Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đơn đặt hàng suy giảm, sản xuất của châu Á chùng xuống

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sản lượng nhà máy ở hầu hết các nước châu Á suy yếu trong tháng 9 do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển cộng thêm gánh nặng từ áp lực chi phí dai dẳng, theo các cuộc khảo sát do S&P Global Market Intelligence công bố.

Hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp ở Đài Loan và Malaysia, và tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong tháng 9 so với tháng 8 ở Nhật Bản và Việt Nam, do chi phí nguyên vật liệu tăng và triển vọng toàn cầu ảm đạm đè nặng lên tâm lý doanh nghiệp.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty Mitsubishi Fuso Truck & Bus Corp ở thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa , Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Nhật Bản, do S&P Global Market Intelligence theo dõi, giảm xuống 50,8 điểm trong tháng 9 từ 51,5 điểm trong tháng trước, đánh dấu mức tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 1 năm ngoái. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy ngành sản xuất đang mở rộng.

Dữ liệu cũng cho thấy đơn đặt hàng mới mà các nhà máy ở Nhật Bản nhận được trong tháng trước giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm, trong khi sản lượng của họ giảm mạnh nhất trong một năm do nhu cầu từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác suy yếu.

Joe Hayes, chuyên gia kinh tế cấp cao của S&P Global Market Intelligence, cho biết sự sa sút trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản vẫn tiếp diễn vào tháng 9 và thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Ông lưu ý trong khi lạm phát cao làm xói mòn sức mua của khách hàng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản.

“Đồng yên suy yếu cũng không giúp thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu, thay vào đó, đang đẩy lạm phát nhập khẩu tăng mạnh và khiến áp lực chi phí trong nước tăng hơn nữa”, ông nói.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Đài Loan trong tháng 9 rơi về 42,2 điểm so với 42,7 điểm trong tháng 8. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam giảm từ 52,7 điểm trong tháng 8, xuống còn 52,5 điểm trong tháng 9. Tại Malaysia, chỉ số PMI ngành sản xuất giảm xuống còn 49,1 điểm trong tháng 9.

Lạm phát tăng vọt đã buộc các ngân hàng trung ương Mỹ và các nước châu Âu tăng mạnh lãi suất, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ sụt giảm mạnh nhu cầu trên toàn cầu, vốn là nền tảng quan trọng cho xuất khẩu châu Á.

Đà tăng trưởng chậm lại rõ rệt của Trung Quốc cũng cản trở sự phục hồi kinh tế của châu Á. Với rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm nới lỏng chính sách ‘zero Covid’, nhiều nhà phân tích dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay, mức chậm nhất kể từ năm 1976, nếu không tính mức tăng trưởng chỉ 2,2% trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Các cuộc khảo sát của S&P Global Market Intelligence đưa ra sau khi dữ liệu hoạt động nhà máy và dịch vụ của Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu cho thấy nền kinh tế nước này đang giảm do gián đoạn sản xuất và giảm doanh số bán hàng.

Theo dữ liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số PMI ngành sản xuất của nước này đã tăng lên 50,1 điểm trong tháng 9 từ 49,4 điểm trong tháng 8. Nhưng theo dữ liệu do Caixin/Markit theo dõi, PMI ngành sản xuất Trung Quốc đã giảm nhiều hơn dự kiến xuống 48,1 điểm trong tháng 9 từ 49,5 điểm trong tháng trước đó.

Theo NBS, chỉ số số đơn hàng xuất khẩu mới của ngành sản xuất Trung Quốc giảm xuống 47 điểm từ 48,1 điểm trong tháng 8. Nhu cầu bên ngoài đã bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng, lạm phát cao và cuộc chiến ở Ukraine.

Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Guotai Junan International, nhận định: “Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm hơn nữa ... cho thấy nhu cầu bên ngoài suy yếu do chính sách tiền tệ thắt chặt gây ra lo ngại suy thoái ở các nền kinh tế phát triển. Nếu nhu cầu bên ngoài suy yếu hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tập trung nhiều
hơn vào nhu cầu trong nước”.

Trong khi chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc có những dấu hiệu tạo đáy ban đầu, các nhà kinh tế cảnh báo các nhà xuất khẩu châu Á sẽ tiếp tục chịu sức ép mới trong thời gian tới.

Nhu cầu về công nghệ và bán dẫn sụt giảm đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, đồng thời gây tâm lý bi quan cho các nhà sản xuất. Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, nói: "Chúng tôi đang chứng kiến các điều kiện kinh tế đang xấu đi ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Điều đó chắc chắn đang gây sức ép lên hoạt động sản xuất của châu Á. Dù tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể đã dịu lại, nhưng châu Á vẫn đang chịu tổn thương do nhu cầu toàn cầu sụt giảm”.

Theo Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới