Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ bị thâu tóm

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được cho là sẽ còn kéo dài và rộng khắp các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khi tình trạng lạm phát và lãi suất còn cao, dòng tiền khó khăn, quá nhiều doanh nghiệp ngập trong khó khăn. Thực tế đáng buồn này lại là cơ hội cho các nhà đầu tư lĩnh vực M&A có được các thương vụ thâu tóm béo bở.

Ảnh: Quốc Hùng

Từ thị trường bất động sản

Tập đoàn Keppel cùng quỹ đầu tư Keppel Vietnam Fund (KVF) đã ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại 49% số cổ phần hai dự án khu dân cư liền kề ở thành phố Thủ Đức của Tập đoàn Khang Điền (KDH). Hai bên sẽ cùng phát triển hơn 200 căn nhà liền thổ và trên 600 căn hộ cao tầng tại hai dự án, quy mô khoảng 11,8 héc ta. Tổng chi phí phát triển hai dự án này khoảng 10.200 tỉ đồng. Keppel dự kiến giao dịch với Khang Điền sẽ hoàn thành trong năm nay.

ở Việt Nam nhà đầu tư đến từ Singapore này được biết đến qua các dự án bất động sản như Estella Heights, Celesta Rise và Empire City, Saigon Centre. Trả lời Nikkei hồi tháng 3, lãnh đạo Keppel cho biết muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp có chiến lược đa dạng hóa các khoản đầu tư và không tập trung vào Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.

Thương vụ nêu trên tiếp tục làm nóng thị trường M&A ở lĩnh vực bất động sản vốn đã được dự báo trước. Bởi trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành này rất khó vay vốn để triển khai dự án và trả nợ ngân hàng, đáo hạn trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, chuyển nhượng dự án để có dòng tiền tái đầu tư.

Trên thực tế từ đầu năm tới nay nhiều thương vụ M&A bất động sản diễn ra ở nhiều địa phương với một số dự án lớn được kỳ vọng sẽ hoàn tất việc đàm phán và ký kết vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Trước đó, Frasers Property Việt Nam (FPV) cũng công bố hợp tác với công ty đầu tư đa ngành Gelex Group (GEX) để triển khai các khu công nghiệp ở phía Bắc với tổng đầu tư tương đương 250 triệu đô la, trong đó phía FPV góp 49% vốn điều lệ.

Báo cáo ngành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cũng đánh giá hoạt động M&A bất động sản có thể nóng lên trong giai đoạn 2023-2024 do thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc. Các doanh nghiệp bất động sản đang trải qua giai đoạn thiếu hụt thanh khoản khi các nguồn huy động vốn đều ít nhiều gặp trở ngại.

Còn ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng sự khó khăn về nguồn vốn, vướng mắc thủ tục đầu tư, pháp lý kéo dài khiến các doanh nghiệp phát triển bất động sản trong nước phải tìm tiếp cận nguồn vốn mới nên hoạt động M&A sẽ tăng nhiệt trong năm nay. Và dù gặp khó khăn nhưng bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài lẫn trong nước. Savills hiện đã nhận nhiều yêu cầu tư vấn của các nhà phát triển bất động sản trong nước về thiết lập cấu trúc các thương vụ và định giá giao dịch. Với diễn biến này, ông dự báo năm nay các hoạt động M&A sẽ được xúc tiến nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nóng việc chuyển giao, sáp nhập ngân hàng

Không riêng lĩnh vực bất động sản, ngay từ những tháng đầu năm nay, M&A trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã nóng trở lại sau một năm trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang xem M&A là phương thức quan trọng để có thể thay đổi mô hình kinh doanh hiệu quả hơn.

Đơn cử như Ngân hàng UOB Singapore thông báo hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm cả việc nhận chuyển giao gần 580 nhân viên thuộc Citigroup sang UOB Việt Nam. Hay Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) hồi tháng 3 đạt thỏa thuận bán 15% số cổ phần cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Khoản đầu tư từ SMBC nâng tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng này lên xấp xỉ 140.000 tỉ đồng, đưa VPBank lên vị trí thứ hai về vốn chủ sở hữu trên toàn hệ thống. Nền tảng vốn lớn cho phép VPBank có đủ năng lực tài chính để phục vụ những doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

M&A cũng là một trong những nội dung được quan tâm ở mùa đại hội cổ đông 2023 vừa qua. Cổ đông của VPBank cũng đã đặt vấn đề liệu VPBank có nằm trong nhóm những ngân hàng tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém và có cơ hội được nới room ngoại lên 49% không? Nhiều nhà lãnh đạo ngân hàng được cổ đông chất vấn về phương án nhận chuyển giao bắt buộc với ngân hàng yếu kém. Không chỉ những ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, mà một số ngân hàng thương mại khác cũng có nhu cầu sáp nhập với ngân hàng khác nhằm tăng nguồn lực tài chính, mạng lưới, thị phần, tăng sức cạnh tranh…

Trong hầu hết tờ trình về phương án sáp nhập tổ chức yếu kém với cổ đông, ban lãnh đạo các ngân hàng đều đề cập tới cơ hội bứt phá tăng trưởng mạnh hơn về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ, room tín dụng… Có ngân hàng thì cho rằng nhận chuyển giao là cơ hội rút ngắn thời gian phát triển mạng lưới, nhưng một số lãnh đạo ngân hàng khác thì nói đây là “nhiệm vụ chính trị”.

Trong bản báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước kỳ họp thứ 5 khai mạc vào 22-5, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý bốn ngân hàng kiểm soát đặc biệt, trong đó có ba ngân hàng mua bắt buộc. Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và ba ngân hàng “0 đồng” là CBBank, OceanBank, GPBank.

Đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm với giá thấp

Bên cạnh bất động sản, ngân hàng, các nhà đầu tư ngoại đang gia tăng rót vốn để nắm cổ phần hoặc mua lại doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong bốn tháng đầu năm nay, cả nước có 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỉ đô la, tăng đến hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kinh tế – xã hội gần đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và khả năng hấp thu vốn hạn chế.

Theo các chuyên gia, với tình hình hiện nay khó khăn đã lan rộng ra hầu hết các ngành nghề. Nói về “sức khỏe” của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), nhận định tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở cả trong và ngoài nước giảm, không thể xuất hàng được. Khoảng 50% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng… Nhiều doanh nghiệp giảm lượng lao động, hoặc giảm giờ làm. “Một số doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản để trả nợ khi đáo hạn để không bị xếp vào nhóm nợ xấu”, ông Hòa nói.

Tình trạng gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra, dòng tiền eo hẹp và áp lực trả lãi ngân hàng cũng xảy ra ở ngành dệt may. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TPHCM, trong ngành, đã có doanh nghiệp đã đóng cửa, có doanh nghiệp bán tài sản, nhà cửa để trả nợ.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cũng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, 22,2% dự kiến giảm trên 50%… Đáng chú ý, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp.

Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, giới phân tích nhận định điều này sẽ đẩy giao dịch M&A gia tăng, và khi mà nhiều công ty đang khát tiền mặt, khó khăn thì bên mua đang ở thế thượng phong. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đây là thực tế đáng lo, nhất là với những thương hiệu Việt đã có mặt nhiều năm trên thị trường. “M&A trong nước vốn đã hấp dẫn thì trong bối cảnh vô cùng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay được xem là cơ hội để nhà đầu tư ngoại gia tăng thâu tóm với giá thấp”, ông Đức nói.

Bên mua vì có nhiều sự lựa chọn nên khả năng chọn đàm phán các điều khoản theo hướng có lợi hơn cho họ. Nhà đầu tư có tiền mặt xem giai đoạn biến động mạnh là cơ hội để mua các doanh nghiệp, dự án với mức định giá hấp dẫn. Ông Đức dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong các thương vụ, vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp trong khi lãi suất tăng và thanh khoản ít dần.

Trong bốn tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có hơn 600 doanh nghiệp “biến mất” khỏi thị trường – dựa trên số liệu bình quân tính từ con số mà Tổng cục Thống kê công bố. Cụ thể, có 77.001 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái đến 25,1%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới