Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ‘quên’ nghĩa vụ xử lý chất thải sẽ bị kiểm tra, mức phạt có thể đến 2 tỉ đồng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sắp tới đây các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sẽ bị thanh tra, kiểm tra với mức xử phạt vi phạm có thể lên đến 2 tỉ đồng.

Có những doanh nghiệp quy mô lớn với thương hiệu khá phổ biến trên thị trường vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này dù quy định có hiệu lực từ đầu năm 2022. Những doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị nêu tên trên Cổng thông tin điện tử trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) quốc gia.

Cho đến nay, Việt Nam là đất nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á áp dụng nghĩa vụ EPR với các doanh nghiệp.

Ông Phan Tuấn Hùng cho biết những doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu những danh mục sản phẩm như trên màn hình được áp thực hiện nghĩa vụ xử lý chất thải từ ngày 1-1-2022. Ảnh: Lê Hoàng

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra thông tin trên tại Hội thảo phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào ngày 15-8 tại TPHCM.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 200 đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và hiệp hội, doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải tham dự.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu gồm trách nhiệm tái chế chất thải được quy định tại Điều 54 và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải tại Điều 55.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết Luật bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có hai loại trách nhiệm: (1) trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; (2) trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.

Đối với loại trách nhiệm xử lý chất thải (áp dụng đối với các nhóm sản phẩm: pin dùng một lần; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá và các sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp), nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm này từ năm 2022.

Theo đó, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.

Mức tiền đóng góp được thực hiện theo quy định tại Phụ lục XXIII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo quy định, doanh nghiệp thuộc những đối tượng trên đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31-3-2022 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20-4-2022.

Chia sẻ bên lề hội thảo với KTSG Online, ông Phan Tuấn Hùng cho biết tại đợt đóng quỹ đầu tiên, một lượng lớn các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa kê khai và nộp tiền vào Quỹ theo đúng quy định.

Theo ông Hùng, khả năng có doanh nghiệp chưa nắm thông tin về quy định nghĩa vụ này nhưng cũng có doanh nghiệp dù đã biết về quy định nhưng lại chần chừ chưa chịu kê khai hoặc thực hiện nghĩa vụ EPR. Theo ông Hùng, qua việc phối hợp với bộ ngành, hải quan và các địa phương, hiện cơ quan quản lý đã có danh sách của các doanh nghiệp này và sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt.

Theo ông Hùng, các doanh nghiệp có một trong các hành vi như: Không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn quy định sẽ bị phạt lên đến 2 tỉ đồng.

Nghĩa là, sau ngày 20-4, tất cả các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng Quỹ mà chưa kê khai, chưa đóng Quỹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo quy định.

Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng, danh sách gồm cả những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn với thương hiệu khá phổ biến trên thị trường. “Ngoài các mức phạt nặng, các doanh nghiệp có các hành vi vi phạm như trên còn bị công khai tên doanh nghiệp vi phạm trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tránh nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là gì? Là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết.

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ những đối tượng không phải thực hiện EPR, gồm: nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; nhà sản xuất bao bì có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỉ đồng; nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỉ đồng.

Theo quy định của pháp luật, việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế hay hỗ trợ xử lý chất thải phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng mục đích. Việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải phải được công khai hằng năm trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo và có sự tham gia quyết định, giám sát bởi đại diện của các nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trên thực tế năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam đã quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ cho các nhà sản xuất đối với một số loại hình sản phẩm (điều 67, khoản 1). Tuy nhiên, đến năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022), trong đó đã quy định chi tiết hơn, và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy EPR tại Việt Nam.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có các hành vi như: không công khai, cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì; vi phạm quy định thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức tái chế; vi phạm quy định về thực hiện tỷ lệ tái chế bắt buộc; vi phạm quy định nộp đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế, có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 2 tỷ đồng và buộc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài hình phạt tiền, doanh nghiệp đó còn buộc phải cung cấp thông tin, công khai thông tin; buộc chấm dứt hợp đồng và công khai thông tin vi phạm.Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 nămPhạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.Hội thảo phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới