(KTSG Online) - Doanh số điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu tăng lần đầu tiên tháng rrong 10 so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 27 tháng liên tiếp, nhờ sự phục hồi ở các thị trường mới nổi, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
- Samsung hái quả ngọt với điện thoại màn hình gập
- iPhone trở thành điểm sáng duy nhất trên thị trường smartphone
Báo cáo của Counterpoint Research, công bố hôm 22-11, cho thấy thị trường smartphone đã có dấu hiệu xoay chuyển tích cực. Trong tháng 10, doanh số smartphone toàn tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, phá vỡ chuỗi suy giảm 27 tháng liên tục. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu ở các thị trường mới nối ở Trung Đông và châu Phi, sự trở lại của Huawei ở thị trường Trung Quốc, mùa lễ hội ở Ấn Độ và sự ra mắt gần đây của các mẫu iPhone 15
Counterpoint Research cho biết thêm, các thị trường phát triển, vốn đang chứng kiến mức độ bão hòa nhu cầu smartphone tương đối cao, phục hồi chậm hơn.
Huawei đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nhà sản xuất smartphone ở Trung Quốc trong quí 3 sau khi hãng phát hành mẫu smartphone cao cấp Mate 60 Pro hồi tháng 9, thu hút rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng nhờ các tính năng mới bao gồm liên lạc vệ tinh và tốc độ kết nối tương đương 5G.
Theo báo cáo của Counterpoint Research, tháng 10 cũng ghi nhận doanh số smartphone toàn cầu cao nhất kể từ tháng 1-2022.
Việc Apple ra mắt dòng iPhone 15 vào cuối tháng 9 giúp thúc đẩy doanh số smartphone. “So với năm ngoái, lịch ra mắt dòng smartphone mới của Apple bị trì hoãn một tuần. Điều đó có nghĩa là toàn bộ ảnh hưởng của doanh số iPhone mới sẽ được cảm nhận rõ ràng vào tháng 10”, Counterpoint Research giải thích.
Theo dữ liệu của Counterpoint Research, Samsung tiếp tục dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu trong quí 3, với 20% thị phần. Apple đứng thứ hai với 16% thị phần, tiếp theo là các thương hiệu Trung Quốc, Xiaomi (12%), Oppo (10%) và Vivo (8%).
Counterpoint Research kỳ vọng thị trường smartphone sẽ tăng trưởng hơn nữa trong quí 4. “Sau sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 10, chúng tôi kỳ vọng thị trường smartphone cũng sẽ tăng trưởng hàng năm trong quí 4 năm 2023, và bước vào lộ trình phục hồi dần dần trong các quí tới”, Counterpoint Research cho biết.
Doanh số smartphone toàn cầu suy yếu trong hai năm qua vì nhiều vấn đề như thiếu linh kiện, tồn kho tăng và người tiêu dùng kéo dài chu kỳ nâng cấp. Theo Counterpoint Research, những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn.
Sự thiếu hụt linh kiện là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất smartphone. Điều này là do một số yếu tố bao gồm cả đại dịch Covid-19, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, tình trạng thiếu chip toàn cầu cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất smartphone. Việc tích tụ hàng tồn kho là một vấn đề khác ảnh hưởng đến doanh số smartphone. Điều này là do người tiêu dùng đang sử dụng smartphone của họ trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, vì smartphone ngày càng đắt hơn, nên người tiêu dùng không muốn nâng cấp rừ khi có sự cải tiến đáng kể về các tính năng.
Tháng trước, hãng nghiên cứu công nghệ Canalys ghi nhận sự sụt giảm doanh số smartphone toàn cầu đang chậm lại, giảm 1% trong quí 3 so với với mức giảm 10% của quí 2.
“Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm mới ở các thị trường mới nổi đang thúc đẩy các thương hiệu và kênh phân phối smartphone khi mùa lễ hội đến gần”, Sanyam Chaurasia, nhà phân tích cấp cao của Canalys, bình luận.
Trong báo cáo phát hành hôm 22-11, Canalys dự đoán doanh số smartphone trong năm 2023 sẽ phục hồi ở một số thị trường gồm Mỹ Latin, với mức tăng 2%, châu Phi (3%) và Trung Đông (9%). Công ty ước tính doanh số smartphone toàn cầu đạt 1,13 tỉ đơn vị trong năm nay, giảm 5% so với năm 2022.
Tuy nhiên, Canalys nhận định, thị trường sẽ cải thiện vào năm 2024 với ước tính khoảng 1,17 tỉ smartphone được tiêu thụ trong năm tới, tương ứng với mức tăng trưởng 4% hàng năm so với năm 2023.
Báo cáo chỉ rõ rằng người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho smartpphone, vốn đang có giá bán trung bình ở mức 440 đô la. Các thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2024 với khu vực châu Á -Thái Bình Dương, bao gồm các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, dự kiến đóng góp 33% tổng doanh số smartphone toàn cầu
Niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng và sự cải thiện điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ giúp thị trường đi vào quỹ đạo ổn định kể từ năm tới. Tất cả các thị trường smartphone trọng điểm, ngoại trừ Bắc Mỹ, dự kiến đều tăng trưởng vào năm 2024. Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi dự kiến đạt mức tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2024 trong khi châu Âu sẽ đạt mức tăng trưởng 7% hàng năm. Canalys cũng kỳ vọng xu hướng nhu cầu smartphone ngày càng tăng sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới, cuối cùng đạt doanh số 1,25 tỉ đơn vị vào năm 2027.
Theo CNBC, Times of India, Gsmarena