Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đơn hàng ‘đi chợ hộ’ đang dồn ứ ở các siêu thị

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Không đơn giản như kế hoạch, việc đi chợ hộ ở TPHCM đang tắc từ đầu vào lẫn đầu ra. Lượng đơn đặt hàng đang dồn ứ tại các siêu thị ngày một nhiều bởi nhân lực vận chuyển đang rất hạn chế và việc phối hợp với các địa phương vẫn còn rối.

Theo như phản ánh của các siêu thị việc cấp giấy đi đường hạn chế đang khiến cho khâu giao hàng không thể đáp ứng được nhanh các đơn hàng. Thêm vào đó lộ trình có quá nhiều chốt kiểm soát khiến cho tiến độ giao hàng không được đảm bảo và đơn hàng dồn mỗi lúc một nhiều.

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết hiện nay nhiều cửa hàng trong hệ thống đang bị quá tải đơn hàng. Thống kê trong ngày 25-8, hệ thống này tiếp nhận khoảng 40.000 đơn nhưng chỉ giao được 2.000 đơn. Những ngày tiếp theo hệ thống vừa phải giao đơn cũ rồi nhận thêm đơn mới vì nhu cầu ngày một nhiều nhưng nhân sự lại không thể tăng lên.

Đơn hàng đi siêu thị hộ đang dồn ở siêu thị. Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng trong tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (đại diện Vinmart), cho biết đến sáng ngày 26-8, khoảng 30% nhân viên của siêu thị đã được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, với số lượng hàng ngàn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng nhân viên được cấp giấy còn quá nhỏ để đáp ứng.

Trong bối cảnh siết chặt giãn cách người dân khó có thể đặt mua như online bình thường vì việc vận chuyển hàng hóa, lựa chọn hàng bị động từ tất cả các khâu. Đồng thời, việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân hiện nay phụ thuộc vào lực lượng đi chợ hộ tại địa phương nên người dân mua sắm không thuận lợi như trước đây.

Mặt khác, hiện nay, mỗi phường có hàng trăm đến hàng ngàn hộ dân. Nếu mỗi khách hàng có yêu cầu riêng về số lượng mặt hàng, chủng loại, trọng lượng khác nhau sẽ rất khó cho phường và tổ đi chợ hộ khi sắp xếp, phân chia và giao hàng cho chính xác, nhanh chóng. Trong khi đó, mỗi siêu thị có hàng chục ngàn mặt hàng nên không thể nào đưa hết vào các combo mà sẽ ưu tiên nhu cầu thiết yếu nhất của người dân trong giai đoạn này, đặc biệt là thực phẩm.

Thêm vào đó, nhiều siêu thị cho biết đang gặp một số khó khăn khi làm việc với địa phương. Hiện nay, phường là cầu nối trung gian giữa siêu thị và người dân nhưng nhiều nơi nhân lực mỏng, quá tải trong khi có hàng ngàn đơn mỗi ngày. Chưa kể, lực lượng công an, bộ đội đến mua hàng lại lúng túng trong khâu lựa chọn hàng hóa khiến cho thời gian bị kéo dài hơn.

Không chỉ khó khăn trong việc giao hàng cho người dân mà việc bổ sung thêm hàng vào siêu thị cũng đang gặp trở ngại. Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, hiện tại nguồn hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, nông sản bị thiếu do gặp khó khăn trong vận chuyển do yêu cầu giấy tờ của mỗi địa phương khác nhau có địa phương cho xe đi, có địa phương không, nên rất trở ngại.

Bên cạnh đó, có quy định tài xế sau khi kết thúc chuyến hàng trường hợp về nhà, phải ở phòng riêng biệt, đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh…dẫn đến không có tài xế tham gia vận chuyển hàng.

Cũng tương tự, đại diện hệ thống Vinmart cho rằng việc nhập hàng của siêu thị cũng khó hơn. Cụ thể, xe tải chở hàng hóa thiết yếu của VinMart, VinMart+ không qua được nhiều chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TPHCM. Nhiều xe chở hàng phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa thực phẩm cho các siêu thị cửa hàng không được thông suốt.

Vì vậy hầu hết siêu thị đều mong muốn tạo luồng xanh cho hàng hóa lưu thông từ vùng trồng, vùng sản xuất tới siêu thị thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện mở rộng để đội ngũ giao hàng thiết yếu được hoạt động, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân.

20 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi, cần phải thực tế hơn với tình hình hiện nay ở TPHCM. Các chợ truyền thống đóng cửa nên các siêu thị là nơi cung ứng hàng hóa duy nhất lúc này, việc bán hàng online của các siêu thị là ưu tiên hàng đầu. Siêu thị tập trung lực lượng để lựa hàng, lực lượng bộ đội và tỉnh nguyện viên của Phường… đi giao hàng thì mới kịp đáp ứng.

    • Phải thống nhất các combo, số lượng combo vừa đủ (không cần đưa ra quá nhiều combo), combo phải phù hợp với nhu cầu và kinh tế của người dùng, phải có đơn vị điều phối giao hàng, chia theo ngày theo phường, phải phối hợp chặt chẽ các khâu, chứ cứ như mấy ngày qua thì phí cả nhân lực mà chẳng giải quyết được vấn đề đã đưa ra.

  2. Ở xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn thậm chí không có đồ ăn để giao. Nghĩ sao khi 1 tuần đi chợ mà chỉ có bó hành, cà chua, ít thịt. Thế làm sao đảm bảo sức khỏe? Trẻ con không có sữa.

  3. Làm ơn trước khi đưa ra thực hiện bất cứ việc gì hãy tính toán và cân nhắc kỹ. Cách làm như hiện nay khiến đời sống của dân đã khổ lại còn khổ hơn

  4. Dân đói lại càng đói, yêu cầu không ra khỏi nhà, đơn đặt mua hộ thì cả tuần vẫn không đến được tay dân. Mong đưa ra quyết định gì thì nên cân nhắc thật kỹ.

  5. Nên cho các siêu thị BigC, Coop Mart… giao hàng liên quận để dân nhờ. Các khu vực ngoại thành chỉ có mấy Bách hóa Xanh nho nhỏ, không thể đáp ứng được. Chúng tôi ở Vĩnh Lộc A, Bình Chánh đang rất khốn đốn mỗi khi mua hàng.

  6. Đi chợ hộ ư, đưa danh sách các món cần mua và tiền mua hàng cho tổ trưởng, đến hôm nay là 3 ngày rồi mà vẫn chưa nhận được hàng mình cần mua. Làm ơn trước khi đưa ra cái gì thì cần nghiên cứu kỹ.

  7. Thấy các báo đăng hình ảnh rất đẹp là ở các quận nào đó thuộc trung tâm hoặc bộ phận nhỏ người dân được mua thưc phẩm tươi ngon ngay trong ngày. Còn riêng chỗ mình ở là huyện ngoại thành, xã Tân Xuân – huyện Hóc Môn thì đã 3 ngày nộp phiếu + tiền để mua 4 combo mà chưa thấy hồi âm. Không hiểu thành phố ra quyết định, có kế hoạch ra sao mà hết hôm nay là 3 ngày (tức là tôi không tính ngày nộp tiền và đơn đăng ký buổi sáng ngày 25-8), đợi kiểu này thành phố không có lời nào để nói với dân sao? Hay là đăng ký xong 1 tuần sau mới có hàng?

  8. Combo “đi chợ hộ” của phường 7 quận 11 là:
    Rau củ quả 1: 100k/ 1 phần
    Rau củ quả 2: 200k/ 1 phần
    Rau củ quả 3: 300k/ 1 phần
    Thịt heo 1: 150k/ 1 phần
    Thịt heo 2: 300k/ 1 phần
    ….
    Vậy 1 phần 300.000 đồng thì mua được những gì? Câu hỏi đã được gửi đến số điện thoại người phụ trách thì câu trả lời combo này là do bên mấy chú bộ đội. xin số điện thoại của lãnh đạo thì có số của Chủ tịch UBND phường trả lời qua điện thoại là chấp nhận đi, tình trạng dịch bệnh.
    Chúng tôi phải trả tiền mà, có được cho đâu. Con cái mà mua đồ ăn như vậy thì sao có sức khỏe cho đến hơn 2 tuần nữa. Các anh, khi nhận nhiệm vụ thì hãy nhớ là người dân còn có trẻ nhỏ và người già cần chăm sóc. Cần có tâm và trách nhiệm, đừng đẩy trách nhiệm cho bộ đội và phải nói lên ý kiến cùa người dân. Mỗi ngày nhắn tin qua điện thoại kêu người dân ở nhà mà lại không có chút lo lắng về tình trạng lương thực thực phẩm của người dân?

  9. Những kế hoạch, giải pháp chống dịch được đưa ra rất hay nhưng một số giải pháp thiếu thực tế, chưa được áp dụng lần nào mà đã triển khai đại trà như đi chợ dùm. Để dân cả tuần mà không có thực phẩm thì ai chịu trách nhiệm? Phải có hình thức kỷ luật đối với những người tham mưu ra những giải pháp thiếu thực tế, gây hậu quả toàn xã hội, để dân phải ăn mì gói thay cơm cả tuần.
    Cấp chính quyền phải xuống tận nơi người dân đang sống để xem người dân có gì để ăn hay không, đừng để dân phải cầu cứu qua số đường dây nóng.

  10. Ai cũng than vãn ăn vậy sao đủ sức khoẻ? Xin hỏi ngày xưa cơm không đủ ăn áo không đủ mặc thì sao? Khó khăn khổ cực chiến tranh còn chịu được nhưng nhiễm Covid vào người ai dám giơ tay chịu được nào? Lúc này khó khăn mọi người gắng chịu có một tháng thôi còn hơn cứ đòi hỏi mong muốn sung túc để mất cả năm. Cái gì thiệt hơn chắc ai cũng biết, mong mọi người cùng cố gắng. Giờ chỉ mong ai cũng có bữa ăn qua ngày không ai bị đói là đã quá đủ rồi.

  11. Các siêu thị và cửa hàng đang vật lộn với số lượng đơn hàng online tăng vọt nhưng ít ra họ đang giải quyết tốt nhất trong muôn vàn khó khăn hiện nay.
    Đùng một cái bắt siêu thị ngưng bán hàng online và huy động một lực lượng không chuyên nghiệp, không được chuẩn bị gì “đi chợ hộ” cho cả 10 triệu người.
    Một tuần triển khai “Đi chợ hộ” khiến người dân ngán ngẩm và chồng chất thêm khó khăn lên vô vàn khó khăn mà suốt từ tháng 6 đến giờ các ban ngành đoàn thể không giải quyết được.
    Quyết tâm không là chưa đủ, cần khách quan, sâu sắc và nhạy bén nếu không sẽ thất bại.

  12. Ý tưởng “đi chợ hộ” là một ý tưởng tốt nhưng sẽ không khả thi do chưa am hiểu về cuộc sống của người dân thành phố Hồ Chí Minh. Với mấy nghìn người được Nhà nước chi viện để hỗ trợ địa phương về nhiều thứ kể cả “bao” luôn việc đi chợ thì cùng lắm là đáp ứng được vài phường trong quận là cùng. Để khả thi hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, Nhà nước cần mạnh dạn để cho người dân được ra khỏi nhà đến những cửa hàng gần nhà, hàng bán vỉa hè….để tự mua vì ở đó thông thoáng hơn siêu thị rất nhiều. Virus rất dễ lây nhưng cũng rất khó lây nếu đi mua hàng mà áp dụng tốt 5K. Rất mừng là mấy chục ngàn shipper được hoạt động liên quận trở lại nhưng thực tế lực lượng này cũng chỉ như “gãi ngứa” cho cơ thể của thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới