Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đọc tin ChatGPT và suy nghĩ về IT nước nhà

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đi sau về sau là bình thường, đi trước về sau coi như thất bại, đi theo thì khó thắng, phải đi trước một bước và về trước mới thắng. Điều đó đúng trong mọi lĩnh vực và trong công nghệ thông tin (IT) thì gần như chân lý. OpenAI tạo ra ChatGPT đã đi trước thật và họ đang thắng ít nhất là lúc này.

Gần 50 năm trước tôi từng tham gia lập trình dạy chiếc máy vi tính đầu tiên được lắp ráp tại Viện Tin học. Đồng nghiệp hăm hở lao vào trí tuệ nhân tạo (AI), nhận dạng, dạy máy tính, ứng dụng khá nhiều. Thế nhưng hình như mình như người toàn đọc tin vui của người khác hết thế kỷ này đến thế kỷ khác. Chỉ thấy khá nhiều người buôn máy tính thành giàu có và đi dạy người khác làm giàu từ tay trắng.

Mấy tuần nay ChatGPT đang sốt khắp thế giới, các báo lớn đều có chuyên mục về AI, xu hướng, dự báo. Người Mỹ biết làm ra sản phẩm bất ngờ và cách PR có một không hai sốc hơn cả phim Hollywood. Chưa có ứng dụng nào vượt qua ChatGPT về tốc độ người sử dụng đăng ký, nhất là giới trẻ, trong hơn một tháng đã có hơn 100 triệu. Trong khi đó, TikTok phải mất chín tháng để đạt 100 triệu/tháng và Instagram cần hai năm rưỡi trước khi vượt qua mốc đó.

Máy vi tính to và khủng ra đời vào những năm 1940 báo hiệu những thay đổi lớn, hơn 30 năm sau máy vi tính nhỏ nhẹ cáo chung máy vi tính lớn. Và khi Internet xuất hiện vài chục năm sau thì máy vi tính và thiết bị cầm tay đua nhau nở hoa. Khái niệm World Wide Web, mà chúng ta hay gõ WWW, cho ra đời mạng thông tin toàn cầu có thể truy cập từ mọi nơi mọi lúc, do giao thức liên kết siêu văn bản di chuyển từ tài liệu này sang tài liệu khác, dân ta hay gọi là lướt nét.

Thiết nghĩ, chính khách thời nay cần có hiểu biết về xu hướng công nghệ, có tầm nhìn xa vài thập kỷ và đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết, bằng không IT Việt Nam mãi mãi dừng trong các bài phát biểu trên bục.

Có web rồi, có thông tin rồi, có liên kết rồi nhưng tìm chúng thế nào đây. Và công cụ tìm kiếm (search) lại có dịp nở bung. Trong hơn 25 năm, công cụ tìm kiếm luôn ẩn hiện trên trang đầu của mỗi web. AltaVista, trang web đầu tiên cho phép tìm kiếm toàn bộ văn bản của web, đã nhanh chóng bị truất ngôi bởi Google và giờ thì người dùng Việt Nam đã quen, không biết thì… Gúc.

Công cụ tìm kiếm Google đã đưa công ty mẹ Alphabet thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, với doanh thu 283 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 và vốn hóa thị trường là 1.300 tỉ đô la. Google không chỉ đơn thuần là một cái tên quen thuộc, nó là một động từ – tìm kiếm.

Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, nhất là trong công nghệ. Máy tính IBM, điện thoại di động Nokia, HP sành điệu một thời rồi cũng đi vào quên lãng do chuyển giao công nghệ. ChatGPT vừa ra đời làm cho dân công nghệ than trời bởi sự tiện dụng và thông minh của AI cho phép người dùng thu thập thông tin thông qua hội thoại.

Không phải Google không biết Gúc ra ChatGPT, nhưng ai đi trước sẽ dễ về trước, chắc hẳn người khổng lồ tìm kiếm này không ngồi im. Nhưng bây giờ mới bắt chước ChatGPT thì quá muộn.

Những biến đổi quan trọng

Tôi nghĩ mãi về nền công nghệ thông tin nước nhà mà tôi gọi ngắn là IT cho dễ hiểu. Nếu ai hỏi những biến đổi về lịch sử đất nước mà tôi đã chứng kiến, tôi sẽ nói ba thời điểm sau: 1975 – kết thúc chiến tranh, 1986 – đổi mới, và 1997 – mở cổng Internet. Sự trùng lặp kỳ lạ sau từng thời kỳ 11 năm đã gợi cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm…

Sau thời gian dài chiến tranh tàn khốc, năm 1975 không còn tiếng bom rơi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ, đó là sự hứa hẹn sáng lạn cho tương lai đất nước.

Nhưng sau 11 năm, hình như chúng ta nhận ra một điều, đất nước mình đánh ngoại xâm có vẻ giỏi hơn là xây dựng đất nước. Những thất bại trong mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, giá lương tiền của hàng chục triệu người, được điều tiết theo ý chí chủ quan nhưng lại thiếu hiểu biết về quy luật thị trường. Kinh tế đất nước đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng hàng ngày, đồng bằng với đất đai phì nhiêu mà dân thiếu gạo ăn. Rất may, chúng ta đã kịp thời “Đổi mới”.

Có một số mục tiêu “Đổi mới” đặt ra năm 1986, nhưng tôi yêu thích nhất mục “Trao quyền sử dụng đất (Khoán 10)” được thực hiện năm 1988. Nói nôm na là nông dân (80% dân số) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc ra ngoài cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình. Để ý đến điều này vì tôi là con nhà nông chính hiệu nên biết giá trị điều này như thế nào. Việt Nam thành nước xuất gạo nhất nhì thế giới bởi từ… Khoán 10.

Khi có của ăn của để đôi chút, người ta nghĩ đến đi ra ngoài xem thế giới họ sống ra sao. Khi đó, 70 triệu người Việt không có tiền mua vé máy bay đi ra nước ngoài nhưng họ có thể du lịch qua “thế giới ảo”. Đó chính là thế giới thông tin World Wide Web và giấc mơ Internet cho Việt Nam.

Bàn về nối mạng với thế giới, có người đã sợ “thông tin vào, rác rưởi sẽ theo”. Bao nhiêu năm dưới sự đô hộ của ngoại bang và sự hy sinh lớn lao trong chiến tranh thì nỗi lo kia quả là có lý. Sau trì hoãn mấy năm và cuối cùng năm 1997, giới trẻ Việt Nam lần đầu biết đến mùi vị thế nào là lướt web, thư tình bằng e-mail và Yahoo chatting. Internet vào được gần 30 năm rồi, nước Việt đâu có mất. Không những không mất mà nước Nam ta lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết với nhịp độ tăng trưởng 7-8% năm.

Internet chính là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là “cái cày” của người dân trong “đồng ruộng” toàn cầu hóa. Đưa Internet đến từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân thuở trước. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên “đồng ruộng tri thức” ấy để xuất khẩu loại “gạo” mới.

Thế kỷ 21 chưa có đột phá

Ba sự kiện trên đều xảy ra cuối thế kỷ 20 với chu kỳ tính bằng 11 năm. Đã sang thế kỷ 21 được hơn hai thập kỷ với nhiều kỳ vọng thay đổi nhưng nước mình chưa có một thành tựu IT nào đáng kể trên “đồng ruộng trí thức” ấy để xuất khẩu.

Cách đây 30-40 năm, những nhà lãnh đạo Singapore, Hàn Quốc hay Malaysia quan niệm IT và Internet là cách thức phát triển cho họ nên không ngạc nhiên thấy đất nước người ta đã “hóa rồng” từ lâu. Thiết nghĩ, chính khách thời nay cần có hiểu biết về xu hướng công nghệ, có tầm nhìn xa vài thập kỷ và đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết, bằng không IT Việt Nam mãi mãi dừng trong các bài phát biểu trên bục.

Từ “Đổi mới” có từ gần nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị: đất nước đang cần sự đổi mới về công nghệ trong tư duy lãnh đạo. Thế giới đã đi rất xa về công nghệ. Việt Nam cũng nhiều tiến bộ với hạ tầng Internet thuộc loại tốt trong khu vực, người dùng cũng nhạy bén, mới nghe chatbot đã thử ào ào dù xứ mình chưa có dịch vụ này. Hơn một nửa dân số có tài khoản mạng xã hội, Internet đã phủ sóng ngang như lưới điện về nông thôn. Nhiều lợi thế đấy nhưng chưa biết tận dụng.

Nhiều công ty đã làm điện thoại di động thông minh, lắp ráp, chế tạo, lập trình ứng dụng trên Internet, lãnh đạo cao cấp cũng luôn nói về chính phủ kiến tạo, công nghiệp 4.0. Có vị còn đi xa hơn muốn làm ra mạng xã hội Made in Vietnam để thay Facebook cho thế giới dùng.

Nhưng rồi tất cả chỉ là mơ ước. Chả hiểu đầu tư cho mạng xã hội Việt Nam bao nhiêu tiền mà chả thấy ai dùng. Có chủ công ty ra mắt điện thoại di động thông minh, trang phục cho giống cha đẻ của iPhone, cũng không cứu được.

Để có ngành IT thành mũi nhọn thì chiến lược phát triển lâu dài mới có thể thành công. Trong công nghệ, sao chép, bắt chước, đi tắt đón đầu, cũng ổn, nhưng không có nền tảng tốt thì “triết lý” nào cũng hỏng.

Cổ nhân đã dạy “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thời đại toàn cầu hóa thì chất xám quyết định quốc gia nào sẽ tiến lên và ai là người tụt hậu. Nếu không có chính sách ưu đãi nhân tài và tạo điều kiện để họ phát triển thì nguyên khí sẽ bay đi. Chuyện muôn thuở “đất lành chim đậu”, một quy luật tự nhiên của dòng chảy chất xám từ quê ra tỉnh, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Nền tảng công nghệ đã tốt, thế hệ trẻ kiến thức không kém ai, đất nước cũng ổn định, nhưng rõ ràng thiếu cái gì đó mà IT xứ này chưa có sản phẩm nào nổi tiếng, chưa cần nói đến AI hay ChatGPT. Hay là môi trường phát triển có gì đó không ổn? Người có trình độ nhìn vào sẽ tự thấy mình cần “hòa nhập cho giống” hay lắc đầu bỏ đi, cả hai giải pháp đều hỏng, để rồi nước mình mãi đi sau, về sau.

Tôi thấy bế tắc, nghĩ mãi không ra lối thoát cho IT Made in Vietnam.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc câu cuối cùng của bài viết này, độc giả dễ thấy bi quan cho nền IT nước nhà. Nghĩ lại, IT không chỉ là công nghệ thông tin. IT không chỉ là lĩnh vực có động lực, tiềm năng sáng tạo cao nhất, nhanh nhất, mà còn có vai trò dẫn dắt đất nước tiến nhanh trên con đường hiện đại và văn minh. IT còn có nghĩa quan trọng nữa, Innovation Thinking (Tư duy đổi mới/ cải cách). Đây mới là điều then chốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới