Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Trung Quốc thay đổi chiến lược kinh doanh để ứng phó chi phí tăng cao

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đang thực hiện các thay đổi đối với các sản phẩm hàng ngày và điều chỉnh chiến lược kinh doanh để ứng phó với chi phí gia tăng và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại, vốn đang kìm hãm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Chuỗi cửa hàng gà rán KFC ở Trung Quốc đã đưa chân, đầu, cổ, chóp cánh gà vào thực đơn dưới tên gọi “Superabundant Chicken Bucket” (Xô gà siêu khổng lồ), có giá bán 29,9 nhân dân tệ, tương đương khoảng 4,27 đô la Mỹ. Ảnh: WSJ

Lạm phát giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tương đối thấp so với mức tăng giá cả ở Mỹ và Anh và các nước khác, những nơi ghi nhận lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên. Giống như các doanh nghiệp cùng ngành trên toàn cầu, giới doanh nghiệp ở Trung Quốc đang đối mặt với áp lực chi phí, bao gồm giá dầu, ngũ cốc, thịt và các mặt hàng khác tăng cao. Thay vì tăng giá bán lẻ, họ thường cố gắng giảm bớt tác động của chi phí bằng cách thu nhỏ kích thước gói hàng hoặc sử dụng các chai lọ đựng sản phẩm có dung tích nhỏ hơn. Một số doanh nghiệp chấp nhận hấp thụ chi phí gia tăng hoặc sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo để hạn chế chi phí.

Kể từ mùa hè, chuỗi cửa hàng gà rán KFC ở một số thành phố của Trung Quốc đã đưa chân, đầu, cổ, chóp cánh gà vào thực đơn dưới tên gọi “Superabundant Chicken Bucket” (Xô gà siêu khổng lồ)

Xô gà này, dành cho một người ăn, được tạo thành từ 19 miếng nhỏ của các bộ phận xương gà nói trên, có giá bán 29,9 nhân dân tệ, tương đương khoảng 4,27 đô la Mỹ Mỹ.

Yum China Holdings, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng gà rán KFC ở Trung Quốc, cho biết việc sử dụng nhiều bộ phận của gà hơn sẽ giúp giảm chi phí và mang lại giá trị lớn hơn. KFC đã mở thêm 342 cửa hàng tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 và hơn một nửa trong số đó nằm ở các thành phố có kinh tế kém thịnh vượng hơn. Yum China Holdings, cũng điều hành chuỗi nhà hàng Pizza Hut, gần đây cho biết doanh thu nửa đầu năm của Pizza Hut giảm 4,2% xuống còn 4,8 tỉ đô la Mỹ nhưng lợi nhuận ròng giảm đến 55%, chỉ còn 183 triệu đô la Mỹ.

Chuỗi nhà hàng lẩu Xiabu Xiabu của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi các lệnh phong tỏa làm giảm lưu lượng khách đến các nhà hàng của công ty này. Đồng thời, giá thịt, trứng và rau tăng lên, bào mòn biên lợi nhuận của Xiabu Xiabu.

Công ty này gần đây đã tung ra thực đơn mới, với mỗi món lẩu có giá tương đương từ 7 -10 đô la Mỹ, bao gồm các món ăn kèm ít tốn kém hơn như gia vị, cơm, mì và trà, với hy vọng doanh số bán hàng sẽ tăng.

Tang Jun, nhà phân tích lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Công ty Soochow Securities, nói: “Các dự báo thu nhập đang suy yếu. Nếu các doanh nghiệp tăng giá, họ sẽ xua đuổi người tiêu dùng. Đó là lý do vì sao chúng tôi thấy các doanh nghiệp đang rất nỗ lực để giảm thiểu chi phí thông qua việc cải tiến mô hình hoạt động của họ”.

Năm ngoái, nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc, Foshan Haitian Flavoring & Food Co., đã tăng giá bán lẻ các sản phẩm lên ít nhất 3% do chi phí nguyên liệu cao hơn. Mặc dù mức tăng đó góp phần thúc đẩy doanh thu nửa đầu năm nay tăng nhẹ, nhưng công ty cho biết chi phí tiếp tục tăng, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tháng trước, Foshan Haitian Flavoring & Food Co. cho biết dù giá đậu nành đạt mức cao nhất trong lịch sử, công ty vẫn không có kế hoạch tăng thêm giá bán. Thay vào đó, công ty dự định giảm mức độ lãng phí nguyên liệu và sẽ cố gắng tìm các cách khác để hợp lý hóa hoạt động để ứng phó áp lực chi phí.

Trong quí 2-2022, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và dữ liệu tăng trưởng trong tháng 7 và tháng 8 cũng rất yếu. Trong khi cơn bùng nổ mua sắm của người Mỹ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã hạ nhiệt, tiêu dùng ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19, cơn suy thoái ngày càng trầm trọng của lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.

Cơn suy thoái nhu cầu đã lan sang những doanh nghiệp ở Trung Quốc chủ yếu bán cho các nhà bán buôn hoặc các doanh nghiệp khác. Đầu năm nay, Andre Juice, một trong những nhà sản xuất nước trái cây lớn của Trung Quốc, đã đề xuất kế hoạch chuyển đổi một nhà máy nước ép trái cây thành nơi sản xuất nước dâu tây, đào và lựu cô đặc. Andre Juice cho biết thay vì mở rộng sang nhiều hương vị nước ép hơn, công ty đã lên kế hoạch sử dụng một phần trong số 25 triệu đô la Mỹ đầu tư được phân bổ cho nhà máy này để tăng gấp đôi công suất mảng kinh doanh chính là sản xuất nước ép táo cô đặc.

Andre Juice chuyên sản xuất nước ép táo và các loại trái cây lớn cho các thương hiệu trong nước cũng như các tập đoàn đồ uống đa quốc gia như Coca-Cola PepsiCo và Nestlé.

Trong khi đó, các công ty bia, nhà sản xuất rượu và sản xuất thiết bị gia dụng vẫn có thể chuyển một số chi phí cao hơn của họ sang khách hàng bằng cách tăng giá bán lẻ.

Tuy nhiên, những thách thức đối với tỷ suất lợi nhuận của các công ty tiêu dùng ở Trung Quốc khó có thể sớm biến mất. Giá hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt có thể giúp giảm bớt một phần nào đó áp lực chi phí sản xuất, nhưng Bắc Kinh vẫn kiên định theo đuổi chiến lược “zero-Covid”. Điều đó khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn.

Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), cho biết nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ không hoạt động tốt trong năm nay do sức mua trong nước ảm đạm.

“Đây là một năm tồi tệ đối với họ. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ sớm được cải thiện”, Herrero  nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới