Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Động lực tăng trưởng kinh tế 2023: không chỉ ở đầu tư công

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phân tích về động lực tăng trưởng cho năm 2023, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng lớn vào đầu tư công, đặc biệt là giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tán thành đầu tư công là động lực lớn song Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng, tăng trưởng năm nay sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nữa, theo kiểu góp gió thành bão và nền kinh tế cần chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng, dù lớn hay nhỏ.

Khó khăn đang bộc lộ rõ nét

KTSG: Câu chuyện tìm kiếm động lực cho tăng trưởng kinh tế năm nay được đặt trong bối cảnh như thế nào, theo hai ông?

Ông Phan Đức Hiếu (trái) và ông Lê Duy Bình (phải)

- Ông Phan Đức Hiếu: Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được thành quả rất tích cực. Kết quả này phần nào che lấp những khó khăn đã xuất hiện từ cuối năm 2022. Mặc dù, kết quả kinh tế xã hội tháng 1-2023 bị ảnh hưởng phần nào bởi Tết, nhưng cho thấy khó khăn của nền kinh tế bộc lộ rõ nét hơn, đe dọa làm suy yếu các động lực tăng trưởng cho năm 2023.

- Ông Lê Duy Bình: Tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn một thập niên trở lại đây. Kết quả này đưa nước ta trở thành một trong những điểm sáng về tốc độ tăng trưởng của khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng ghi nhận những dấu mốc quan trọng khác phản ánh quy mô tăng trưởng như tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 371 tỉ đô la Mỹ - tăng 10,6% so với năm trước; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 22,4 tỉ đô la - cao nhất trong năm năm qua; hay tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đạt 5.679.900 tỉ đồng, tăng 19,8%.

Thành quả này đạt được trong một bối cảnh hết sức khó khăn, không thuận lợi! Mặc dù vậy, cùng quan điểm với ông Phan Đức Hiếu, tôi cho rằng thành tích tăng trưởng tốp đầu châu Á - Thái Bình Dương không thể làm lu mờ những khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài lẫn bên trong, cả khách quan và chủ quan, cả phần có thể dự báo và những điều hoàn toàn bất định đang chờ đợi phía trước.

KTSG: Những khó khăn đe dọa làm suy yếu các động lực tăng trưởng là gì?

- Ông Lê Duy Bình: Từ bên ngoài, những yếu tố đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của nước ta có thể kể đến: sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, tác động của xung đột Nga và Ukraine, lạm phát dâng cao tại các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến một loạt ngân hàng trung ương nâng mạnh lãi suất, Trung Quốc không còn duy trì chính sách “zero Covid” nhưng khó phục hồi hoàn toàn ngay lập tức...

Ông Phan Đức Hiếu: Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là khoảng hơn 707.000 tỉ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022; cùng với đó là khoảng 147.000 tỉ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Với nguồn lực đầu tư lớn như vậy, đây là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế năm nay.

Việc các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc không phải là tin tốt đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, nhất là khi phần lớn hoạt động xuất nhập khẩu lại phụ thuộc vào các nền kinh tế này.

Đáng lưu ý là tăng trưởng của các nền kinh tế này suy giảm sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tổng cầu đối với hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, lượng khách du lịch tới Việt Nam từ các nền kinh tế này.

- Ông Phan Đức Hiếu: Cùng với những khó khăn từ tình hình bất định của kinh tế, địa chính trị thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta như ông Lê Duy Bình vừa đề cập, các động lực tăng trưởng trong nước cũng đang gặp nhiều thách thức.

Rõ nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Từ quí 4-2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực này đã có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và đơn đặt hàng của ngành chế biến, chế tạo cũng giảm. Từ tháng 8-2022 đến nay, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) liên tục giảm tốc, ước giảm 14,6% trong tháng 1-2023 so với tháng trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo - vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng - giảm 9,1%. Cũng trong tháng 1-2023, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể (gần 44.000 doanh nghiệp) vượt xa số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (25.900 doanh nghiệp). Tới đây, khó khăn có thể còn tiếp tục khi nhu cầu thị trường thế giới thu hẹp, tín dụng vẫn thắt chặt...

Nhìn theo lĩnh vực, khu vực dịch vụ du lịch dự kiến đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng khi thị trường khách quốc tế phục hồi nhưng có đột phá được hay không thì vẫn là vấn đề kỳ vọng. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp chắc chắn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng thị trường thế giới. Nông nghiệp được kỳ vọng vẫn duy trì mức độ đóng góp ổn định song khó có sự đột phá bởi hai yếu tố. Một số thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ suy giảm; Trung Quốc mở cửa trở lại có thể mở ra một thị trường lớn nhưng đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ở nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng khác.

Đầu tư nước ngoài cũng là một động lực quan trọng nhưng đang có những vấn đề nổi lên. Chúng ta kỳ vọng vào một làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, nhưng thực tế chưa cho thấy điều đó. Nếu không có diễn biến mới, theo dự kiến thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ 1-1-2024 và điều này sẽ tác động lớn đến thu hút FDI trong thời gian tới. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải điều chỉnh thể chế, chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng điều này lại không thể làm trong ngày một ngày hai và việc tìm giải pháp thay thế rất thách thức.

Đối với vốn đầu tư tư nhân, một tín hiệu cần lưu ý là số vốn đăng ký mới giảm. Mặc dù thống kê vốn đăng ký mới của doanh nghiệp không thực sự phản ánh đầy đủ đầu tư vào nền kinh tế của khu vực này, nhưng sự suy giảm này cũng là một chỉ báo cho thấy động lực từ khu vực tư nhân chưa có dấu hiệu tích cực.

Đặt kỳ vọng lớn vào đầu tư công

KTSG: Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng đều có vấn đề như vậy, đâu là những điểm tựa quan trọng để nền kinh tế có thể tự tin dựa vào và vượt khó?

- Ông Lê Duy Bình: Bất chấp các khó khăn, nước ta có những cơ sở, cơ hội và điểm tựa để vượt khó thành công trong năm tới.

Ông Lê Duy Bình: Xử lý vấn đề trước mắt nhưng trên quan điểm tạo nguyên tắc và nền tảng cho sự phát triển của các thị trường trong dài hạn sẽ giúp nền kinh tế không luôn bị loay hoay hay tốn kém nhiều nguồn lực với các giải pháp tình thế mà có thể tự tin, vững vàng phát triển trên các nền tảng và nguyên tắc thị trường được xác lập rõ ràng và vững chắc.

Sự ổn định về kinh tế vĩ mô với các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ lệ thâm hụt ngân sách, nợ công trong tầm kiểm soát tạo nền tảng và dư địa chắc chắn cho các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2023, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta tham gia ký kết cũng sẽ mang lại cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng mạnh về xuất khẩu hàng hóa vào một số thị trường mới trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã cho thấy ý nghĩa của các hiệp định này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Tổng kim ngạch bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng năm vừa qua cũng vượt ngưỡng 230 tỉ đô la với tốc độ tăng gần 20%. Điều này cho thấy thị trường trong nước đang dần trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Song song với đó, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỉ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm 2023. Nếu nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả, có chất lượng thì tổng cầu của nền kinh tế trong năm nay sẽ được hỗ trợ rất tích cực, bù đắp cho những khó khăn về nhu cầu từ thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều ngành như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng - có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự trầm lắng dự báo sẽ kéo dài của ngành bất động sản trong năm 2023.

Một điểm tựa quan trọng nữa là năng lực xoay xở, thích ứng của doanh nghiệp. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi và đáp ứng gần như tất cả đơn hàng từ thị trường trong nước và thị trường toàn cầu.

- Ông Phan Đức Hiếu: Động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công. Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là khoảng hơn 707.000 tỉ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022; cùng với đó là khoảng 147.000 tỉ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với nguồn lực đầu tư lớn như vậy, đây là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế năm nay.

Tuy nhiên, động lực này cũng gặp thách thức lớn về vấn đề giải ngân chậm, không đồng đều đã diễn ra nhiều năm qua. Vì thế, tác động của động lực này đến đâu còn phụ thuộc vào việc khắc phục, giải quyết được những vướng mắc về giải ngân để đảm bảo mức độ, tốc độ giải ngân.

Mặc dù vậy, đầu tư công năm nay có cơ sở để kỳ vọng hơn bởi một số lý do. Trước hết, nhiều dự án theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được triển khai. Theo tôi được biết, đến nay các dự án trong chương trình đã cơ bản được phân bổ vốn xong, nhiều dự án đã xong hết thủ tục. Ngay ngày đầu năm 2023, 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được đồng loạt khởi công.

Các thủ tục đã cơ bản hoàn thành và giờ chỉ tập trung vào làm một cách thực chất, quyết liệt, đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu. Cùng với đó, bước sang năm 2023, nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng đã xong được vấn đề về thủ tục, quy trình, do đó có thể hy vọng tốc độ giải ngân năm nay sẽ tích cực hơn các năm trước.

- Ông Lê Duy Bình: Lượng vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay cho thấy đây là một động lực tăng trưởng đáng kể cho tăng trưởng trong năm nay. Nguồn vốn này sẽ giúp tăng tổng cầu của nền kinh tế đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành, nghề và doanh nghiệp. Hy vọng rằng quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay sẽ tạo đà cho việc nhanh chóng sửa đổi các quy định, xử lý các điểm nghẽn liên quan tới vốn đầu tư công vốn vẫn làm khó cho việc giải ngân vốn đầu tư công từ trước tới nay, tạo tiền đề cho việc giải ngân tốt hơn nguồn vốn này trong tương lai.

Về lâu dài, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hình thành cơ sở hạ tầng. Đầu tư công nếu quá nhiều có thể tạo hiệu ứng chèn lấn đầu tư tư nhân. Vì vậy, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công cần đi kèm với các nỗ lực nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo cơ chế để tăng cường các hình thức đối tác công tư.

Cũng từ quan điểm này, tôi cho rằng tăng trưởng năm nay cần đến từ nhiều yếu tố khác nữa chứ không hoàn toàn chỉ dựa vào đầu tư công. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng, dù lớn hay nhỏ, giống như cách góp gió thành bão. Ví dụ, trong năm 2023, ngành du lịch và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn, ngành nông nghiệp và các ngành chế biến, chế tạo có thể sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thị trường tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục được mở rộng. Mọi cơ hội đóng góp cho tăng trưởng dù lớn hay nhỏ đều cần được trân trọng và hỗ trợ, đặc biệt trong bổi cảnh nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như hiện nay.

Vấn đề là phải hành động

KTSG: Có thể thấy, những động lực tăng trưởng của năm nay không có nhân tố mới. Vấn đề là làm thế nào để khai thác hiệu quả hơn các động lực này để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế?

- Ông Phan Đức Hiếu: Có thể nói, các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đã được ban hành, theo tôi khá toàn diện, đầy đủ cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, Nghị quyết 68/2022/QH15 đã nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp kèm theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 với 11 nhóm nhiệm vụ chính và 127 nhiệm vụ cụ thể.

Đồng thời, chúng ta cũng đã có những giải pháp dài hạn và căn cơ được làm trong suốt nhiều năm qua. Đó là chương trình cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,...

Rõ ràng các giải pháp đã được xác định và khá đầy đủ! Vấn đề giờ là Chính phủ và các cơ quan cần hành động cụ thể, thực chất, quyết liệt và đầy đủ để triển khai các giải pháp đã đề ra. Khó khăn, bất định có thể kéo dài càng cần phải được hóa giải bằng hành động mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn. Có như vậy mới tạo được nền tảng cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, bám sát diễn biến tình hình thực tế để phát hiện và hỗ trợ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân là quan trọng. Đối với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh, bổ sung chính sách, chẳng hạn như các giải pháp về chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh... Các chính sách hỗ trợ là cần thiết, giúp doanh nghiệp cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn này, tránh việc họ phải rút lui khỏi thị trường thì tổn thất sẽ lớn hơn. Trong bối cảnh này, sức chống chịu, khả năng cầm cự của doanh nghiệp Việt có thể coi là một điều kiện cần để duy trì các động lực đã làm nên tăng trưởng kinh tế năm 2022 và tiếp tục là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Ngoài ra, một điều khác tôi muốn nhấn mạnh từ năm nay là để phát triển bền vững và giải quyết hiệu quả các khó khăn, bất cập thì cần có sự tham gia có trách nhiệm, tích cực của mọi chủ thể, từ nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý... chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của một chủ thể nào hay của Nhà nước. Từ phía doanh nghiệp, hơn lúc nào hết cần phát huy sự hợp tác, nâng cao chất lượng quản trị. Cần có sự chia sẻ, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư và ngược lại; nhà đầu tư cần nâng cao sự chuyên nghiệp, chuyên môn trong quyết định đầu tư. Về phía nhà quản lý, cần sớm có thông điệp rõ ràng, minh bạch hóa quá trình giải quyết các vướng mắc, để từ đó củng cố lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư.

- Ông Lê Duy Bình: Sau ba năm đại dịch, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp đã bị suy kiệt đáng kể, dấu hiệu mệt mỏi đã xuất hiện trên nhiều gương mặt doanh nhân. Niềm tin, tinh thần và ý chí kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân và của các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do những tác động kéo dài của dịch bệnh và đặc biệt là sau những biến cố gần đây của thị trường.

Trong bối cảnh đó, niềm tin của nhà đầu tư và ý chí kinh doanh của người dân, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ bằng những chính sách và hành động để xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, ít rủi ro, chi phí thấp.

Hiện nay, vai trò của đầu tư tư nhân trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ngày một tăng với tỷ trọng đầu tư tư nhân chiếm tới xấp xỉ 60% trong tổng số vào năm 2021. Hiệu quả của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Do vậy cần có những động lực mới cho khu vực này.

Trong năm 2023 và những năm tới, ngoài việc xử lý các vấn đề để tạo động lực trước mắt cho tăng trưởng, tôi cho rằng còn cần phải xử lý các vấn đề để tạo nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn. Chẳng hạn, một chính sách visa cởi mở sẽ hỗ trợ tốt hơn cho ngành du lịch nhưng không thể thay đổi toàn bộ ngành này. Để phát triển ngành du lịch bền vững thì cần sự đầu tư bài bản vào cải thiện hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch... Hoặc, trên thị trường trái phiếu hay thị trường bất động sản, ngoài các biện pháp xử lý các vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt thì cần có các biện pháp nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các thị trường này trong lâu dài.

Xử lý vấn đề trước mắt nhưng trên quan điểm tạo nguyên tắc và nền tảng cho sự phát triển của các thị trường trong dài hạn sẽ giúp nền kinh tế không luôn bị loay hoay hay tốn kém nhiều nguồn lực với các giải pháp tình thế mà có thể tự tin, vững vàng phát triển trên các nền tảng và nguyên tắc thị trường được xác lập rõ ràng và vững chắc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới