ doanh nghiệp nên tạm thời đóng cửa nhà máy để đi du lịch, nghỉ ngơi và chờ thời kỳ khó khăn tạm qua đi rồi hoạt động trở lại, vì nhiều doanh nghiệp hiện nay càng sản xuất càng lỗ. Ông nói: “Doanh nghiệp không thể đóng cửa vì như thế ai sẽ trả lương cho công nhân. Chính lúc này chủ doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm xã hội cao hơn bao giờ hết”.

Còn tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đề xuất các doanh nghiệp phải sử dụng nhân lực một cách hiệu quả bên cạnh giải pháp tiết kiệm mọi chi phí. Ông nói tất cả các ngành đang phải “gồng mình” lên chịu khó trong thời lạm phát nhưng chính doanh nghiệp và ngân hàng là hai nhóm chịu tác động mạnh nhất của thời kỳ khó khăn này.

Còn ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, rất bức xúc khi cho rằng khó khăn càng chồng chất cho doanh nghiệp sau đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 21-7 vừa qua, cùng với vấn nạn thiếu điện và cúp điện không báo trước.

Ông nói các doanh nghiệp rất thông cảm với Chính phủ về việc tăng giá xăng dầu nhưng tăng cao như thế (hơn 31%) thì không phù hợp. “Cần phải có lộ trình để hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Ông cho biết hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam là vừa và nhỏ, và do vậy luôn gặp phải các vấn đề về thiếu vốn và công nghệ cũng như còn yếu kém trong khâu quản trị. Ông đề xuất các doanh nghiệp trong nước cần liên kết lại, và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để cùng vượt khó và phát triển.

Mấu chốt ở tín dụng

Các chuyên gia đều đồng tình với việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát nhưng cũng chỉ ra rằng chính sách này cần phải áp dụng linh hoạt cho từng đối tượng doanh nghiệp và lĩnh vực cụ thể. Ông Minh cho rằng cần phải ưu tiên tín dụng cho việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu và cho xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng quan điểm với ông Minh, tiến sĩ Kiêm đề xuất Nhà nước cần phải phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ về chính sách thuế và tín dụng để giúp họ vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó cũng cần kiên quyết không cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án không hiệu quả.

Tiến sĩ Doanh thì đề nghị “cần phải xem xét lại một chính sách tín dụng quá hà khắc, một chính sách tín dụng cào bằng, tức là mọi người có hiệu quả hay không hiệu quả, sản xuất hàng tiêu dùng hay xuất khẩu đều không tiếp cận được tín dụng”.

Ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để có sự điều chỉnh cho những mặt hàng nào có khả năng xuất khẩu, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được cấp tín dụng. Trong trường hợp cần thiết thì cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi để khuyến khích xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp giữ được khách hàng và thị phần.

Ông Phạm Hải Tùng, Phó chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho biết theo thống kê mới nhất thì Việt Nam có trên 300.000 doanh nghiệp, và 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp còn lúng túng chưa biết đi hướng nào trong tình hình hiện nay do thiếu vốn và lãi suất ngân hàng cao.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội rất bức xúc về việc họ không thể vay tín dụng ngân hàng, thậm chí cho cả các dự án tốt.

Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương kiêm Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, giải thích: “Để đảm bảo hoạt động và tính thanh khoản của ngân hàng, chúng tôi cũng có cơ chế ràng buộc nhất định là chi nhánh nào tăng vốn được thì mới tăng tín dụng được, không thì duy trì hoạt động và tập trung phục vụ khách hàng truyền thống, những khách hàng có tín nhiệm với ngân hàng”.

Ông Hùng cũng cho biết ưu tiên tín dụng dành cho các doanh nghiệp thuộc các ngành quan trọng, chiến lược như sản xuất, vật tư, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, thu mua và chế biến nông sản, lương thực… Ông cho biết ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vì không tăng được tín dụng, dù biết các doanh nghiệp có dự án tốt nhưng cũng chịu vì không có đủ tiền cho vay.

Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các phương án đề phòng với những thách thức, ông Doanh khuyến cáo. Ông cho biết nếu Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng đồng lòng cải cách, áp dụng khoa học công nghệ thì có thể vào giữa hoặc cuối năm 2009 tình hình sẽ ổn định, khá lên và bước qua thời kỳ phát triển khá hơn với năng lực cạnh tranh cao hơn.

Tiến sĩ Kiêm thì cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng: “Chúng ta đã bắt đúng bệnh rồi và thang thuốc đã tìm được. Phần còn lại là phân đúng liều lượng. Hy vọng đến năm 2010 thì mức phát triển sẽ trở lại bình thường”.

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới